Chuyên đề
Gánh nước thuê
Biển cho ngư dân con cá, con tôm trong những ngày giăng lưới ngoài khơi xa thì biển cũng đãi đằng với 4 người đàn bà nghèo khó gánh nước biển thuê ở chợ cá Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Trừ ngày bão đổ, tàu thuyền không ra khơi, còn ngày nào cá về bến thì ngày ấy họ có mặt để gánh nước cho tiểu thương rửa cá. Không chỉ gánh nước, họ gánh luôn cái mặn mòi của biển, gánh ánh mặt trời sóng sánh từ lúc mới mọc đến lúc làm cát trắng bỏng chân, gánh những ngày mưa làm sóng cũng quăng quật trên bãi cát. Cứ thế, cuộc đời họ gắn với đôi quang gánh, gắn với biển 15, 20 năm có lẻ và có thể thêm nhiều nhiều năm nữa.
Mỗi ngày bà Ngô Thị Óa gánh khoảng 100 gánh nước biển, để nhận tiền công vài chục nghìn đồng đắp đổi qua ngày. Ảnh: H.N |
Chợ cá trên bãi biển Thọ Quang chuyên đón tàu, thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Thuyền đi lâu cũng chỉ 2-3 ngày là về bến, còn đa số ngư dân ra khơi vào đầu giờ tối, chừng 2-3 giờ sáng là cập bờ. Mùa biển động, có khi 3-4 giờ sáng bà con mới đi biển, thì 9-10 giờ mới bắt đầu đưa sản vật của biển về chợ. Giờ thuyền về bến cũng là giờ những người buôn bán cá bắt đầu họp chợ. Từng rổ cá trước khi theo chân người về các chợ lớn, nhỏ trong thành phố được phân loại, rửa sạch. Nghề gánh nước biển thuê để rửa cá hình thành từ đó.
Ở khu chợ này có 4 người phụ nữ làm nghề gánh nước thuê. Chỉ cần chiếc đòn gánh bằng tre, đôi thùng nước bằng cao su được cắt từ những can dầu máy và một sức khỏe dẻo dai, những người đàn bà làng biển có mặt từ khi thuyền bắt đầu cập bến, đến khi người bán cá cuối cùng rời khỏi chợ. Chợ có chừng 4-5 chục người chuyên buôn bán cá, thì mỗi người gánh nước biển thuê cũng có chừng mươi “mối” để đổ nước.
Nước biển thì dư dả, chỉ có sức người là hao mòn từng ngày, để kiếm chừng 50 – 60.000 đồng tiền công gánh nước. Không có mức quy định gánh bao nhiêu đôi nước sẽ được trả bấy nhiêu tiền, người buôn bán cá trả công cho người đổ nước 5.000 đồng cho mỗi buổi chợ. Nếu phụ giúp họ lặt vỏ tôm, phân loại cá hay bưng bê rổ cá lên xe, có khi thương tình người ta trả công hơn chút đỉnh. Cứ thế, những đồng tiền nhàu nát, thấm mồ hôi, thấm vị mặn của nước, vị tanh của cá là niềm vui cho những người đàn bà nghèo bám chợ mưu sinh.
Bà Ngô Thị Óa, 58 tuổi, nhẩm tính mỗi buổi chợ từ 3 đến 9 giờ sáng, bà gánh chừng 100 thùng nước. Trừ những ngày bão, ngày biển động, ngày Tết, khoảng 300 ngày trong năm bà gánh 3.000 thùng nước biển. 8 năm theo nghề là bấy nhiêu lần đôi quang gánh của bà chạm mép nước, rồi quay lên bãi chợ cách đó chừng hai chục mét, mặc những con sóng đuổi theo chân, mặc những giọt mồ hôi và cả người luôn ẩm ướt.
