Khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khởi xướng chương trình “thành phố 5 không”, ông và cả chúng ta có lẽ đều tin thành phố này sẽ phát triển lành mạnh, con người sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, nhất định trong một thời gian không dài lắm, mục tiêu “5 không” sẽ thành hiện thực.
Một góc đường hoa Bạch Đằng-Đà Nẵng.Ảnh: MINH TRÍ |
Hình như có một năm, trong thời kỳ đầu của chương trình này, Đà Nẵng chỉ có một vụ trọng án giết người cướp của. Hung thủ kêu một chiếc taxi đi về phía Tam Kỳ, rồi giữa đường hạ sát người lái xe. Công an đã sớm phá án.
Lúc ấy, về bài trừ ma túy tiêu chí của “5 không” là không có người nghiện trong cộng đồng. Một số người cho là đơn giản nếu không nói là dễ ợt. Bởi công việc chính là phát hiện ra những người mới nghiện trong cộng đồng, rồi đưa họ đi cai nghiện bắt buộc. Thế là xong.
Thực ra cả việc phát hiện người nghiện ma túy trong cộng đồng và việc đưa họ đi cai nghiện bắt buộc đều không hề đơn giản. Người nghiện và thân nhân họ luôn tìm cách che giấu. Việc đưa họ đi cai nghiện không chỉ là một vận động cơ học. Phải có nhiều điều kiện mới làm được từ cơ sở vật chất đến kinh phí. Tâm lý chung là không ai muốn dính, muốn dây vào người nghiện, vậy mà các trung tâm cai nghiện lại rất cần một đội ngũ quản giáo có năng lực và phẩm chất, có tâm và có uy gắn bó hết lòng với công việc.
Cai nghiện bắt buộc cuối cùng phải kết thúc với người nghiện trở về nhà, sống với gia đình, hòa nhập vào xã hội. Cái kết thúc này xem chừng khó trọn vẹn. Hiện tượng người nghiện ra trại, tái nghiện lại vào trại và cả những việc động trời, người nghiện phá trại tràn ra ngoài gây biết bao nhức nhối cho xã hội không còn là chuyện hiếm. Hơn nữa số người nghiện mới gia tăng ở mức 5 - 7 người đến vài chục người/năm thì còn có nơi có thể dung nhận được chứ lên tới cả 100 thì nhiều phần là đành bó tay.
Chúng ta không có một báo cáo chuyên đề đầy đủ về chương trình thành phố “5 không”, “3 có”. Báo cáo năm 2013 của UBND trước HĐND kỳ họp thứ 8 tháng 12-2013 có một dòng vắn tắt “các chương trình thành phố 5 không, thành phố 3 có tiếp tục được duy trì”. Nhưng báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế cũng tại kỳ họp này có một đoạn rất đáng lưu ý:
“Tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Phạm pháp hình sự xảy ra 556 vụ, tăng 32 vụ so với năm 2012. Đáng báo động là sự gia tăng của một số loại tội phạm như giết người: 10 vụ tăng 3 vụ, cướp giật 46 vụ tăng 14 vụ… đã phát hiện xử lý 1.331 trường hợp nghiện ma túy, tăng 256 người so với năm 2013. Trong đó có 319/507 người là tái nghiện chiếm 63%”.
Đoạn ngắn của báo cáo này liên quan đến 2 trong “5 không”, đến tội phạm và tệ nạn xã hội, đến đạo đức và lối sống.
Tội phạm và tệ nạn xã hội là những hiện tượng phi văn hóa, phản văn hóa, những chỉ báo về sự xuống cấp của đạo đức lối sống.
Đạo đức lối sống không phải là toàn bộ nền văn hóa nhưng nó là những gì gần gũi nhất, thiết thực nhất với con người trong quan hệ giữa người với người.
Khi bình luận về cạnh tranh kinh tế, chúng ta thường dễ nói thẳng, chẳng hạn như “rau quả Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà”. Nhưng đánh giá hoạt động văn hóa, sự tiến bộ của con người chúng ta thường vòng vo né tránh. Có lẽ nào từ các con số trên, chúng ta không thừa nhận không có giết người cướp của, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, hai tiêu chí của thành phố “5 không” dường như ngày càng xa tầm với của thành phố chúng ta.
Không ai nói rằng chúng ta không làm được gì, chúng ta đã làm những việc rất lớn, rất tốt đẹp đều là vì con người, vì sự phát triển của thành phố.
