Chuyên đề

Hành trang người thầy

14:12, 20/11/2015 (GMT+7)

Ai cũng mang cho mình một hành trang nào đó trong suốt chuyến viễn du của đời mình. Với nhà giáo, đơn giản chỉ là phấn trắng bảng đen và cuộc đời của các thế hệ học trò.

Các cô giáo Đoàn Thị Huyền (phải) và Huỳnh Thị Phương Thúy chia sẻ những kỷ niệm buồn vui nghề giáo qua tập sách
Các cô giáo Đoàn Thị Huyền (phải) và Huỳnh Thị Phương Thúy chia sẻ những kỷ niệm buồn vui nghề giáo qua tập sách "Đà Nẵng từng ngày thêm mới" do UBND TP. Đà Nẵng ấn hành năm 2015.Ảnh: V.T.L

Học trò thời nay thiệt lạ, một số đến trường mà đánh son môi, nhuộm tóc xanh tóc đỏ, bỏ áo ngoài quần, không đồng phục, đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm... Học sinh có hành vi vi phạm nội quy nhà trường này, nhiều nơi gọi là “học sinh cá biệt”. Thầy Phan Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu), cho rằng như thế là phản giáo dục, sẽ làm lây lan tư tưởng không tốt trong học sinh và thay bằng “học sinh cần quan tâm”.

Trường chỉ mới 10 tuổi, ở gần bến xe Trung tâm Đà Nẵng, học sinh phần lớn là con em các hộ tái định cư các nơi về, tốc độ đô thị hóa nhanh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và tâm sinh lý học sinh. Đầu năm học 2014 – 2015, trường có 64 học sinh cần quan tâm chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có 44 em hoàn cảnh gia đình khó khăn; nhóm 2 có 9 em học lực yếu; nhóm 3 có 11 em vừa gia đình khó khăn vừa học lực yếu – đây là nhóm được quan tâm nhất.

Xếp nhóm 3 có em N.H, lúc mới vào lớp 10 học tập tốt, nhưng bước sang lớp 11, 12 là có biểu hiện đua đòi, lo chưng diện, bỏ bê học tập, khóc thất thường, dễ nổi nóng,... Thầy Vũ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, nghĩ rằng đó biểu hiện tâm lý của lứa tuổi sắp trưởng thành, tìm hiểu thì em bảo ba mẹ bất hòa với nhau, đang ly thân. Nhưng qua trực tiếp nói chuyện với ba mẹ em mới hay gia đình hòa thuận, rất quan tâm đến em! Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh, bốn mặt một lời ngồi lại với nhau; sau khi nghe các bên phân tích phải trái, em viết kiểm điểm và cam kết sẽ không tái phạm. Thầy hy vọng em sẽ tiến bộ, 2 tuần qua chưa thấy em có vi phạm nào.

“Trường người ta lấy học sinh vào lớp 10 những 40-45 điểm, trường mình chỉ 28 điểm nên khó tránh trớ những khó khăn nhất định”, thầy Khôi cho biết. Ở một môi trường giáo dục có mặt bằng chông chênh về học lực và hạnh kiểm như thế thì người thầy phải vừa dạy vừa dỗ. Sự vào cuộc tổng lực và đồng bộ từ ban giám hiệu đến các chi hội khuyến học, chữ thập đỏ, các hoạt động hội thảo công tác chủ nhiệm, bồi dưỡng học sinh yếu/giỏi, mở phòng tâm lý học đường… thêm vào đó, sự gần gũi, thông hiểu từng hoàn cảnh học sinh của người thầy đã góp phần giảm số học sinh cần quan tâm.

Muốn dạy trò có hiệu quả thì thầy phải nắm rõ hoàn cảnh của trò – gần 40 năm trước, cô Đoàn Thị Huyền bước vào nghề giáo với lời dạy nằm lòng của môn giáo học pháp cho sinh viên sư phạm như thế. Năm 1980 cô về Trường tiểu học Hòa Phong 3, nay là Trường tiểu học Lâm Quang Thự (huyện Hòa Vang). Xã Hòa Phong bấy giờ có nhiều học sinh nhà nghèo, thường hay tụ tập ở nhà cô, vừa nghe cô giảng thêm bài, vừa được cô cho ăn cơm.