Bà bảo, “mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa gió cực lắm. Trời có lạnh mấy cũng chỉ bận 2 lớp áo, rồi bận áo mưa bên ngoài, bận áo ấm thì bị ướt. Đi tới đi lui đổ nước rồi quên cái lạnh đi. Mùa này nắng lên sớm còn thấy đường mà đi, chứ mưa gió, trời tối, con mắt yếu, có bữa vấp té, hay đạp phải vỏ ốc chảy máu là chuyện thường”.
Có mặt ở chợ từ 4 giờ sáng, tôi phải chờ chừng 2 tiếng sau mới nói chuyện được với bà Óa. Bà đứng quay mặt về phía biển, giọng nói run run, khàn khàn: “Chừ mới đứng được xí, chớ gánh từ hồi khuya đến giờ có được nghỉ đâu con. Đổ nước chỗ này thì chỗ khác gọi, liên tục như rứa mới kiếm được ít đồng đi chợ”.
Sinh ra và lớn lên tại làng biển, nghề nào bà Óa cũng đã trải qua, cũng làm thuê là chính, nuôi 5 đứa con. 4 năm nay chồng bà bị tai biến, nằm một chỗ, tiền để dành chẳng đáng là bao cũng đội nón ra đi. Bà chọn giải pháp cuối cùng, không cần vốn, là ra biển gánh nước thuê nuôi chồng và phụ giúp con trai nuôi đứa cháu bị tim bẩm sinh. Thấy bà nghèo quá, một cơ quan tặng cho bà xe nước mía. Thế là mấy tháng nay, từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm, bà lại lụi cụi kiếm thêm từng đồng ngoài đường biển Hoàng Sa.
Chồng mất 18 năm nay, bà Nguyễn Thị Học giờ một mình ở chung cư dành cho người nghèo trên đường Hoàng Sa. Con gái bà lấy chồng, cũng không dư dả gì để nuôi mẹ nên bà Học “không dứt ra được” với nghề gánh nước thuê gần 30 năm nay. Hồi trước nhà ở phường Mân Thái, giải tỏa nên bà chuyển về Thọ Quang. Trước, ở Mân Thái cũng có chợ cá họp vào sáng sớm, giờ bãi biển được quy hoạch làm bãi tắm nên bà Học đi gánh nước cũng gần hơn.
Bà bảo mình làm nghề gánh nước này từ hồi lấy chồng. Ông chồng bà trước đi đánh cá bằng thuyền thúng, gặp bữa biển trở, thúng lật, ông xa bà từ đó. Cái nghèo đeo đuổi miết nên bà gắn luôn với nghề gánh thuê này. Bây giờ làm cũng chỉ đủ ăn. “Gặp bữa mành vô, họ cho vài con cá hố ăn cũng được vài ngày. Rồi rau họ bán cho cũng rẻ hơn. Ngày mô ăn ngày nấy, làm chi có mà để dành”. 65 tuổi, đau lưng, đau chân đủ kiểu, bà bảo khi gánh cũng phải đi cúi cúi chứ không thẳng lưng lên được. Nghe bà bảo mà thấy mặn mặn đầu môi.
Rồi bà Nguyễn Thị Côi, bà Nhất, người nào cũng trên 60. 10 ngón chân của những người gánh nước biển thuê cứ tõe cả ra, hình như không thể chụm lại. Những bàn chân trần ấy khi xuống biển phải ngâm trong nước, vục trong cát mới đứng vững được dưới sức nặng của đôi thùng nước, dưới cái rát bỏng của nắng khi mùa hè đến và dưới làn mưa rát cả mặt, gió chướng muốn xô ngã những phận người yếu đuối trên bãi cát.
Những người đàn bà làng biển, có chồng ra biển thì ngóng trông, mong trời yên bể lặng; không chồng thì lầm lũi làm việc, nuôi mình, nuôi con. Cũng may mà biển đãi đằng cho những người gánh nước, chỉ cần có sức, chỉ cần đôi chân vững, đôi tay còn dẻo dai, mặc sóng đuổi, mặc cát lún, chắt chiu gánh gồng trong cuộc mưu sinh này…
HOÀNG NHUNG