Chuyên đề
Khoác áo mới cho phim tài liệu
Trong suốt 20 năm qua, Đà Nẵng có một thế hệ vàng những nhà làm phim tài liệu (PTL) giỏi tay nghề, đoạt nhiều giải cao trong các liên hoan phim.
Làm phim về Lễ cầu mưa của người Gia Rai- trong series phim tài liệu Tây Nguyên, niềm mơ tưởng.(Ảnh: VTV Đà Nẵng) |
Và nay, một thế hệ trẻ đang tiếp nối, cho ra đời nhiều bộ phim có giá trị, đi sâu khai thác thân phận con người và hiện thực cuộc sống với một cách nhìn nhận vấn đề khá mới mẻ, tiệm cận hơn với xu hướng làm phim của thế giới.
Mảnh đất của phim tài liệu
“Thế mạnh của mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng và miền Trung-Tây Nguyên nói chung là nguồn tư liệu quý giá cho PTL”, ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) nhận định. Nơi này có bề dày văn hóa, lịch sử, nhiều danh nhân nổi tiếng, xã hội có nhiều chuyển động; có một đội ngũ những người làm phim đông đảo, tay nghề giỏi không hề thua kém hai đầu đất nước. Điều đó được chứng minh qua rất nhiều giải thưởng của liên hoan phim truyền hình toàn quốc, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Báo chí quốc gia… trong suốt 20 năm qua.
Và đạo diễn Đoàn Huy Giao được xem là người mở màn cho PTL ở vùng đất này. Ông “mát tay” đến độ không chỉ phim của ông, mà hàng chục bộ phim của anh em đồng nghiệp tại VTV Đà Nẵng năm nào cũng đoạt giải thưởng và được đồng nghiệp ở các đài truyền hình, giới làm phim kính trọng bởi sự đam mê, dấn thân hết mình cho nhiều bộ phim.
Rất nhiều bộ phim do VTV Đà Nẵng thực hiện để lại tiếng vang bởi chất lượng nội dung và giá trị nghệ thuật trong đó như Lá hát, Tâm tình Suman, Bức chân dung vùng cát, Huyền thoại lá, Một đời bên Bác, Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong, Tây Nguyên-miền mơ tưởng… với những tên tuổi như Đoàn Huy Giao, Trí Trung, Huỳnh Hùng, Hồ Trung Tú, Trương Vũ Quỳnh…
Một thế hệ “vàng” làm PTL đã tạo nên một thành tích chung. Đạo diễn Trà Xuân Phương, nguyên Trưởng phòng Phim Tài liệu-phóng sự, VTV Đà Nẵng nhấn mạnh vai trò của thế hệ các đạo diễn đi trước đã để lại một khối tài sản khổng lồ với nhiều bộ phim tên tuổi, truyền cho lớp trẻ kế tiếp một sự dấn thân, một đam mê để thể hiện cái tôi cá nhân trong từng bộ phim. Và tiếp nối, thế hệ trẻ của VTV Đà Nẵng, DRT cũng đang trên bước đường gặt hái nhiều thành công, thậm chí phim của họ có điều kiện vươn mình ra với thế giới.
Đón nhận món quà của hiện thực
Năm 2005, 76 hộ đồng bào dân tộc Banah ở làng Kon Sơ Lăl xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai di dời ra gần đường quốc lộ để được thụ hưởng chính sách đầu tư điện, đường, trường, trạm ở vùng sâu, vùng xa của Nhà nước. Những gia đình trẻ chuyển đi, nhưng những người già vẫn ở lại làng cũ với mong ước được sống và chết ở nơi này.
Năm 2012, đạo diễn Đoàn Hồng Lê (VTV Đà Nẵng) đến làng, mong muốn làm một bộ PTL ghi nhận sự đổi thay ở làng mới và làng cũ. Nhưng đúng dịp đó, thanh niên trong làng săn được một con heo rừng. Thay vì làm thịt và chia cho cả làng như người già trước đây từng làm, giờ họ bán con heo và lấy tiền chia nhau. Vậy là đạo diễn chỉ quay, quay và quay, ghi hết tất cả những lời thoại của lớp thanh niên, của những người già vào trong cuốn phim.
Qua đó, thể hiện một sự thật nghiệt ngã là những việc làm, cách hành xử, những suy nghĩ cách biệt giữa hai thế hệ già-trẻ khiến các giá trị văn hóa mà lớp già làng Kon Sơ Lăl giữ gìn có nguy cơ bị lung lay, biến mất khi cuộc sống vật chất có nhiều thay đổi. Những thước phim đi theo dấu chân, bám sát những lời thoại của nhân vật, để họ tự nói lên suy nghĩ của mình chiếm gần hết thời lượng của bộ phim dài 28 phút mang tên Trong quên lãng. Chỉ một số trường đoạn có lời dẫn chuyện, một ít lời bình cho những cảnh quay giữa làng cũ, làng mới…
Năm sau, 2013, Trong quên lãng giành HCV Liên hoan phim Việt Nam thể loại PTL. Đó là cách làm phim hoàn toàn mới mà khoảng gần 10 năm nay một số đạo diễn trẻ ở VTV Đà Nẵng áp dụng trong làm PTL, thổi một luồng gió mới trong việc ghi lại những thước phim chân thật miêu tả hành động, tự nhân vật thể hiện suy nghĩ của mình, hạn chế lời bình hay áp đặt suy nghĩ của đạo diễn khi dẫn dắt bộ phim.