Chỉ cần đứng trên cầu Sông Hàn một đêm xuân này, chúng ta sẽ cảm nhận và xúc động trước vẻ đẹp của những cây cầu, những con đường, những gương mặt người. Một thế rồng bay hùng vĩ, một cánh buồm hồng đầy gió thời đại. Một dòng nước lấp lánh. Một dòng ánh sáng huyền ảo. Tất cả trôi đi chan hòa như thực như mơ, thể hiện khát vọng lớn của một thành phố trẻ.
Nhưng thật lòng mà nói, với những con số ấy và nhiều điều mắt thấy tai nghe ở đây và ở cả những nơi khác chúng ta không thể không băn khoăn. Thành phố mình ngày càng giàu có hiện đại. Con người vẫn còn đó cái tốt cái thiện, những người lạc quan và bình tâm vẫn tin ở điều đó. Nhưng cái xấu, cái ác đâu có chịu lui bước quy hàng. Và đau xót thay tội phạm, tệ nạn không chỉ có ở những thành phần bất hảo, những băng nhóm xã hội đen, những đầu gấu cộm cán mà còn có ở, và bắt nguồn nảy sinh từ “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí, bè phái cục bộ mất đoàn kết, vô cảm trước khó khăn bức xúc của dân, lối sống xa hoa, hưởng lạc… kể cả một bộ phận có chức, có quyền trong cả một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đương chức và đã thôi chức”. (Nguyễn Phú Trọng, bài nói ở Hội nghị cán bộ toàn quốc 28-2-2012).
Chỉ bàn về đạo đức lối sống, hơn thế chỉ quy về 2 trong 5 không chúng ta đã thấy còn quá nhiều vấn đề phải làm, rất công phu tốn kém mà chưa chắc đã gặt hái được điều mong đợi.
Còn những lĩnh vực khác, cao cả sang trọng hơn như các sự kiện văn hóa, như đời sống văn hóa, như các thiết chế, các công trình và tác phẩm, như truyền thông phổ biến và hưởng thụ các văn hóa, như giao lưu và hội nhập các văn hóa.
Về những lĩnh vực này trên bình diện cả nước, chúng ta thường nhận được sự đánh giá không mấy lạc quan: chưa có đỉnh cao, chưa tạo được dấu ấn, chưa xứng tầm thời đại, chưa đáp ứng yêu cầu của đông đảo quần chúng. Nói riêng với Đà Nẵng thì có lẽ càng mờ nhạt hơn. Mà văn hóa nhàng nhàng, tầm tầm thì hẳn là nó cứ sống với cuộc đời nhưng rồi chẳng ai còn nhớ, chẳng ai lưu giữ. Và thế là nó trở thành cái chưa được gọi là văn hóa.
Chúng ta có thể quặn thắt, nhức nhối vì một bác sĩ khi tác nghiệp chui đã làm chết một bệnh nhân rồi lại ném thi hài người đó xuống sông để phi tang, mấy cô bảo mẫu thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với con trẻ, tàn tệ hơn cả đối với con thú, một xe tải bị nạn cả đống thùng, lon bia đổ ra đường, một bầy người ào ra cướp, chụp giật mặc cho lái xe đau đớn cầu xin, một đám đông, trong đó có nhiều nam thanh nữ tú, chắc là không có ai thiếu đói chen lấn xô đẩy xông vào một cửa hàng Nhật để giành được những suất susi miễn phí.
Với chúng ta đó là những bức xúc, những việc phải làm ngay giữa lúc trên lĩnh vực văn hóa chúng ta còn có vô số việc cũng phải làm, ít ra phải bắt đầu. Đồng chí Trần Văn Minh khi còn là Chủ tịch UBND thành phố nhiều lần kể các nhà đầu tư Nhật đến Đà Nẵng tìm cơ hội làm ăn đã hỏi ông “Đà Nẵng có dàn nhạc giao hưởng không?” bởi khi tính chuyện sống lâu dài ở đây họ rất cần những sinh hoạt văn hóa vốn là chuyện bình thường của họ. Để có một dàn nhạc giao hưởng đạt chuẩn phải chuẩn bị vài ba chục năm.
Thành phố có chủ trương xây dựng một Bảo tàng mỹ thuật để nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân và để hấp dẫn du khách. Nếu Bảo tàng mỹ thuật của ta có trưng bày một tác phẩm cỡ La Joconde, hay bức tranh về Trần Nhân Tông xuống núi được vẽ cách đây 7 - 8 trăm năm sẽ có những du khách sẵn sàng bay từ các châu lục đến với Đà Nẵng chỉ để được chiêm nghiệm những tác phẩm này. Cần có tiền và rất nhiều tiền để mua ngay những tác phẩm mà có khi cơ hội sở hữu chỉ đến trong một khoảnh khắc. Vậy mà ngay tiền để mua một chiếc trống đồng cổ cho Bảo tàng tổng hợp thành phố với giá bằng 2/3 giá các Bảo tàng khác đã mua cũng không được cấp, thì làm thế nào để mai đây Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng có những bộ sưu tập có giá trị.
