Chuyên đề
Chợ truyền thống
Các siêu thị lần lượt ra đời đã điểm xuyết nét hiện đại cho không gian đô thị Đà Nẵng. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những “siêu chợ” này dù thích nghi với cuộc sống tất bật thời nay nhưng xem ra vẫn còn thiếu một loại “hàng hóa” mà chỉ những chợ truyền thống mới có, nhất là các chợ quê, đó là tình... chợ.
Tại chợ truyền thống, người bán hàng chính là người bán sản phẩm. TRONG ẢNH: Bà Phan Thị Thanh Nhàn có trên 40 năm ngồi bán ở chợ Hàng Heo. Ảnh: T.Y |
Nói chợ truyền thống là để phân biệt với chợ phi truyền thống - tức các siêu thị. Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng đang có một số siêu thị hiện đại và sẽ có ngày càng nhiều siêu thị hiện đại hơn, hoành tráng hơn, tương xứng với tầm cỡ của một đô thị lớn bên sông Hàn. Thế nhưng, chợ truyền thống vẫn có chỗ đứng đáng kể trong đời sống của người Đà Nẵng đương đại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là mỗi ngôi chợ truyền thống từng hằn sâu trong ký ức của cư dân đô thị. Chẳng hạn với người viết bài này, hình ảnh các ngôi chợ có cái tên dân dã như chợ Vông Đồng, chợ Cây Me, chợ Cồn, chợ Mới… đã trở thành những ký ức tuổi thơ không thể nào quên, dẫu cho bây giờ không còn cây vông đồng nào trước chợ Vông Đồng, cũng không còn cây me nào trước chợ Cây Me, và Chợ Cồn không còn dấu vết của cồn đất nào, và Chợ Mới thì giờ đây đã cũ…
Chợ truyền thống ở Đà Nẵng không chỉ là ký ức của cư dân đô thị mà có khi còn là dấu ấn lịch sử của thành phố này - đó chính là trường hợp ngôi chợ Hà Thân ở làng An Hải phía hữu ngạn sông Hàn. Có lẽ trong vô vàn ngôi chợ truyền thống trên đất nước này chứ không riêng gì Đà Nẵng, chỉ có chợ Hà Thân là có một số phận khác thường. Khác thường bởi ngôi chợ này được thành lập lại nhờ sự tác động trực tiếp của một người Đà Nẵng xa quê là cụ Nguyễn Văn Thoại.
Lúc bấy giờ cụ Nguyễn Văn Thoại đang làm quan tại An Giang nghìn trùng cách trở nhưng vẫn thường quan tâm đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở quê nhà, và vào ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 - tức năm 1827, cụ đã gửi cho các hương lão và dịch mục làng An Hải một tờ trát nội dung như sau: “Mùa đông năm ngoái, trong làng có cho hai người: Lê Văn Trực, Trần Văn Chiêu, đến hầu tại đồn, trình rằng: Tứ cận làng này là Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An gồm chung thành địa phận bảy làng, đều đồng lòng muốn họp chợ tại làng An Hải để vừa mở rộng đường tài chính, vừa thắt chặt nghĩa thân lân. Vả lại, vào những năm trước, làng có tục lệ họp chợ lâu rồi. Nhưng sau, làng Hải Châu gây rối, dẫn đến tranh chấp, làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về làng thuật lại đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả bảy làng đều đồng tình như vậy, thì mỗi làng phái một mục dịch tháp tùng bổn chức, thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ, rồi cho thi hành”.
Trong tờ trát của mình, cụ Nguyễn Văn Thoại có nhắc đến làng Hải Châu, đúng hơn là nhắc đến chợ Hải Châu - tức chợ Hàn ngày nay. Thực ra nếu gọi là dấu ấn lịch sử của thành phố này thì không ngôi chợ nào sánh được với chợ Hàn. Trước hết chợ Hàn gắn với quá trình Quảng Nam mở cõi của người Việt qua tên gọi: chợ Hải Châu. Những người Đà Nẵng xưa rời quê hương Thanh Hóa vào định cư bên tả ngạn sông Hàn đã mang theo cả tên làng cũ để định danh cho làng mới và cho ngôi chợ mới của làng.
Điều mà cụ Nguyễn Văn Thoại được báo cáo là “gây rối, dẫn đến tranh chấp” thực chất là sự cạnh tranh trong kinh doanh giữa chợ Hải Châu và chợ An Hải, qua đó cho thấy ưu thế và mức độ phát triển của chợ Hải Châu, tất nhiên là so với đương thời, bởi cho đến đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, khi chính quyền Pháp ở Tourane quyết định đầu tư xây mới chợ Hải Châu - lúc đó đã đổi tên là chợ Hàn - đặt tên là chợ Tourane/Tourane marché, cùng với ga xe lửa trung chuyển Tourane marché để chuyên chở hàng hóa đến ga chính, thì nơi đây cũng chỉ là một tụ điểm buôn bán nhỏ tự sản tự tiêu. Nhưng quy mô nhỏ như chợ Hải Châu thuở ban đầu hay quy mô lớn như Tourane marché hoặc như chợ Hàn bây giờ thì xưa nay chợ Hàn vẫn là một chợ Việt truyền thống, nghĩa là vẫn luôn hằn sâu trong ký ức của nhiều thế hệ người Đà Nẵng, vẫn luôn là dấu ấn lịch sử của thành phố bên sông Hàn...
