.

Nguồn mạch người đời

.

Những năm gần đây, xu hướng trở về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt dòng họ, làng xã diễn ra sôi nổi, thể hiện qua việc coi trọng nghi lễ thờ cúng tổ tiên; sửa chữa, trùng tu, xây mới nhà thờ, mồ mả tổ tiên; lập quỹ khuyến học khuyến tài, viết lại tộc ước để chấn chỉnh gia phong, giáo dục con cháu truyền thống dòng họ… Những hoạt động này đang trở thành nhu cầu thực sự của cuộc sống hôm nay trong các cộng đồng làng xã.

Việc nhà nông thường ngày đã trở thành nét đẹp văn hóa ở Hội làng Túy Loan.                        Ảnh: V.T.L
Việc nhà nông thường ngày đã trở thành nét đẹp văn hóa ở Hội làng Túy Loan. Ảnh: V.T.L

Giữ gìn bản sắc dòng họ

Nếu ở phố, khó giữ được sự gắn kết bà con trong cùng một tộc họ bởi thiếu sự quần cư, thì các vùng thôn quê vẫn giữ được bản sắc dòng họ, các gia đình quây quần bên nhau giữa một cộng đồng gần gũi, nhờ đó bản sắc dòng họ luôn được giữ gìn và phát huy.

Làng Túy Loan, xã Hòa Phong, Hòa Vang như được bao bọc bởi một lớp trầm tích lịch sử, văn hóa, từ những người khởi thủy di cư từ miền Bắc vào đây lập làng và được cháu con gìn giữ qua bao đời. Theo ông Đặng Tao, 82 tuổi, thì dòng họ Đặng (phái nhất) của ông cùng các vị tiền hiền tộc Lâm, Trần, Nguyễn, Lê vào sống ở đất Túy Loan từ thời Hồng Đức nguyên niên (năm 1470). Đình làng qua nhiều lần trùng tu, đến nay còn lưu giữ 20 sắc phong của các đời vua từ thời Minh Mạng đến Khải Định phong cho làng. Đình Túy Loan lập ra để thờ thần, Thành hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan.

Ông Đặng Tao nhấn mạnh đến yếu tố đình Túy Loan là nơi sinh hoạt văn hóa - lễ hội dân gian của người dân, mỗi năm có 2 lễ lớn: lễ tế xuân vào tháng 2 âm lịch; lễ tế thu vào tháng 8 âm lịch, cầu quốc thái dân an. Ngoài ra, 15 năm nay, lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra vào 2 ngày 9 và 10 tháng Giêng âm lịch cũng là dịp hội tụ của con cháu trong làng đi làm ăn xa trở về và thời điểm này cũng nhắc nhớ mọi người bày tỏ lòng tri ân với tổ tiên, giữ gìn nét đẹp truyền thống hiếu học và truyền thống yêu nước bao đời của làng.  

Xã Hòa Phong từ xưa đến nay được nhắc đến là đất học, qua truyền thống học tập, đỗ đạt của dòng họ Lâm làng Cẩm Toại. Hòa Phong có 14 tiến sĩ thì riêng họ Lâm có 9 người có tên trên bảng vàng này. Ông Lâm Quang Sả, phụ trách mảng khuyến học của dòng họ cho biết, ngày 18-3 âm lịch là ngày tảo mộ của dòng họ và cứ 3 năm sẽ có một lần giỗ Đại tộc, tập trung gần đông đủ con cháu ở các nơi về, cũng là dịp để các cụ cao niên trong họ nhắc cho lớp sau biết vị thủy tổ của dòng họ là một trong những người lập làng trên vùng đất mới này và dòng họ có truyền thống học tập gần như nổi bật nhất vùng cánh tây Hòa Vang.

