.

Nghệ sĩ món ăn

.

Nấu ăn là một trong những nghề xưa như trái đất, nhưng để được xã hội ưu ái gọi là “nghề” thì cũng phải trải qua các chương trình đào tạo bài bản nhất định.

Thầy Thony Hill giảng bài bằng tiếng Anh cho một lớp kỹ thuật nấu ăn ở VAVC.(Ảnh do VAVC cung cấp)
Thầy Thony Hill giảng bài bằng tiếng Anh cho một lớp kỹ thuật nấu ăn ở VAVC.(Ảnh do VAVC cung cấp)

Từ năng khiếu đến kỹ năng

Chưa bao giờ phụ nữ đổ xô đi học nghề nấu ăn (trước gọi là kỹ thuật nấu ăn) nhiều như thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận Liên Chiểu trực thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố, cho hay có nhiều lý do để học viên đến đăng ký học nấu ăn tại các trung tâm dạy nghề. Khi mà nhu cầu nấu ăn cho đám cưới, lễ tiệc nở rộ, nhất là ở các vùng ngoại ô, họ học về làm chủ cơ sở nấu ăn hoặc làm phụ bếp. Một số người muốn có nghề “lận lưng” để mở quán bình dân kiếm sống; số khác đã vào làm các nhà hàng, quán lớn nhưng chưa có chứng chỉ nghề…

Tại các trung tâm dạy nghề ở Đà Nẵng, nấu ăn là một trong 32 nghề được đào tạo miễn phí dành cho học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, hộ di dời giải tỏa, lao động nông thôn... có xác nhận của chính quyền địa phương. Năm 2011 có đến 264 học viên tham gia 9 lớp dạy nghề nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề quận Liên Chiểu, trong đó có 32 học viên phải đóng học phí vì không thuộc các diện này; năm 2012 chỉ còn 88 học viên với 3 lớp; năm 2013 chỉ còn duy nhất 1 lớp với 32 học viên.

Ông Cần lý giải cho sự “thụt lùi” này: “Từ năm 2012 trở đi, học viên các lớp dạy nghề nói chung, nghề nấu ăn nói riêng, muốn được học miễn phí phải chứng minh được sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại các nhà hàng (do chủ nhà hàng xác nhận) hoặc mở quán bán hàng ăn uống (do chính quyền địa phương xác nhận). Sở đưa ra quyết định này nhằm hạn chế việc đi học tràn lan nhưng không mang lại công ăn việc làm cụ thể sau khi tốt nghiệp”.

Hiện hàng quán bán các loại thức ăn như mì, bún, phở... thì nhiều nhưng vì sao chỉ có một vài nơi đông khách? Một trong những lý do là phần lớn những đầu bếp này là “tay ngang”, chưa qua trường lớp. Chỉ năng khiếu thôi chưa đủ, muốn trở thành một “nghệ sĩ” để có thể tung hứng biểu diễn tài nghệ cho thực khách thưởng lãm, người đầu bếp còn cần đến kỹ năng - điều vốn không phải do thiên bẩm mà do đào tạo mà nên. Thêm vào đó, những lớp học kỹ thuật nấu ăn này chủ yếu dành cho phụ nữ (và một số rất ít nam giới) có nhu cầu đơn giản là biết… nấu ăn. Nếu muốn tiến thân xa hơn trong nghề, họ phải đến những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và chuyên sâu.

