.

Chờ những mùa hoa

.

Với những người yêu đường nét và có chút năng khiếu thì hội họa luôn có sức quyến rũ khó cưỡng. Loại hình nghệ thuật này thường mang đậm dấu ấn cá nhân thông qua ngôn ngữ hình thể cũng như cách chuyển tải không gian, thời gian trong mỗi đề tài.

Họa sĩ Duy Ninh (phải) và người xem tại phòng trưng bày tác phẩm mỹ thuật Đà Nẵng.  Ảnh: T.Y
Họa sĩ Duy Ninh (phải) và người xem tại phòng trưng bày tác phẩm mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Ôn cố tri tân

Trong ký ức của những họa sĩ thế hệ đàn anh ở Đà Nẵng như Vũ Dương, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Nguyễn Tường Vinh, Phạm Văn Hạng, Lê Huy Hạnh… phong trào sáng tác mỹ thuật ở Quảng Nam, Đà Nẵng thời gian đầu giải phóng luôn khiến họ không thể nào quên được. Lúc ấy, họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim (đã mất), người phụ trách phong trào mỹ thuật của Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng cùng chiếc xe đạp lặn lội đi tìm địa chỉ của từng anh em họa sĩ để gầy dựng phong trào. Những buổi đi thực tế, sáng tác (một từ khá lạ lẫm với anh em lúc đó), những buổi tiếp xúc, trao đổi nghiệp vụ cùng các họa sĩ lão thành như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Ty, Phan Kế An, Văn Đa, Thế Vinh là những ngày tháng đáng nhớ. Họ bảo, nhiều họa sĩ ở vùng đất này được nhắc đến không phải ở cá tính, lối chơi mà ở các tác phẩm gây ấn tượng tại phòng triển lãm, những công trình tượng đài đồ sộ được xây dựng tại vùng đất mang nhiều chứng tích.

Tính đến năm 1988 ở Đà Nẵng đã có 9 cuộc triển lãm quy mô do Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức, đồng thời tiếp nhận khá nhiều triển lãm do Trung ương và một số cá nhân khác ở Hà Nội đưa vào. Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, người trưởng thành từ phong trào mỹ thuật giai đoạn này cho biết, giai đoạn này, nhiều họa sĩ sống được bằng nghề bán tranh. Hàng loạt các triển lãm cá nhân, nhóm liên tục được mở ra không chỉ ở Đà Nẵng, Hội An mà cả Huế, Hà Nội và Nha Trang. Một số họa sĩ, nhóm họa sĩ đã gởi tranh ra nước ngoài tham gia triển lãm như nhóm Duy Ninh, Tường Vinh, Ngọc Minh gởi tranh tham dự Triển lãm đồ họa quốc tế tại Sapporo (Nhật) năm 1992; nhóm Tường Vinh, Duy Ninh, Vũ Dương, Lê Đợi, Phan Ngọc Minh, Nguyễn Trọng Dũng được một tổ chức nghệ thuật Đan Mạch chọn tranh để triển lãm cùng các họa sĩ ở Hà Nội tại Đan Mạch 1995 và Đức năm 1997. Đặc biệt, các cá nhân có tác phẩm triển lãm ở nước ngoài như Hoàng Ân tại Singapore 1992; Hoàng Đặng 1993 và Duy Ninh 1996 tại Mỹ; Tường Vinh tại Hà Lan năm 1994; Từ Duy tại Pháp năm 1995 và Hồng Kông 1996; Nguyễn Thượng Hỷ tại Nhật năm 1995; Lê Đợi tại Úc năm 1996. Đặc biệt, nhiều cá nhân đã đầu tư mở phòng tranh tại Đà Nẵng và Hội An để phục vụ những ai yêu thích tác phẩm hội họa.

Nhắc đến mỹ thuật Đà Nẵng giai đoạn vàng son này, không thể không nói đến nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, vườn tượng trở thành bộ sưu tập chân dung nghệ sĩ độc đáo và hàng chục công trình tượng đài mang dấu ấn tác giả. Với kỹ thuật vẽ trên lụa nhuần nhuyễn, tranh của Vũ Dương mang đến cho người xem tình cảm ấm áp về con người, nguồn cội. Riêng Từ Duy, tranh cũng như người, mộc mạc, hiền hòa, tìm về những tự tình dân tộc thông qua kỹ thuật in mộc bản đã được cách tân. Hay kỹ thuật thủ ấn họa của Duy Ninh khai thác những bất ngờ trong đường nét, bố cục màu, bằng sự thả rông tư duy hình tượng. Hay Dư Dư, tác giả nữ đã mở nhiều lớp dạy vẽ cho thiếu nhi, giúp thiếu nhi Đà Nẵng đạt nhiều giải thưởng ở các kỳ thi vẽ trong và ngoài nước.

Chất liệu, từ truyền thống đến hiện đại

Trong lĩnh vực hội họa của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, những chất liệu truyền thống như lụa, gỗ, sơn mài, sơn dầu, bột màu chưa bao giờ cũ. Rất nhiều tác giả chọn chất liệu này trong quá trình sáng tác của mình. Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho rằng, cũng trên chất liệu ấy, mỗi họa sĩ sẽ biết cách tìm tòi, sáng tạo riêng để định hình nên phong cách của mình. Nếu việc vẽ tranh trên lụa vừa mang hơi thở văn hóa vùng miền, không bao giờ lỗi mốt thì chất liệu sơn dầu buộc người họa sĩ phải có đủ sự khéo léo và nhạy cảm trong từng gam màu thể hiện. Trong khi đó, dòng tranh sơn mài, khắc gỗ, phủ bột màu luôn mang lại cảm hứng trong sáng tác.