Mươi năm trở lại đây, việc tìm về cội nguồn để nối kết dòng họ được lớp người cao tuổi đề xướng. Nhờ đó nhiều tộc họ ở Đà Nẵng đã liên kết với con cháu ở nhiều địa phương trong cả nước, và cả ở nước ngoài. Và những ngày giỗ tộc, giỗ họ cũng là dịp lớp cha ông giáo dục thế hệ hậu duệ đời sau nhận thức được việc phụng thờ tổ tiên, xây dựng gia phong. Hiện nay nhiều gia tộc, dòng họ như họ Trần Đình làng Yến Nê, xã Hòa Tiến có những hoạt động phong phú, giàu bản sắc, như: biên soạn, bổ sung gia phả, xây dựng và thực hiện tộc ước, xây cất, tu bổ nhà thờ, phần mộ tổ… Ông Ngô Hồng Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hòa Tiến cho biết toàn xã có 87 hội đồng chư phái tộc, trong đó có 62 tộc có quy ước tộc họ, đặt vấn đề giáo dục con cháu lên hàng đầu… Chính các tộc họ làm cho văn hóa của các làng ở Hòa Vang hiện nay phong phú và giàu bản sắc. Lịch sử, truyền thống của các gia tộc, dòng họ đã trở thành những di sản văn hóa quý báu của các làng xã, của quê hương, dân tộc.

Khuyến học trong từng dòng họ

Năm 1987, quỹ khuyến học tộc Lâm làng Cẩm Toại, xã Hòa Phong ra đời, với mục đích giúp đỡ con cháu của dòng họ có điều kiện học tập và khuyến khích các em học cao, đỗ đạt như các bậc tiền nhân của dòng họ đã làm. Mỗi gia đình có nghĩa vụ góp mỗi năm 10kg lúa cho quỹ khuyến học, quy ra theo thời giá. 10kg lúa có thể không đáng là bao, nhưng là cách để mỗi gia đình có trách nhiệm với việc học đã trở thành truyền thống của dòng họ. Từ đây, hàng trăm em học sinh có thành tích học tập xuất sắc được trao thưởng vào ngày giỗ-tảo mộ hằng năm trước sự chứng kiến của tổ tiên và cả dòng họ.

Quỹ khuyến học của tộc Đặng làng Túy Loan được thành lập 15 năm nay, hàng chục em học sinh từ cấp tiểu học đến đại học được trao học bổng khuyến khích học tập. Với 900 gia đình của 2 phái tộc Đặng, làng Túy Loan trở thành nơi có phong trào khuyến học dòng họ rất mạnh của huyện Hòa Vang. Ông Đặng Tao cho biết, 2 năm nay quỹ khuyến học của dòng họ đã đề xuất thêm phần “học bổng con nhà nghèo học giỏi” nhằm giúp đỡ các em gia đình khó khăn. Nhờ đó, một mạnh thường quân của dòng họ đã tài trợ cho 3 em với mức 300 nghìn/tháng suốt 2 năm nay và cam kết hỗ trợ các em đến lúc hoàn thành chương trình phổ thông.

Ông Nguyễn Tịch, Chủ tịch hội Khuyến học xã Hòa Phong cho rằng, phần thưởng đáng giá một phần, nhưng việc trân trọng là sự vinh danh thành quả học tập của các em trước bà con họ hàng, khiến cha mẹ các em “nở mày nở mặt” sẽ khuyến khích con cháu học tập hơn nữa. Do vậy xã có 10 tộc họ khuyến học/27 chi hội khuyến học và 4 năm gần đây luôn dẫn đầu huyện Hòa Vang về số học sinh thi đỗ đại học.

5 năm nay, việc trao học bổng cho các em có thành tích học tập cao ở nhà thờ gia tộc Trần Đình làng Yến Nê, xã Hòa Tiến trở thành hoạt động truyền thống của dòng họ. Ông Trần Đình Quốc, phụ trách khuyến học của tộc Trần Đình cho biết, đến nay có 220 hộ là đàn ông đã lập gia đình từ 18 tuổi trở lên đóng góp cho quỹ 50 nghìn đồng/năm, đã trao học bổng cho 530 lượt học sinh với số tiền trên 100 triệu đồng, quỹ còn gửi ngân hàng gần 100 triệu đồng. Phong trào khuyến học đã tạo thành phong trào thi đua học tập trong tất cả các em học sinh, bởi con số 2 phó giáo sư, 17 tiến sĩ, gần 30 thạc sĩ và hàng chục gia đình tất cả con cháu đều tốt nghiệp đại học của tộc Trần Đình đã trở thành niềm tự hào cũng như khát vọng cho các thế hệ của dòng họ trên con đường học vấn.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.