Có người hỏi vì sao nhạc sĩ Đà Nẵng lại dành ưu ái cho Hòa Vang khi sáng tác nhiều ca khúc về vùng đất này đến vậy?
Người Hòa Vang sẵn lòng hát về Hòa Vang trong những hoạt động văn hóa - văn nghệ diễn ra trên địa bàn huyện. Ảnh: V.T.L |
Nói như Hoài Thanh - Hoài Chân là “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Chúng ta từ làng quê tiến dần ra thành phố, quay cuồng trong tất bật lo toan để mặc cho hương đồng gió nội nhạt phai ít nhiều cùng năm tháng. Vì thế, thật đơn giản với giải thích cho câu hỏi nêu trên: Nhạc sĩ Đà Nẵng về nông thôn Hòa Vang như là tìm lại gốc gác chính mình với những ngẫu cảm bàng bạc hương đồng cỏ nội.
Đi, cảm và viết
Đã có nhiều họa sĩ vẽ bức tranh quê bằng những nét cọ mang thần thái của cảm xúc nghệ thuật. Với giới nhạc sĩ, khi họ trở về với thiên nhiên và tiếp xúc với những con người chân chất sau lũy tre làng, tiếng lòng nghệ sĩ bất chợt rung lên thành những nét giai điệu, tiết tấu. Có thể người nghe không quan tâm đến những thuật ngữ như trường độ, cao độ, đảo phách, cung, quãng… với họ, điều quan trọng là tác phẩm âm nhạc đã “chạm” đến tâm hồn mình với cảm thụ nghệ thuật như thế nào và “trú ngụ” ở đó bao lâu?
Sông Yên chảy qua làng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, có lẽ là một trong những đoạn sông thơ mộng, yên bình. Trong một lần đi thực tế về đây, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa được nghe nhiều chuyện kể, mỗi người một cách, về nơi từng là “vùng trắng” thời chiến này. Anh tổng hợp lại, viết thành ca khúc Thì thầm với sông Yên, nói về một cô gái Cẩm Nê, khi giặc đưa cô về làng bằng xuồng máy để chỉ điểm những người hoạt động cách mạng thì cô nhảy xuống sông tìm cái chết để đồng đội mình được sống.
Bài hát cung Rê thứ này đoạn điệp khúc là một câu hỏi Em đâu rồi người con gái sông Yên? được nhắc lại, lần sau cao hơn với nốt cuối câu vút lên chủ âm, da diết, khắc khoải… Tiếp đó, giai điệu trải rộng ra theo chiều đi xuống với cao độ thấp dần: Xưa em ước ngày bình yên sẽ về. Đội nón La Bông, nằm chiếu Cẩm Nê. Ăn trái cây vườn quê anh Phú Thượng, tô mì Túy Loan gạo mới thơm hương… Ước muốn dung dị của cô không bao giờ trở thành sự thật khi dòng sông quê mẹ ôm cô vào lòng trong một chuyến đi xa tít tắp.
Bài hát xúc động về Hòa Vang này cùng với ca khúc Hát từ Hòa Vang xanh của nhạc sĩ Thái Nghĩa được tặng đồng giải B (không có giải A) tại buổi trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ hai
(2005 - 2010) vào tối 12-8-2011. Sau khi ca sĩ kết thúc bài hát Thì thầm với sông Yên trong buổi trực tiếp truyền hình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng gọi điện cho tác giả, bảo người con gái đó là cô của mình, hy sinh cùng với một sinh linh 6 tháng chưa kịp chào đời.
Có lẽ đã không còn là thời đại của “nhạc sĩ xa-lông”. Để có một tác phẩm “sống” được với công chúng, ít nhất là công chúng của Hòa Vang - Đà Nẵng, nhạc sĩ phải đi để cảm và viết. Nhưng, khổ nỗi, có khi đi một lần cũng chưa đủ độ “chín” để viết.
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái kể, lần anh về Hòa Phong với đoàn nhạc sĩ, ra về chẳng đọng được một nốt nhạc. Sau anh về dự một đám giỗ trên đó, nghe mọi người “cãi” nhau về con chim Loan bị say túy lúy trong địa danh Túy Loan. Thế là anh có tứ để viết nên ca khúc “Cảm xúc Hòa Phong” với câu mở đầu: Ngày xưa có con chim Loan, bay qua quê em uống giọt hồng đào, say ngẩn say ngơ, say cho đời một tên thơ…
Cho dù có một số nhà nghiên cứu cho rằng Túy Loan thực ra là Thúy Loan, không phải con chim Loan màu xanh mà là... ngọn núi màu xanh, nhưng không sao cả, cảm xúc nghệ thuật bắt nguồn từ dân gian vẫn có lý lẽ riêng của nó. Túy Loan vẫn là một tên rất thơ và người dân nơi đây vẫn xem “Cảm xúc Hòa Phong” là bài hát hay nhất viết về quê mình và họ say sưa hát bất kể lúc nào có thể chứ không hẳn là những lúc say ngẩn say ngơ như con chim Loan!
