Gần 500 người là cán bộ cao cấp, trung cấp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,… những đứa con Trường Sơn trở về sinh hoạt trong ban liên lạc, tuy ở nhiều vùng quê khác nhau nhưng đều chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai.
Ông Thắng, ông Trắc và ông Uýnh (từ phải qua) chia sẻ ký ức Trường Sơn với tác giả. Ảnh: V.T.L |
Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại căn nhà số 14 đường Nguyễn Hữu Thọ để gặp những người lính Trường Sơn năm xưa đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng. Cái nắng xế chiều tháng năm nung chảy mặt đường vẫn không ngăn được hồi ức của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Họ ngồi bên nhau, những mái đầu đã bạc nhưng chất lính xem chừng vẫn còn xanh lắm!
Ông Lê Đình Uýnh, năm nay đã vào cái tuổi “cổ lai hy” bồi hồi nhớ lại ngày đầu nhập ngũ. Mười sáu năm chiến đấu ở Trường Sơn đã trui rèn chàng trai gốc ruộng đồng xứ Thanh này thành người lính gan góc của Đoàn 559 lừng danh, còn được gọi là Binh đoàn Trường Sơn. Người lính năm xưa trở về sau cuộc chiến với quân hàm trung tá cùng chiếc ba-lô bạc màu nhưng đầy ắp những tháng ngày huyền thoại. Nếu có chữ duyên trong cuộc đời này thì việc ông hội ngộ cùng người vợ - vốn là nữ chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa - tại thành phố Đà Nẵng là một cái duyên tiền định. Ngày ông về hưu, con cái những tưởng ông sẽ an nhàn hưởng tuổi già nhưng nhiệt huyết của người lính không bao giờ chịu ngủ yên. Ông 7 năm liền làm bí thư chi bộ, 5 năm làm chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, Trưởng ban thanh tra, kiểm tra Đảng phường Hòa Thuận cũ, nay là phường Hòa Thuận Tây. Niềm tự hào của ông không chỉ là những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu ở Trường Sơn mà còn là người con trai lớn đang công tác tại Bộ Tham mưu Quân khu 5 với quân hàm Thượng úy.
Nắng đã tắt dần trên phố nhưng câu chuyện của những người lính vẫn miên man. Dù đã ở Đà Nẵng hơn ba mươi năm nhưng cái giọng Nghệ An của ông Phan Văn Thắng vẫn nằng nặng nghĩa tình như những ngày đầu vào Trường Sơn đánh Mỹ. Thời gian đã lùi xa nhưng một Trường Sơn vẫn nguyên vẹn, khắc khoải trong trái tim người lính của ông. Những tưởng một trung tá về hưu ở tuổi 43 như ông lúc ấy sẽ tận dụng nhiều cơ hội để làm kinh tế, nhưng ông lại chọn giúp đời, giúp người bằng con đường y học. Vốn sinh ra trong gia đình có ông nội và cha làm lương y nên tình yêu với nghề thuốc của ông như một lẽ hiển nhiên không thể chối bỏ. Khi Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) phối hợp với Hội Đông y đào tạo thầy thuốc, ông đã ghi danh học. Cất những kỷ niệm Trường Sơn cùng chiếc áo lính vào ngăn kỷ niệm, ông khoác lên chiếc áo của người thầy thuốc cho những năm còn lại của đời mình. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Đông y, kiêm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Hội Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phường Hòa Thuận Tây…
Trò chuyện với ông Bùi Trung Trắc, chúng tôi biết thêm một điều khá thú vị mà bài thơ của Phạm Tiến Duật còn chưa nói hết: Xe không kính bởi xe không có kính/ Bom giật bom rơi kính vỡ mất rồi... Theo lời ông Trắc thì ngày ấy, việc đầu tiên của cánh lái xe sau khi nhận xe mới là... đập vỡ kính! Lý do thật đơn giản: Xe chạy đường Trường Sơn vào ban đêm, pháo sáng của Mỹ thả khắp rừng núi; sự phản quang của gương sẽ khiến cả đoàn xe trở thành mục tiêu sống cho đám máy bay Mỹ bu vào bắn phá! Thời trai trẻ của ông là những chuyến xe ngang dọc Trường Sơn và sang cả đất nước anh em Lào, Campuchia tình nghĩa. Những cái tên như Bãi Đá đường 9, Cổng Trời, Cha Lo… đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên. Ba sáu năm mặc áo lính, sau năm 1975 đã có lúc ông đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Công ty 532 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - một đơn vị bộ đội làm kinh tế, từng thi công nhiều công trình ở Đà Nẵng như: bờ kè đường Bạch Đằng Đông, đường lên Bà Nà, các khu dân cư...
Giờ, ông là thượng tá về hưu, được các đồng đội xưa bầu làm Trưởng ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn tại Đà Nẵng. Gần 500 người là cán bộ cao cấp, trung cấp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,… những đứa con Trường Sơn trở về sinh hoạt trong ban liên lạc, tuy ở nhiều vùng quê khác nhau nhưng đều chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Đồng đội họ người đã nằm lại trong núi rừng Trường Sơn, người mang nỗi đau chất độc màu cam giữa thời bình,… phát huy phẩm chất người lính năm xưa, họ cùng nhau chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Mới đây, trong hoạt động “Nghĩa tình Trường Sơn”, ban liên lạc đã phối hợp với báo Sài Gòn giải phóng giúp 3 hội viên sửa chữa nhà ở trị giá 135 triệu đồng; thăm hỏi đồng đội ốm đau 27,5 triệu đồng, viếng đồng đội qua đời 6,5 triệu đồng...
Mở đường vượt suối qua bao lối. Xẻ núi băng đèo đến khắp nơi. Ký ức Trường Sơn bàng bạc trong câu thơ của ông Phan Văn Thắng. Đầu tháng 5 vừa qua, Ban liên lạc đã tổ chức hội nghị, nhất trí sẽ tiến hành tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn vào ngày 18-5 tại Hội trường Quân khu 5, ngay sau đó sẽ tổ chức một đoàn đại biểu hội viên các chi hội viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Kỷ niệm một thời và mãi mãi sẽ được những người từng mở đường, xẻ núi vượt Trường Sơn chia sẻ nhau trong ngày hội truyền thống này...
NHƯ HẠNH