.

Đầu bếp níu chân người

.

Sự phong phú của ẩm thực Việt Nam với hàng trăm món ăn, đặc biệt mỗi vùng miền có những món ăn riêng biệt là cơ hội để quảng bá món ăn Việt Nam với bạn bè thế giới.

Các nhà làm du lịch đang hướng đến mục tiêu: du lịch gắn với ẩm thực để thu hút du khách. Và chính các đầu bếp Việt tài hoa trên khắp cả nước là người “đánh thức” vị giác của thực khách, để khi rời đi, khách có thể không nhớ mặt người làm ra món ăn, nhưng món ăn đó sẽ giữ mãi hương vị, màu sắc trong lòng họ, để có một cái hẹn gặp lại vào một ngày không xa. Sức mạnh của ẩm thực có khả năng níu giữ người là vậy.

Đầu bếp Nguyễn Đức Dương và bếp trưởng Michel Roux đẳng cấp 3 sao Michelin .Ảnh: H.L
Đầu bếp Nguyễn Đức Dương và bếp trưởng Michel Roux đẳng cấp 3 sao Michelin .Ảnh: H.L

Có lẽ với nhiều người, vị đầu bếp tài hoa nhất, nấu ăn khéo nhất chính là mẹ của mình. Nhưng khi bước chân ra khỏi ngôi nhà thân yêu, muốn ăn ngon, đúng khẩu vị thì bạn phải chọn quán ăn, nhà hàng; đồng nghĩa với việc bạn bỏ ra một số tiền tương đương thì sẽ được phục vụ món ăn với chất lượng 5 sao hay… tạm được. Người đầu bếp giỏi phải biết nấu thế nào, dọn món làm sao cho khách ăn thấy ngon. Theo các chuyên gia ẩm thực, món ăn lạnh phải ra lạnh, ăn nóng phải thật nóng. Với món nóng thì chén, dĩa cũng phải được làm nóng rồi mới đặt món ăn vào, tính khoảng cách từ bếp sao cho khi tới bàn ăn thì món ăn bảo đảm độ nóng cần thiết; với một số món lạnh, đôi khi chén, dĩa cũng phải được làm lạnh.

Nghề đầu bếp hiện nay được đánh giá là có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập khá. Nhưng để có thể thành công trong nghề, mỗi đầu bếp phải chịu khó học hỏi, chứng minh được tay nghề của mình với bếp trưởng cũng như với thực khách. Ở mỗi môi trường làm việc, từ quán ăn nhỏ đến nhà hàng lớn, người đầu bếp phải luôn nỗ lực để vượt qua chính mình, phải học nấu cho ngon nhất, nhanh nhất, rẻ nhất và làm mới chính mình bằng cách sáng tạo ra các món ăn thì mới được xem là thành công trong nghề. Người ta bảo rằng, nghề đầu bếp có thể giúp anh sáng tạo đấy, nhất là những món địa phương, nhưng vẫn phải dựa trên tinh thần cốt lõi của loại thực phẩm nào, đi kèm gia vị gì, và bài học cơ bản đó ít có sách vở nào chỉ giáo, nó nằm trong bữa cơm mẹ nấu, trong những câu đồng dao kiểu như “con gà cục tác lá chanh…”. Tại Đà Nẵng cũng như nhiều vùng miền, các món ăn dân gian thất truyền đang được khôi phục. Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết đang xúc tiến phát triển và quảng bá văn hóa ẩm thực Đà Nẵng. Và việc sưu tầm, thống kê các món ăn dân gian là rất cần thiết, tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số món ăn đặc trưng, truyền thống địa phương.

Ẩm thực Đà Nẵng đã và đang tạo được chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực của cả nước, được đánh giá là có sắc thái riêng. Nhưng các trường, cơ sở đào tạo hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ cung ứng đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn. Hiện nay bếp trưởng của các khách sạn, các resort nổi tiếng ở Đà Nẵng, Hội An đều do người nước ngoài quản lý. Các bếp phó điều hành là người Việt đều có hàng chục năm kinh nghiệm và từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đến Đà Nẵng làm việc. Theo đầu bếp một số nhà hàng, khách sạn danh tiếng ở Đà Nẵng, qua trực tiếp phỏng vấn chọn đầu bếp từ các bạn sinh viên “ra lò” ở một số trường dạy nấu ăn, thì ngoài kinh nghiệm non trẻ, hầu hết các bạn chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp khi bước vào một gian bếp. Từ cách sử dụng soong chảo, các loại dao đến cách sơ chế để ra món. Có thể do các trường chỉ dạy sinh viên cách làm món mà quên đi một điều cơ bản là phải sơ chế nguyên liệu trước khi nấu món ăn đó. Ngoài ra, yêu cầu của nghề đầu bếp là phải giỏi ngoại ngữ để đọc tên các món ăn bằng tiếng nước ngoài, và trao đổi với thực khách người nước ngoài khi có yêu cầu nhưng hiện nay không có giáo trình chuyên ngành đầu bếp bằng tiếng Anh hoặc các thứ tiếng khác. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học món ăn cũng như việc thử sức ở các nhà hàng, khách sạn khác nhau của đầu bếp trẻ.

5 năm qua, Đà Nẵng liên tục tổ chức Hội thi đầu bếp giỏi Đà Nẵng mở rộng. Việc tổ chức Hội thi đã góp phần rất lớn vào việc quảng bá văn hóa, nghệ thuật ẩm thực của Đà Nẵng, Hà Nội, Huế, Hội An, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng; hội thi góp phần tôn vinh nghề, giúp các đầu bếp có cơ hội giao lưu trao đổi kinh nghiệm phát triển tay nghề; thu hút sự chú ý của giới đầu bếp trong và ngoài nước, của cộng đồng người dân đam mê và yêu thích văn hóa ẩm thực. Bên cạnh đó, hiệu ứng truyền thông của hội thi cũng đã góp phần định hướng nghề nghiệp cho nghề đầu bếp, thu hút số lượng lớn học viên tham gia học các khóa nấu ăn.

Nghề đầu bếp rất cần người có sức khỏe, có thể chịu áp lực làm việc lớn trong nhiều giờ đồng hồ. Và bây giờ, nếu đã có đam mê, sao bạn không thử sức với nghề này. Vì đầu bếp, không đơn thuần chỉ là nấu ăn, bạn sẽ là chuyên gia ẩm thực nếu biết sáng tạo, hiểu biết về vệ sinh thực phẩm, giá trị dinh dưỡng trong món ăn; là người họa sĩ tài hoa khi trình bày một món ăn hấp dẫn đầy màu sắc ra dĩa; là người giáo viên khi hướng dẫn một cách dễ hiểu cho các phụ bếp…

Ngạn ngữ có câu “Với đàn ông, tình yêu đi qua dạ dày”, có lẽ phụ nữ cũng không ngoại lệ (trừ những người ăn kiêng) vì hầu hết các đầu bếp danh tiếng là đàn ông. Chinh phục người mình yêu bằng món ăn cũng như người đầu bếp giỏi phải biết làm cho khách ăn ngon, nếu quyết tâm, có thể bạn cũng làm được.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.