Chất men say cho bài hát mới
Năm 1998, sau một năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, giới nhạc sĩ thành phố đã có chuyến đi thực tế đầu tiên khi được Phòng VH-TT quận Liên Chiểu tổ chức đưa đoàn từ Thủy Tú ngược sông Cu Đê lên Hòa Bắc. Sau chuyến đi, có 8 bài hát về Hòa Vang ra đời, trong đó 5 bài viết về Hòa Bắc. Liên Chiểu gieo trồng nhưng Hòa Vang gặt hái. Ông Trần Công Khuê, nguyên Trưởng Phòng VH-TT Liên Chiểu bảo không sao cả, vì Liên Chiểu vốn là 3 xã cũ của Hòa Vang tách ra. Như bù lại, sau đó nhạc sĩ Phương Tài có một số bài hát về quận mới này như: Liên Chiểu quê tôi; Lời tình yêu của em (viết về Hòa Khánh); Khúc hát ân tình (viết về Hòa Minh)…
Sau đó, nhạc sĩ Đà Nẵng mấy lần đi thực tế tìm nguồn cảm hứng sáng tác trên đất Hòa Vang. Những điểm đến ấn tượng như đỉnh núi Bà Nà xanh mát như một Đà Lạt ở miền Trung, sông Yên lặng lờ bên bồi bên lở, ba-ra An Trạch xào xạc tiếng nước tuôn, đồng lúa Hòa Liên, Hòa Sơn rì rào cơn gió thoảng... Qua những chuyến đi, khách và chủ trao đổi nhau những điều mà khách chưa hiểu biết hết về đất và người Hòa Vang.
Anh Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện kể rằng, có một câu dân gian phê phán cái sự “chọn việc nhẹ nhàng” một thời của một số người đi làm cách mạng, “Ai bám trụ thì về Hòa Vang/ Ai cầu an thì đi Đại Lộc”. Một nhạc sĩ, khi nghe người dân Hòa Vang nói thế, định đưa vào ca từ một bài hát thì lãnh đạo Phòng VH-TT huyện đề nghị không nên, vì chuyện đã qua rồi, mọi việc nay đã khác xưa.
Trước mỗi chuyến đi, các nhạc sĩ đều được lãnh đạo huyện giới thiệu về đất nước và con người Hòa Vang, cả những chỉ tiêu, kế hoạch, thành tựu, phương hướng... của huyện. Đó là “phần cứng” giúp họ có cái nhìn tổng quan khi hòa mình với không gian văn hóa nông thôn và chắt lọc ở đó những tứ nhạc riêng cho mình. Để phong phú thể loại, họ phân công từng nhóm viết đơn ca, song ca, tốp ca.
Hiện đã có thêm nhiều bài hát về Hòa Vang như: Hòa Vang khúc hát yêu thương (Minh Đức), Hòa Vang một chấm son (Trần Ái Nghĩa), Ký ức thời gian (Tuấn Khanh), Mênh mang Hòa Vang và Bà Nà nơi gặp gỡ tình yêu (Thái Phú), Lời cầu hôn trên đỉnh Bà Nà (Mai Danh), Một nét duyên quê (Quang Trung)…
Mới đây, nhạc sĩ Minh Đức có bài Hòa Vang ngày mới lời thơ của Thúc Dũng, được đội thông tin lưu động huyện sử dụng làm bài hát chính trong tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới ở Hòa Vang. Bài Hát từ Hòa Vang xanh của nhạc sĩ Thái Nghĩa thường được dùng cho kết thúc chương trình hội thi, hội diễn, nói sự thay đổi của Hòa Vang từ đồng bằng cho đến vùng núi.
Ngày Âm nhạc Việt Nam 3-9 năm nay, tất cả hội viên Hội Âm nhạc Đà Nẵng sẽ có chuyến đi về lại Hòa Vang và hát về Hòa Vang. Đó là chất men để họ ngẫu cảm “say” hơn nữa qua những khúc hát sẽ viết về vùng nông thôn duy nhất của Đà Nẵng…
VĂN THÀNH LÊ