Chợ truyền thống vẫn có chỗ đứng đáng kể trong đời sống của người Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Tại một gian hàng đồ khô ở chợ Hàn. Ảnh: MAI TRANG |
Chợ Việt truyền thống khác với chợ phi truyền thống, với siêu thị chỗ nào mà làm mê đắm lòng người đến thế? Trong bài báo có nhan đề Siêu thị và văn hóa chợ truyền thống đăng trên báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, tác giả Drew Taylor đã đặt câu hỏi: “Siêu thị ở Việt Nam luôn sáng choang đèn điện với những lối đi mát rượi, sạch sẽ và vô số quầy hàng trưng bày hàng hóa phong phú. Nhân viên bảo vệ và nhân viên hướng dẫn luôn sẵn sàng trả lời bạn bất cứ câu hỏi nào một cách tận tình. Nhưng sao có cái gì đó khiến tôi cảm thấy như thể không phải mình đang ở Việt Nam khi bước vào siêu thị. Đâu rồi bản sắc văn hóa của Việt Nam?”.
Và Drew Taylor tự giải đáp rằng đó là bởi “siêu thị không có những nét truyền thống mà người ta có thể thấy ở chợ ngoài trời tại Việt Nam”. Với nhãn quan của một người ngoại quốc, Drew Taylor phân tích: “Trong siêu thị, sản phẩm phải tự nó bán nó, nhưng tại chợ, người bán hàng chính là người bán sản phẩm. Chợ là nơi của những người bán hàng mau mắn và nhanh nhẹn, họ phải hiểu sản phẩm để giới thiệu và thuyết phục bạn mua hàng”.
Người ta đi chợ là để mua sắm - điều đó đã đành - nhưng chủ yếu là để giao tiếp. Nói thách và trả giá để rồi thuận mua vừa bán cũng là cách để giao tiếp ở chợ truyền thống. Drew Taylor trong bài báo dẫn trên tiếp tục đưa ra nhiều nhận xét thú vị về khía cạnh này: “Về giá cả, ở siêu thị luôn bán đúng giá niêm yết. Đây cũng được xem là một ưu điểm vì người mua hàng không sợ bị hớ, bị lừa. Nhưng đó là chi tiết đi ngược với truyền thống thích trả giá của người Việt (…). Xét về khía cạnh này, siêu thị kém xa”. Như vậy sức hấp dẫn đồng thời cũng là nét văn hóa nổi bật của chợ truyền thống chính là môi trường giao tiếp giữa người bán với người mua.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, trong một loạt bài viết về văn hóa chợ của người Việt đăng trên báo Thể thao và Văn hóa, còn cho rằng: “Nếu cần nhắn ai lâu không gặp, nhắn thợ mộc đến chữa đồ, phó cối đến thửa cối, thì người ta cũng có thể ra chợ nhắn lại cho ai đó. Cái chợ cũng là chỗ giao dịch và làm quen tốt”, và theo Phan Cẩm Thượng, điều quan trọng hơn là: “Người ta đến chợ để thấy mình có mặt trong cuộc sống, mà lại không có gì quan trọng cả. Nên có câu: Có cô thì chợ cũng đông/ Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”.
Cách đây mấy năm, trong bài Chợ thời nay… đăng báo Đà Nẵng Cuối tuần, người viết bài này có đề cập thói quen ẩm thực thiên về thực phẩm tươi sống của người Việt nói chung, của người Đà Nẵng nói riêng: “Thiếu thời gian đi chợ nhẩn nha kiểu truyền thống, người đi siêu thị chỉ cần mua một lần để dùng cả tuần hay thậm chí cả chục ngày. Tuy nhiên ưu thế vừa nêu của siêu thị vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng, bởi không phải nhà nào cũng có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm dài ngày, đặc biệt dẫu hấp dẫn đến mấy thì con đường đến với siêu thị vẫn chưa thể vượt qua rào cản thói quen ẩm thực - thích ăn cái gì tươi sống”.
Cho nên có thể nói rằng chợ truyền thống còn hấp dẫn ở chỗ thực phẩm bày bán trong chợ luôn tươi sống, từ đó thỏa mãn được thói quen ẩm thực vừa nêu của đông đảo người đi chợ. Về chuyện này, Drew Taylor cũng đưa ra cách lý giải đầy thuyết phục: “Những hệ thống làm lạnh, bao bì đóng gói tưởng như vô trùng trong siêu thị lại chứng tỏ một điều rằng thực phẩm trong siêu thị rõ ràng không thể nào tươi bằng ở chợ! Và vì thực phẩm để ngoài trời dễ hư hơn trong siêu thị nên thực phẩm được mang ra bán ở chợ cần phải tươi và mới mỗi ngày”.
Với một thành phố đang trên đường hiện đại hóa như Đà Nẵng, mô hình chợ phi truyền thống chắc chắn sẽ lên ngôi và như đã nói trên, các siêu thị khang trang đồ sộ ở thành phố bên sông Hàn sẽ trở thành những trung tâm mua sắm sầm uất trong tương lai không xa. Thế nhưng cái khó của người quản lý đô thị là làm sao trong xu thế phát triển khó đảo ngược ấy vẫn dành cho chợ truyền thống một chỗ đứng phù hợp - chẳng hạn như chợ-bên-cạnh-siêu-thị hay chợ-trong-lòng-siêu-thị, để chợ truyền thống ở Đà Nẵng có thể tiếp tục phát huy sức hấp dẫn, bề dày lịch sử và vẻ đẹp văn hóa vốn có của mình...
BÙI VĂN TIẾNG