Cô cũng chẳng khá giả gì, các em ra vườn hái rau củ quả các loại, rồi cùng cô làm cơm, chỉ mắm muối dưa cà thôi mà cô trò khắng khít như trong một nhà. Hay đến nhà cô nhất là em Châu, mồ côi cha, nhưng ngặt nỗi, em phải xa quê sớm.

Bẵng đi một thời gian dài, ngày nọ, có một thanh niên dáng dấp phong sương đến thăm cô, nói em là Châu… Cô ngạc nhiên, cậu bé lớp 3 của cô ngày nào là đây sao? Châu rơm rớm nước mắt thưa, nhà quá cơ cực, em không học hết được cấp 3, phải theo mẹ vào Nam mưu sinh.

Vào nghề giáo sau cô Huyền đúng 10 năm là cô Huỳnh Thị Phương Thúy, lúc đầu dạy ở Trường tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang). Lớp 5 cô Thúy phụ trách lúc đó có em Lê Phú Nguyện. Em học giỏi nhưng nghịch ngợm, có lần dẫn cả lớp đi xin mía của các hộ dân phía sau trường, làm náo động cả lên. Cô gọi em về, chỉ rõ cho em thấy việc làm đó sai trái như thế nào. Đến giờ cô vẫn còn nhớ những giọt nước mắt lăn dài trên má em, khi em nhận ra lỗi của mình và xin cô tha thứ… Thấy em giỏi văn, yêu các môn xã hội, cô khuyến khích em khi thi đại học thì chọn môn Sử khối C. 9 năm sau, em gặp khó khăn khi chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học, bèn viết thư xin cô lời khuyên.

3 năm trở lại đây, khi Hòa Vang tổ chức Liên hoan các CLB Em hát dân ca toàn huyện, nhớ lại cậu học trò mê các môn xã hội ấy, cô dựa vào các làn điệu dân ca Khu 5 để viết lời mới về lịch sử, địa lý, văn hóa của vùng đất Hòa Vang - Đà Nẵng và mang về 3 giải nhất toàn đoàn. Trong bài “Gửi đến Trường Sa”, cô viết: Ngôi trường chúng cháu nơi đây/ Tình yêu biển đảo không phai một lời/ Trường Sa đất mẹ ta ơi/ Quê hương ghi dấu ngàn đời sắt son/ Dẫu cho sông cạn đá mòn/ Trường Sa mãi mãi là hồn quê hương. Những lời hát mới của cô đã góp phần vào việc bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu trường lớp, yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm của dân tộc.

Đến nay cô vẫn còn giữ lá thư thấm đẫm tình cô trò của Nguyện, bên cạnh những tấm thiệp học trò tự làm với lời chúc hết sức chân tình gửi tặng cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cuối tháng 12 này cô là 1 trong 2 nhà giáo ở Đà Nẵng được tôn vinh tại chương trình Vinh danh tập thể, cá nhân tiêu biểu “Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục” ở Hà Nội.

Bài thơ “Lời ru của thầy” của Đoàn Vị Thượng có đoạn rất hay: Hẳn là thầy cũng già thôi. Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em. Thì dù phấn trắng bảng đen. Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình. Ai cũng mang cho mình một hành trang nào đó trong suốt chuyến viễn du của đời mình. Với nhà giáo, đơn giản chỉ là phấn trắng bảng đen và cuộc đời của các thế hệ học trò. Thầy Khôi đã đi qua 4 trường học, góp phần “đổ khuôn” cho nhiều thế hệ học trò, từ ngoan hiền đến nghịch phá. Cô Huyền 35 năm đứng trên bục giảng, hạnh phúc nhất là có em sau này trở thành đồng nghiệp trong cùng một mái trường, cùng chia sẻ buồn vui của hành trang nghề giáo, cái nghề rất đỗi thiêng liêng khi được học trò thưa gửi hai tiếng “thầy cô”.

VĂN THÀNH LÊ

.