Liên tiếp nhiều bộ phim của VTV Đà Nẵng đoạt giải ở các kỳ liên hoan phim truyền hình, giải Cánh diều, các giải thưởng quốc tế và được mời trình chiếu ở nhiều nước trên thế giới. Nổi bật phải kể đến Chiếc chiếu của bà Bứa (Dương Mộng Thu), Đất đai thuộc về ai, Bên ni bên nớ (Đoàn Hồng Lê), Người đưa linh (Trương Vũ Quỳnh)…
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê cho rằng, thói quen của người làm PTL là ở nhà viết sẵn một kịch bản và xách máy quay đến nơi nào đó để phát triển ý trong kịch bản. Nhưng nếu “đóng” trong những ý đó, không mở lòng chấp nhận món quà của hiện thực thì người làm phim sẽ bị chính kịch bản chi phối và không bao giờ có được những thước phim, những tầng ý nghĩa của vấn đề ở đằng sau cái hiện thực mà bạn đang nhìn thấy.
Cách làm PTL này được xem như làm trực tiếp, nương theo những cảm xúc mới mẻ, nhìn nhận cuộc sống một cách mở lòng nhất và để cảm xúc dẫn dắt mình theo, không áp đặt, không bình luận. Muốn làm được điều đó cần có thời gian ở với nhân vật, để nhân vật nói chuyện với mình/máy quay một cách rất tự nhiên. Không bao giờ có câu “mời anh đứng đây cho em phỏng vấn” vì bạn sẽ không bao giờ nhận được những ý nghĩ trải lòng, đến từ trái tim của họ.
Đổi mới để gần hơn với khán giả
Lâu nay người ta quan niệm ở PTL cũng như truyền hình là lời nói mới chứa đựng thông tin. Nhưng hiện nay phải chấp nhận một quan niệm mới là tất cả cử chỉ, lời nói, nét mặt, hành vi đều chứa đựng thông tin. Khi xã hội thay đổi, truyền hình thay đổi thì người xem không còn tin vào cách nhân vật vẫn nói. Khán giả nhìn nhận đa chiều và họ xem nhân vật thể hiện cái tôi cá nhân như thế nào.
Người xem vốn quen với những bộ PTL có công thức “hình ảnh + lời bình”, giọng đọc truyền cảm, vai trò của hình ảnh và âm thanh thực dường như đã giảm đi nhiều phần. Thì hiện nay một bộ phận các nhà làm phim trẻ tiếp cận với cách làm mới theo hình thức điện ảnh trực tiếp: ghi lại trực tiếp và đồng bộ một cách khách quan hình ảnh và âm thanh từ hiện thực, tối giản lời bình và sự dàn dựng của đạo diễn, những hình ảnh chân thực, gai góc nhất của cuộc sống tràn ngập trong các bộ phim.
Hiện nay VTV Đà Nẵng đang thực hiện và phát sóng bộ PTL Theo chiều dài đất nước dài 64 tập, đi dọc theo chiều dài biên giới từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và hải đảo. Vì phim phát sóng toàn quốc, nhiều thành phần khán giả khác nhau nên phim hòa hợp hai xu hướng, sử dụng song song hai phương diện là bám sát hiện thực, bám sát lời thoại của nhân vật, có lời bình để dẫn dắt khán giả.
Đà Nẵng may mắn có một thế hệ trẻ nối tiếp các bậc đàn anh trong làm PTL, họ tiếp cận được nhiều nguồn đào tạo, tiếp cận nhiều dạng phim hiện đại mang phong cách điện ảnh trực tiếp. Họ chuyển qua làm phim không có hoặc hạn chế lời bình đến mức tối đa, bảo đảm âm thanh, lời nói của nhân vật rất sống động, thể hiện bản chất đời sống xã hội.
Phim không lời bình thì tôn trọng lời thoại của nhân vật hơn. Nhưng có một thực tế mà các PTL dạng này đang phải đối diện là không phải khán giả nào cũng chấp nhận cách làm phim mới này, nếu như họ vốn định hình trong khung những bộ phim vốn nhiều lời bình. Phim khó xem hơn, buộc người xem phải theo sát và tư duy theo bộ phim. Nếu đạo diễn không tinh tế, phim sẽ lê thê, dông dài. Buộc người làm phim phải tìm chi tiết, bám theo chi tiết đắt nhất của nhân vật xuyên suốt bộ phim.
Theo đạo diễn Trà Xuân Phương, người làm phim cần “cao tay”, người nào tay nghề đang “mỏng” sẽ cho phim cảm giác nặng nề, lê thê. Bên cạnh đó, việc đạo diễn tự quay phim sẽ chủ động rất nhiều về mặt hình ảnh. Và cái được lớn nhất là các bộ PTL dạng trực tiếp này sẽ đi sâu khai thác thân phận con người, hiện thực cuộc sống.
Đạo diễn Huỳnh Hùng cũng cho rằng, việc thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về PTL, cộng với lớp trẻ hiện nay nhập cuộc tốt, ham học hỏi, giỏi ngoại ngữ để tiếp cận cái mới là điều kiện để Đà Nẵng tiếp tục có một thế hệ vàng trong làm PTL, tiếp nối thế hệ trước và giúp cho vùng đất, con người nơi đây tiếp tục để lại dấu ấn đậm nét trong những thước phim quý.
HOÀNG NHUNG