.

Người Việt đi học ở Nga

.

Có nhiều cơ hội để cán bộ, sinh viên người Việt có thể nhận học bổng đến tu nghiệp, học tập trên đất nước Nga.

Trong lúc chờ đi Nga du học, cô Lưu Thị Thùy Mỹ (giữa, mang kính) phụ trách dạy thêm miễn phí cho sinh viên năm thứ nhất khoa tiếng Nga. Ảnh: V.T.L
Trong lúc chờ đi Nga du học, cô Lưu Thị Thùy Mỹ (giữa, mang kính) phụ trách dạy thêm miễn phí cho sinh viên năm thứ nhất khoa tiếng Nga. Ảnh: V.T.L

Cô Lưu Thị Thùy Mỹ tốt nghiệp khoa tiếng Nga ở Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) loại xuất sắc (bằng đỏ), từ tháng 6-2013 được nhận dạy hợp đồng môn tiếng Nga ngay tại trường. Cuối tháng 4 vừa qua, cô nộp hồ sơ ra Bộ GD&ĐT tham gia dự tuyển đi học sau đại học tại Liên bang Nga. Đây là học bổng Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga, năm nay dự kiến có 300 suất.

Cô Thanh Thảo, Phó trưởng Khoa tiếng Nga cho biết, cô Mỹ thuộc diện cán bộ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, được nhà trường giới thiệu đi nên sẽ dễ dàng nắm “chiếc vé” sang Nga du học lấy bằng thạc sĩ. Ngay cả sinh viên tốt nghiệp ở trường, nếu có điểm trung bình học tập đạt từ 7,0 trở lên và được nhà trường đề cử cũng có thể lập hồ sơ dự tuyển chương trình học bổng này; tất nhiên, nếu số lượng dự tuyển nhiều quá, Bộ sẽ lấy số điểm từ trên xuống. Mấy năm trước có 2 sinh viên vừa tốt nghiệp ở trường xong, được trúng tuyển học bổng ở Nga và vừa trở về với bằng thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ Nga.

Có nhiều cơ hội để cán bộ, sinh viên người Việt có thể nhận học bổng đến tu nghiệp, học tập trên đất nước Nga. Cô Thanh Thảo khi còn ngồi ở ghế giảng đường từng được sang Nga học tập hai lần, một lần theo diện chuyển tiếp sinh, một lần theo diện thực tập sinh. Chuyển tiếp sinh là học bổng dành cho sinh viên đang học đại học năm thứ 2 khoa tiếng Nga theo mô hình “2+1+1”(2 năm học ở trường, 1 năm học ở Nga, và năm cuối quay lại học tiếp ở trường). Để được xét tuyển chương trình này, sinh viên phải có điểm trung bình 3 năm THPT đạt 7,0 trở lên và điểm trung bình của học kỳ 1 năm thứ hai đại học thỏa mãn điều kiện dự tuyển theo thông báo tuyển sinh từng năm. Năm nay, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng có 5 chuyển tiếp sinh đang du học ở Nga.

Sinh viên cũng có thể tìm vé đi Nga qua cuộc thi Olympic tiếng Nga dành cho sinh viên các trường đại học toàn quốc. Ngày 30-3-2014, cuộc thi lần thứ 11 được Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (tại Hà Nội) tổ chức với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Đây là cuộc thi dành cho sinh viên năm thứ nhất các trường ĐH và học viện chuyên và không chuyên (nơi sinh viên học tiếng Nga như một ngoại ngữ) của Việt Nam.

Đến với cuộc thi, nếu các thí sinh Hà Nội đã có 7 năm học tiếng Nga (từ lớp 6 đến lớp 12) thì 4 thí sinh đến từ Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng chỉ mới học tiếng Nga qua các kỹ năng nghe nói đọc viết được… 5 tháng! Thế nhưng, kết quả thật bất ngờ, có 2 thí sinh Đà Nẵng đạt giải, một nhất, một khuyến khích. Cùng với những người giành chiến thắng trong cuộc thi, hai sinh viên này sẽ được Cơ quan hợp tác Liên bang Nga trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga cấp học bổng du học 5 năm tại các trường đại học của Nga, đồng thời nhận được học bổng (sinh hoạt phí) của Bộ GD&ĐT Việt Nam nếu đáp ứng các yêu cầu xét tuyển của Bộ. Du học theo chương trình này, các bạn có thể chuyển từ ngôn ngữ Nga sang các ngành khác như tâm lý giáo dục, kỹ thuật, báo chí, luật...

Vào học tiếng Nga ở Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, sinh viên bắt đầu từ số 0, bởi tiếng Nga không còn được giảng dạy ở các trường THPT trên địa bàn thành phố như trước. Để nâng cao các kỹ năng học tiếng Nga cho sinh viên, giảng viên phải tổ chức các buổi dạy thêm miễn phí. Theo TS Dương Quốc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, trong 3 năm trở lại đây lượng sinh viên tiếng Nga vào trường khá đông, nhất là ở các lĩnh vực liên quan đến hợp tác giữa 2 quốc gia về văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng, du lịch thương mại. Nếu thành phố mở lại sinh ngữ tiếng Nga ở các trường THPT thì cán bộ, sinh viên người Việt (ở Đà Nẵng) sẽ có nhiều cơ hội du học ở Nga hơn. Lúc đó, không chỉ các cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc sẽ có nhiều thí sinh Đà Nẵng được ghi tên vào “bảng vàng” mà nhiều sinh viên tiếng Nga cũng sẽ biết đến xứ sở Bạch Dương qua “kênh” chuyển tiếp sinh, bởi lẽ số lượng học bổng chương trình này tỷ lệ thuận với số lượng sinh viên tiếng Nga đang học năm thứ 2.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.