Chuyên đề
Cho xưa nhập lại với nay
Nhiều người, cả thầy cô giáo lẫn học sinh, không cắt nghĩa được vì sao mỗi khi đứng trước cổng Trường THPT Phan Châu Trinh cũ, lòng lại dấy lên những cảm xúc bồi hồi như thuở đầu tiên đi học trong truyện ngắn của Thanh Tịnh, dù không ít người nay đã lên chức ông, chức bà.
Cổng trường Phan Châu Trinh cũ. Ảnh: PHAN NGUYỆT |
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm ngày đầu tiên được phân công về thực tập tại Trường Phan Châu Trinh đã ước mơ rằng một ngày đẹp trời nào đó sẽ được quay lại nơi này, đứng trên bục giảng và đường hoàng làm một cô giáo thực thụ chứ không phải chỉ rụt rè làm giáo sinh thực tập. Phải mất hai mươi lăm năm sau ước mơ của cô giáo trẻ mới vào nghề ngày nào trở thành hiện thực. Thế nhưng, một phần tư thế kỷ cũng đủ cho cảnh cũ không còn như những gì cô đã hình dung từ thuở ban đầu.
“Tôi đã đi con đường vòng gần hai mươi lăm năm để trở về chốn cũ. Người xưa vẫn còn, cảnh cũ đã thay đổi, bởi trường đã xây mới và tọa lạc trên địa điểm khác. Chút hoài cổ về ngôi trường vôi, mái ngói thâm nghiêm mà tôi đã được thử thách buổi đầu trong cuộc đời đi dạy, cứ bâng khuâng tiếc nuối…Tôi và Trường Trung học Phan Châu Trinh dẫu thời gian chưa phải tính bằng năm bằng tháng, dẫu ngắn ngủi nhưng vẫn đủ để nhớ để thương, để day dứt lẫn hạnh phúc khi nghĩ về…”, cô Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.
Trong đời người ai cũng có một cách nhớ về thầy cô, trường lớp, bạn bè của một quãng đời làm học trò. Chia sẻ về những hoài niệm trường xưa, ông Bùi Văn Tiếng kể rằng, ông ra trường từ năm 1972 nhưng vẫn còn giữ nguyên "bảng thành tích biểu" những năm học cuối với lời phê của thầy cô giáo. Bạn ông, ông Nguyễn Thành Nhân vẫn còn giữ tấm thẻ học sinh Trung học Phan Châu Trinh lớp Đệ Ngũ, đó là lớp học cuối cùng của ông Nhân ở Việt Nam. Trong một dịp hội ngộ vào năm 2005 tại Sydney, ông Nhân đã khoe tấm thẻ hoài niệm này với ông Tiếng như một bằng chứng về tấm lòng nhớ trường xưa bạn cũ của mình.
Cựu học sinh Đỗ Pháp thì triết lý hơn: “Nếu như ai đó tự khoe về mình thì thật là lố bịch. Nhưng nếu tự hào nói rằng tôi đã từng theo học tại Trường Phan Châu Trinh thì tự bản chất vấn đề nội hàm tha thứ. Sự hồi tưởng, tiếc nuối về quá khứ chẳng có lợi gì cho cuộc sống hôm nay, nhưng tự đáy lòng, mỗi khi va đập vào những cảnh đời oái ăm, tôi vẫn ngưỡng vọng về cái chân thực tuổi học trò”.
Trong phạm trù giáo dục thì cái chân thực đâu chỉ là thuộc tính của tuổi học trò mà còn là sự bất biến đối với những người được xã hội xếp vào vị trí dưới vua và trên cha mẹ, theo quan niệm của người xưa.
Thầy Trần Đại Tăng dạy Toán suốt 40 năm ở trường, năm 1998, khi cầm giấy báo nghỉ hưu do thầy hiệu trưởng trao, thầy chạy một mạch ra nhà xe vì muốn giấu một sự thực là sợ mình sẽ òa khóc. Trưa đó thầy bay vào Sài Gòn nhưng cái huyên náo của đô thị lớn nhất nước không làm vơi đi nỗi buồn chất chứa trong lòng. Sáng hôm sau thầy về lại Đà Nẵng và ngay tối đó một mình đến trường, lách vào cánh cổng khép hờ, đứng tựa người vào tượng cụ Phan và chia sẻ nỗi lòng với cảnh vật chung quanh sân trường vắng ngắt...