Chúng ta thường lo lắng về sự suy giảm văn hóa đọc, nhưng dù đã nhiều hứa hẹn Đà Nẵng vẫn chưa có một thư viện đúng nghĩa, ngang tầm của nó.
Báo Đà Nẵng có một số bài khảo sát về văn hóa cơ sở, nơi được xác định mang trong mình tiềm lực văn hóa dồi dào của nhân dân và cũng là nơi người dân trực tiếp hưởng thụ các giá trị văn hóa cấp cơ sở, nói chung là chưa có các thiết chế văn hóa quan trọng nhất, nếu có cũng chỉ là một chỗ hội họp được gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng mà ngay cả ghế ngồi cũng không đủ. Một số điểm vui chơi của thiếu nhi thì sân vườn lau lách mọc đầy, đồ chơi thì cái hư hỏng, cái xộc xệch. Các thiết chế này thường không có người phụ trách và cũng không có tiền để bảo đảm các hoạt động.
Để xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống có đời sống văn hóa cao như Đại hội Đảng bộ lần thứ XX đã ra nghị quyết còn có thể kể ra hàng loạt công việc cần làm, cần có mà thành phố ta chưa có, chưa làm, nói cho đúng chưa có nguồn lực.
Nhưng không thể không lập ngay một danh mục với thứ tự ưu tiên và sự phân kỳ triển khai rõ ràng và bắt đầu ngay bằng những việc cụ thể.
Nói ngân sách khó khăn thì đó là bài ca muôn thuở, vấn đề là chỉ kiểm điểm những thiếu quan tâm, thiếu chăm sóc chưa đầu tư đúng mức công sức trí tuệ, tiền bạc cho sự nghiệp văn hóa mà không có sự thay đổi tư duy sâu sắc và hành động thực sự thì sẽ không bao giờ có phát triển bền vững.
Mùa xuân năm 1978, tôi đang công tác ở Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng, được Văn phòng Tỉnh ủy nhắn sang gấp, gặp đồng chí Hồ Nghinh.
Trong phòng họp Thường vụ ở lầu 2 rộng rinh, chỉ có một mình đồng chí. Đợi tôi ngồi yên vị, đồng chí nói nhỏ nhẹ: “Thường vụ mới có quyết định: Phân công anh về công tác ở Ty Văn hóa Thông tin. Trong chiến tranh anh có nhiều năm công tác tuyên huấn, văn hóa thông tin bây giờ cũng gần với tuyên huấn ngày đó, như thế là phù hợp”.
Đồng chí không trao cho tôi giấy tờ, quyết định gì, cũng không giải thích dặn dò gì thêm về công tác sắp tới, ngắn gọn, kiệm lời mà ân tình tin cậy như ngày nào ở bãi bói um tùm ven sông Thu Bồn hay trong một hang đá ở Hòn Tàu, đồng chí giao nhiệm vụ trước khi đi chiến dịch hay tham gia mở ra một vùng nào…
Rồi đôi mắt già mà vẫn rất sáng nhìn qua khung cửa lớn nhìn về phía sông Hàn đang lấp lánh trong ánh xuân, đồng chí nói không chỉ cho tôi mà cho cả chính mình: “Văn hóa là việc rất khó, có thể là khó nhất trong những chuyện xây dựng lại”.
Mới đó mà Đà Nẵng giải phóng đã sắp 40 năm, theo như vòng đời của một con người, thành phố này đã qua tuổi Tam thập nhi lập và đang bước vào tuổi Tứ thập nhi bất hoặc.
Tản mạn chuyện xây dựng và phát triển văn hóa của Đà Nẵng hiện nay, không hiểu sao trong tôi lại hiện rất rõ ký ức về một công việc rất khó có thể là khó nhất trong xây dựng lại đất nước.
Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp vô cùng rộng lớn, khó khăn nhưng chúng ta không thể không làm, không dấn thân gánh vác. Trên con đường xây dựng phát triển gập ghềnh đó, chúng ta có thể có sai lầm thiếu sót, có thể va vấp thất bại, song cũng không vì thế mà nản lòng lui bước.
NGUYỄN ĐÌNH AN