Chuyên đề

Học cho tương lai

07:13, 29/11/2014 (GMT+7)

Bước chân vào trường đại học, sinh viên (SV) phải tiếp cận với những phương pháp học hoàn toàn mới so với 12 năm học trước đó. Với chương trình học theo tín chỉ như hiện nay, ngoài việc học trên lớp, phần lớn SV tự nghiên cứu tài liệu và tự học ở nhà.

Nhóm SV lớp 37K6.1 và 37K6.3 khoa Kế toán, ĐH Kinh tế Đà Nẵng đang làm bài tập nhóm.Ảnh: H.N
Nhóm SV lớp 37K6.1 và 37K6.3 khoa Kế toán, ĐH Kinh tế Đà Nẵng đang làm bài tập nhóm.Ảnh: H.N

Cùng học với nhau khi không có giảng viên

Khác với những năm phổ thông, học sinh học theo cách đọc-chép, không có phản biện, không tìm hiểu thêm tài liệu, SV thời nay, việc học chủ yếu là tự nghiên cứu, tìm tài liệu để làm bài tập, giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Học theo cách mới, nên nhóm trưởng (một nhóm 6 bạn) Lê Thị Hồng, SV lớp cử nhân tiếng Nga 14 CNN01, trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho rằng, kỳ đầu tiên của năm thứ nhất đại học chính là kỳ “thử thách”.

Những SV chây ỳ, có tâm lý “yên tâm” sau khi đã có một “chân” trong trường đại học rất dễ dẫn tới sức học sa sút. Với SV học tiếng Nga, sự cố gắng phải càng nhiều hơn nữa, bởi hầu hết các bạn chưa từng học tiếng này, ít người biết tiếng để giao tiếp cũng như không có trung tâm để học thêm.

Những bỡ ngỡ, thiếu tự tin của các bạn SV khối ngành ngoại ngữ thường rất lớn, nhất là những bạn ngoại tỉnh. Bạn Trần Thị Hoài Diễn, năm 4 khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nhận thấy, rất nhiều bạn như mình thiếu tự tin bởi kiến thức về cách học tiếng Anh khá hạn chế, kỹ năng nghe nói kém, rụt rè trước đám đông… Bù lại, SV sẽ được học môn Phương pháp học đại học, học cách làm quen với phương pháp dạy của giáo viên, cách làm thế nào để tự học, cách làm việc nhóm.

Bây giờ, Hoài Diễn nhận thấy kỹ năng nghe nói của bạn phát triển so với năm thứ nhất rất nhiều. Việc giao tiếp nhiều với bạn bè, tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu với người nước ngoài giúp Diễn nâng cao kỹ năng giao tiếp.

Phương pháp học nhóm đi cùng với việc học theo tín chỉ hiện nay là ưu tiên hàng đầu trong các trường đại học. Tuy nhiên làm thế nào để học nhóm hiệu quả phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Bạn Lê Hùng Duy, lớp 11 CNA07, khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng (trưởng một nhóm 5 bạn) đề cao sự đoàn kết, tính tương tác giữa các thành viên. Sau gần 4 năm học đại học, Duy đã từng gặp một số bạn ỷ lại, không đóng góp khi làm bài tập nhóm, tạo xích mích, nhưng rồi mọi chuyện đều được giải quyết nếu các bạn đồng lòng, đặt việc học lên trên hết.

Trách nhiệm của bạn trưởng nhóm thường rất lớn để điều hành một cách thuyết phục, phân công từng phần việc trong quá trình làm bài tập, kết nối các bạn với nhau. Bạn Đỗ Thanh Mai, trưởng một nhóm học tập của một nhóm bạn thuộc lớp 37K6.1 và 37K5.3, khoa Kế toán, ĐH Kinh tế Đà Nẵng nói về cách học của nhóm: Khi làm bài tập nhóm, phân công đề cương, yêu cầu từng bạn làm gì, phải có thời gian cụ thể. Nếu có một bạn trong nhóm ỷ lại thì phải chia công việc của bạn đó cho bạn khác. Và biện pháp đi kèm để “phạt” thành viên “chây lười” kia là bạn đó sẽ không được giáo viên cộng điểm làm bài tập khi kết thúc học phần, hoặc lần sau nhóm không mời bạn ấy cùng vào nhóm…

Rèn các kỹ năng trước khi vào đời

Việc học nhóm sẽ rèn cho các bạn SV rất nhiều kỹ năng mà khi đi phỏng vấn xin việc hay sau này đã làm việc, các bạn mới thấy sự hiểu biết của mình mang lại lợi ích lớn như thế nào.