Có lẽ tượng cụ Phan là linh hồn của ngôi trường trung học có tuổi đời cao nhất Đà Nẵng này. Không riêng gì thầy Tăng mà nhiều thế hệ giáo viên, học sinh cũng lưu dấu kỷ niệm với bức tượng bán thân nhà chí sĩ lừng danh xứ Quảng do thầy giáo dạy hội họa Đỗ Toàn của trường thực hiện vào năm 1965.
Thầy Vĩnh Khôi, cựu học sinh cũng là cựu giáo viên Anh văn của trường, được giới văn nghệ sĩ biết tiếng qua những sáng tác thơ ca, âm nhạc, dịch thuật... hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhớ về trường cũ, thầy có bài “Nhớ về em” với những câu thơ thấm đẫm ký ức: Bước qua cổng trường/ mang tên người chiến sĩ/ Ngẩng cao đầu/ thách thức với thời gian/ Ta bắt gặp/ bóng dáng cậu học trò tinh nghịch/ Giữa sân trường/ có tóc dài tóc ngắn/ có mối tình thầm lặng dễ thương…
Cô giáo Trương Thị Kim Hà dạy Văn, trước khi nghỉ hưu đã được nghe một cựu học sinh kể về những năm tháng được làm “công dân” của Trung học Phan Châu Trinh trước năm 1975. Quay lại trường xưa, người học trò cũ này nhận thấy sau bao nhiêu năm, sân trường trông vẫn như xưa, dãy phòng học phía trước, hàng cây, tượng cụ Phan vẫn còn đó. Người này kể, trước năm 1975, Hội Việt – Mỹ đã thuê cơ sở của trường để mở các lớp tiếng Anh đàm thoại, nhưng vì học sinh ban đêm cứ dựng xe đạp quanh tượng cụ Phan rất là bất kính nên nhà trường đã không cho thuê nữa.
Sau bao đổi thay, THPT Phan Châu Trinh đã chuyển qua tòa nhà hiện đại ở phía đối diện bên đường Lê Lợi. Trường cũ dùng để dạy thực hành thể dục, làm nơi học sinh gửi xe, cho trung tâm Nhật ngữ Đông Du thuê. Cảnh tượng trường xưa tiêu điều, ảm đạm nếu không nói là nhếch nhác. Tuy vậy, đây lại là nơi tìm về hoài niệm của học sinh cũ và cả học sinh đang học. Mỗi lần muốn ghi lại kỷ niệm về thời áo trắng, học sinh bên trường mới lại kéo nhau qua trường cũ, chọn mảng tường vôi, khung cửa sổ bạc màu, gốc dương liễu hay những dãy hành lang hút dài để chụp ảnh.
Trường mới không có tượng cụ Phan, nên mỗi lần khai giảng, bế giảng đều tổ chức bên trường cũ. Một ngôi trường mà cứ bên ni nên tê, trường cũ trường mới, như linh hồn và thể xác tách rời nhau. Trường mới như thân thể đang hoạt động nhưng linh hồn dường như vẫn cứ ở lại mái trường bên tê đường. Tại kỳ họp giám sát HĐND thành phố vừa qua, Bí thư Trần Thọ cho rằng ngôi trường Phan Châu Trinh cũ chỉ dùng vào việc xây dựng lại để khớp nối với trường mới chứ không sử dụng làm việc gì khác.
Nghe thế, ai cũng mong xây lại trường cũ cho hồn về với xác, cho xưa nhập lại với nay…
Tôi dạy cha mẹ rồi dạy thế hệ con cái của họ. Hai thế hệ. Bao nhiêu cuộc đời. Bốn mươi năm mê mải! Còn lại tôi ở đây với một tâm hồn trĩu nặng ưu tư, tóc bạc trắng phau phau và nỗi nhớ nhung dằn vặt. Tôi gọi thầm: Trường ơi! Phan Châu Trinh ơi! Hình như có hai hàng nước mắt đang lăn dài trên má! Đêm đó, trong giấc ngủ, thấy mình đứng trên bục giảng, bẻ phấn đề thơ: Mình về chẻ mộng chia mơ/ Xõa tung tóc trắng đợi chờ lai sinh/ Trường xưa nắng cứ lung linh/ Đến thiên thu vẫn đậm tình đó em. (Trích hồi ký Một đời thầy – một đời thơ của thầy Trần Đại Tăng, cựu giáo viên Trường Phan Châu Trinh) |
NHƯ HẠNH