Những nghệ sĩ rất “hot”

Tối 16-1-2013, đối với Mai Trung Hậu và hai đồng đội trong đội đầu bếp của Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort (InterCon) thật khó quên. Sau khi 15 đội thi đến từ khắp nước bước vào trận đấu quyết định của vòng chung kết cuộc thi “Chiếc thìa vàng” diễn ra tại Minh Sáng Plaza, TP. Hồ Chí Minh, tất cả hồi hộp chờ giây phút ban giám khảo công bố kết quả. Giải vô địch gồm Cup và 1 tỷ đồng cùng của nhà tài trợ Ly’s Horeca (thuộc Công ty Gốm sứ Minh Long) đã thuộc về đội đầu bếp của InterCon! Cả hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, Hậu vỡ òa niềm vui…

5 năm trước đó, năm 2008, Mai Trung Hậu trúng tuyển vào Trường Trung cấp Nghề Việt Úc (Vietnamese Australian Vocational College - VAVC), học kỹ thuật chế biến món ăn. Năm 2010, anh được trường giới thiệu dự thi và đoạt giải nhất cuộc thi Siêu đầu bếp quốc gia do Đài Truyền hình cáp VTC tổ chức. Đây là một trong những “điểm son” giúp anh vượt qua nhiều ứng viên khác để lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng InterCon, ngoài phần trả lời phỏng vấn trực tiếp và thực hiện món ăn tại chỗ của anh. Hậu hiện là sous-chef (phó quản bếp, bếp phó) của khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới này ở Bãi Bắc, quận Sơn Trà. Vừa rồi, một ứng viên đến xin việc ở InterCon khi trưng ra bằng tốt nghiệp do VAVC cấp cũng đã được nơi này chấp nhận tuyển dụng.

Ngoài VAVC, Đà Nẵng hiện có một số cơ sở dạy kỹ thuật nấu ăn và chế biến thức uống với chuyên nghiệp cao như: Trường CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng, số 68 Lê Đình Dương; Trường Dạy nghề Ẩm thực Netspace, số 3 Phan Thành Tài... Trong đó, “thâm niên” nhất là VAVC, được thành lập từ tháng 7-2007 và là cơ sở đào tạo chuyên nghiệp các nghiệp vụ du lịch và quản lý khách sạn đầu tiên tại Đà Nẵng. Từ tháng 1-2013 VAVC đã được Bộ GD&ĐT nâng cấp lên Cao đẳng nghề để mở rộng quy mô đào tạo, nhằm góp phần trong việc cung cấp đủ số lượng và chất lượng nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng trong ngành công nghiệp không khói tại Đà Nẵng.

ThS Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng VAVC cho biết: “Với phương châm Mở lối cho tương lai của bạn, chúng tôi đang theo đuổi mô hình đào tạo thực nghiệm với một vòng khép kín gồm: Tư vấn tuyển sinh và lựa chọn nghề theo nhu cầu thị trường - đào tạo chất lượng, chuyên nghiệp và cam kết giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp”.

Trường Dạy nghề Ẩm thực Netspace chỉ mới đi vào hoạt động ở Đà Nẵng hơn năm nay. Theo ông Lý Tiên Sinh, giám đốc nhà trường, ngoài việc mở lớp tại số 3 Phan Thành Tài, trường còn tổ chức dạy nghề trực tiếp tại các nhà hàng. Bên cạnh việc dạy nghề đầu bếp còn có các lớp dạy mở nhà hàng với hàng trăm món ăn đặc sản vùng miền.

Nghề lễ tân phải có “3N”: ngoại ngữ, ngoại hình và ngoại giao. Với nghề đầu bếp, ngoại hình không quan trọng, cái cần là phải có sức khỏe, có đầy đủ tố chất của nghề và nhất là phải yêu nghề; ngoại ngữ cũng cần nhưng ở mức độ vừa phải, đủ để giao tiếp trong công việc của mình. Nghề đầu bếp, nếu các trung tâm dạy nghề không đòi hỏi điều kiện gì thì ở các trường “được gắn sao” buộc học viên phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để có thể theo học với thầy nước ngoài và giao tiếp dễ dàng khi đi xin việc và hành nghề sau này.

Nếu ẩm thực là một dạng của văn hóa thì mỗi món ăn, thức uống là một tác phẩm nghệ thuật và người tạo ra chúng xứng đáng được gọi là “nghệ sĩ của những món ăn”. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang bùng nổ dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng... và nghiễm nhiên họ trở thành những “nghệ sĩ” rất “hot”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.