Theo bạn Nguyễn Thảo Phương Ngân, năm thứ 4 khoa Kế toán, ĐH Kinh tế Đà Nẵng khi học đến năm cuối thì những bài tập nhóm như môn Kế toán tổng hợp mà bạn đang triển khai đã theo dạng mô phỏng một công ty. Như người kế toán bán hàng phải biết trong kho còn bao nhiêu hàng, muốn thế phải liên kết với kế toán bán hàng…Và từng nhân viên hay từng bạn SV trên mô hình đó phải liên hệ chặt chẽ với nhau khi làm việc.

Mọi kỹ năng mà SV có được là một quá trình trau dồi, tích lũy, nhờ các bạn đóng góp ý kiến. Với Hoài Diễn, khi học chung, bạn học được cách làm việc, kinh nghiệm của các bạn; không phải nghĩ cho bản thân như làm bài đơn lẻ mà phải nghĩ cho cả nhóm để các bạn học tốt hơn. Ngoài ra, bạn thấy mình tự tin hơn, rèn khả năng nói trước đám đông. “Muốn học nhóm tốt thì bản thân mỗi người trong nhóm phải luyện tập, học rất nhiều, không phải vì có bạn mà mình không học”. “Những gì em có được cho đến hôm nay là kỹ năng học tiếng Anh, giao tiếp với mọi người, có kiến thức cơ bản để sau này tìm được việc làm phù hợp”.

Bạn Lê Hùng Duy thì cho rằng những bạn thường làm trưởng nhóm sẽ có khả năng điều hành nhóm, kết nối nhiều người với những sự khác biệt cùng hòa đồng, cùng nghĩ về những vấn đề chung; sau đó bạn học được kỹ năng tổng hợp, thuyết trình trước đám đông…đó là những kỹ năng mềm, kéo theo sẽ có cơ hội hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Với những bạn học ngành kinh tế, nhiều khi sự trải nghiệm của bản thân là kinh nghiệm phục vụ cho quá trình học. Bạn Huỳnh Thị Thảo Ly lớp 38K3.1, khoa Du lịch, trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, khi học năm thứ 2, bạn có hai tháng đi làm thêm ở một khách sạn. Nhờ vậy, mà Ly có nhiều thuận lợi khi thực hiện các bài tập về môn quản trị cung ứng dịch vụ, quản trị kinh doanh lưu trú. Theo Ly thì khi vào thực tế công việc, bạn mới thấy là kiến thức nền chỉ cung cấp cho bạn khoảng 20%, còn việc tự trải nghiệm khi được trực tiếp làm, nhìn và nghe thấy mới là vấn đề chính để giải quyết công việc được phân công.

Với tính cạnh tranh của thị trường tuyển dụng như hiện nay, việc một SV ra trường chỉ có tấm bằng chuyên môn thì rất khó tìm được việc làm, nếu không có những tấm bằng thứ hai, không có các kỹ năng mềm khác.

Bạn Cao Thị Cẩm Nhi, lớp 14CNN01, khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã tốt nghiệp hai chuyên ngành tiếng Anh và tiếng Pháp của ĐH Tây Nguyên, bạn dự định khi học xong tiếng Nga sẽ học tiếp tiếng Nhật. Theo Cẩm Nhi thì “có nhiều thứ tiếng sẽ có lợi hơn khi đi xin việc cũng như làm việc”. Tương tự,  các bạn trong nhóm (tiếng Nga) như Lê Thị Hồng sẽ chọn học thêm ngành kinh tế, Phạm Thị Lanh, Trần Thị Ngọc Bích dự kiến sẽ học thêm ngành du lịch.

Nhóm của Hoài Diễn (tiếng Anh) có Lê Thị Hường và Khánh Huyền đang học ĐH Kinh tế, bạn Trần Thị Ngọc Bích dự kiến sẽ học thêm ngành du lịch. Hay Nguyễn Hoàng Hải, học chuyên ngành kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng lại chăm chỉ đến trung tâm tiếng Anh vào buổi tối để học ngoại ngữ… Có SV, đăng ký học thêm bằng lái xe để công ty muốn xin vào có yêu cầu thì mình cũng đã được trang bị.

Với SV bây giờ, ngoài chuyên môn đã học thì giỏi một hay hai ngoại ngữ gần như là điều bắt buộc nếu muốn xin được việc, và  ngay khi đã giỏi ngoại ngữ thì việc học thêm một ngành học khác cũng không bao giờ thừa.Việc học, vì thế, càng như một cuộc đua, để đến cái đích cuối cùng là tìm được việc làm, giảng đường sẽ không có chỗ cho những SV thiếu quyết tâm và nghèo nghị lực.

PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng cho biết mục tiêu của nhà trường là SV ra trường có tay nghề, giỏi kỹ năng thực hành; từ giám sát kỹ thuật đến kỹ năng thi công đều đạt chuẩn; có khả năng tự học lên cao. Trường hiện bổ sung thêm môn học kỳ doanh nghiệp dành cho SV năm 2, 3, giúp các em có một nơi thực hành trước khi làm việc thực tế.

HOÀNG NHUNG

.