 Công trường xây dựng cầu Sông Hàn, chất liệu sơn mài, 120x160cm. Giải thưởng khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên 2000, giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ I (1997-2004) của tác giả Tường Vinh.
Công trường xây dựng cầu Sông Hàn, chất liệu sơn mài, 120x160cm. Giải thưởng khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên 2000, giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ I (1997-2004) của tác giả Tường Vinh.

Với Nguyễn Trọng Dũng, lụa, sơn dầu là 2 chất liệu chủ đạo trong suốt quá trình sáng tác. Miệt mài với lụa, năm 1995 Nguyễn Trọng Dũng thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên gồm 30 tác phẩm lụa. Triển lãm của anh ngay lập tức nhận được sự chú ý của giới chuyên môn. Cùng với thành công ban đầu, cộng với niềm đam mê sáng tác, năm 1996, trong cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (MTTQ) 5 năm tổ chức một lần, tác phẩm Tết Trung thu của anh được giải thưởng của Quỹ hỗ trợ văn hóa Việt Nam-Thụy Điển. Tuy vậy, ở môi trường khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, sáng tác trên chất liệu lụa không phải là sự lựa chọn hoàn hảo vì tuổi thọ chỉ được vài chục năm. Chưa kể, trong cơn bão Chanchu 2006, Nguyễn Trọng Dũng bị hư hại 11 bức tranh lụa do thấm nước. Để nâng cao tay nghề và làm phong phú thêm gia tài hội họa của mình, Trọng Dũng bắt tay với sơn dầu từ năm 2000. Ở chất liệu này, anh tiếp tục thành công khi nhận được HCĐ tại triển lãm MTTQ năm 2005 với tác phẩm “Di sản”. Cũng trong năm đó, “Di sản” của anh tiếp tục nhận được giải thưởng của Quỹ hỗ trợ Văn hóa Việt Nam-Thụy Điển.

Nhiều họa sĩ ví von rằng, ngoài kỹ thuật cá nhân, nếu vẽ tranh trên chất liệu tồi và nền không tốt cũng giống như xây nhà trên cái móng yếu. Do vậy, việc sử dụng bất cứ vật liệu nào cũng phải đảm bảo tranh không bị biến dạng theo thời gian, nhiệt độ, độ ẩm và không bị bong tróc các lớp màu vẽ ở trên…

Với những yêu cầu đó, hiện nay, chất liệu mới acrylic được rất nhiều họa sĩ sử dụng, đặc biệt là họa sĩ trẻ mới vào nghề. Ở Việt Nam, acrylic bắt đầu được sử dụng nhiều từ năm 2000. Đây là dạng đơn giản nhất của carboxylic acid không bão hòa, hòa tan được trong nước, khi khô, các sợi polymer hòa vào nhau, không giòn như màng sơn dầu. Đặc biệt, màng acrylic khi khô không bị nước hòa tan, ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và độ ẩm, không bị vi khuẩn làm ẩm mốc. Khác với nền sơn dầu thường lâu khô, khiến người họa sĩ đôi khi bị gián đoạn ý tưởng trong sáng tác thì acrylic khô trong vòng 30 phút, chỉ cần dùng nước là rửa được bút nên việc chồng màu rất dễ dàng và tiện lợi.

Thủ ấn họa là từ học thuật chỉ có trong hội họa. Nói đến phương pháp này, người trong giới mỹ thuật sẽ nhớ ngay đến Tú Duyên (tên thật Lê Văn Duyến-đã mất năm 2012), người sáng lập và cũng là bậc thầy về thủ ấn họa. Ở Việt Nam, người vẽ thủ ấn họa chỉ đếm trên đầu ngón tay, ở Đà Nẵng lại càng hiếm. Bằng con đường tìm tòi, tự học, họa sĩ Duy Ninh đã tạo được tên tuổi của mình qua một số bức tranh thủ ấn họa được giới chuyên môn đánh giá cao. Đơn cử, Lời rừng (HCĐ Triển lãm MTTQ 2010) sau đó được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại với giá 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, 2 bức khác là Những mái rêu, Cổng XXI cũng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua để trưng bày. Điều đặc biệt ở phương pháp thủ ấn họa là tác giả dùng bột màu phủ lên chất liệu, sau đó dùng các đầu ngón tay thay cho bút cọ ấn vào tranh tạo nên bức tranh nhiều màu sắc. “Tranh thủ ấn họa thường độc bản hoặc 2, 3 bản là tối đa. Tuy nhiên 3 bản này sẽ khác nhau về độ đậm, nhạt và hình vẽ đôi khi được thêm bớt”, Duy Ninh nói.

Buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Trần Thọ với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mới đây, thông tin cần đẩy nhanh xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được các cấp lãnh đạo quan tâm và giới mỹ thuật Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thực hiện trong thời gian tới. Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh nhận định, sự ra đời Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ giúp họa sĩ, nhà điêu khắc có không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Nhiều họa sĩ trẻ ở Đà Nẵng hiện nay khá sung sức trong sáng tạo nghệ thuật cũng như có điều kiện tiếp thu phương pháp kỹ thuật, trào lưu đương đại của thế giới. Thành công của mỹ thuật Đà Nẵng trong tương lai đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ này. Ở họ, có những mùa hoa đang chờ tiết trời thuận lợi sẽ bung nở những bông hoa nhiều màu sắc, khiêm nhường và không kém phần độc đáo.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.