.
TRUYỆN NGẮN

Mùa xuân ở lại

.

Còn vài ngày nữa là qua năm nhưng Hồng vẫn nằng nặc đòi trở lại Phiềng Lình. Cơn mưa phùn dai dẳng kèm theo những đợt rét buốt tưởng như có thể cứa năm, bảy tảng da thịt rời khỏi cơ thể. Tôi thu mình trong chăn không buồn thò đầu ra ngó xem Hồng chuẩn bị những thứ gì, chắc lại mũ len, bít tất cho lũ trẻ con trên đó mỗi đứa một đôi như mọi năm là cùng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi choàng chiếc áo bông vào người và đội mũ len xùm xụp lên đầu, chuẩn bị chở Hồng ra đường đón xe khách, tôi hét lên khi nhìn thấy hai bọc bằng túi nilon to tướng đựng đầy đồ đạc của Hồng ngoài cửa.

- Tính đón giao thừa trên Phiềng Lình luôn sao?

Hồng cười gượng gạo, tôi biết, với cái cười đó chắc chắn trong lòng nó đang mong muốn được đón Tết trên cái bản núi cao heo hút ấy.

- Hay đi Phiềng Lình với mình luôn?

Câu nói đùa của Hồng không mảy may lay chuyển ý nghĩ chiều nay sẽ về nhà cùng bố mẹ đón Tết của tôi. Vội vàng lèn một bọc nilon lên yên xe, một bọc đặt phía trước, Hồng giục tôi nhanh nhanh kẻo lỡ chuyến xe khách cuối cùng của tuần lên Phiềng Lình.

Chuyến xe cuối cùng cũng ì ạch bò tới, thoáng từ xa đã ngửi thấy mùi xăng dầu phả lại. Trên nóc chòng chành vài chiếc xe đạp chằng bằng dây thun. Chưa đến gần cửa xe đã bật mở, bên trong lố nhố, chen chúc xanh, đỏ, tím, vàng những mái đầu trùm khăn thổ cẩm. Người phụ lái đứng nép trong cửa xe nói với ra trong tiếng động cơ rè rè.

- Xe chật rồi, chuyến sau nhé!

Không để chúng tôi kịp phản ứng thì cửa xe đã đóng xầm lại, động cơ tiếp tục gào rú lấy đà, ì ạch bò lên khúc cua ngoằn ngoèo phía trước. Hồng tẩn ngẩn hồi lâu, rồi như sực tỉnh đã bị lỡ chuyến lên Phiềng Lình, nó nhảy khỏi xe máy và chồm theo, chiếc xe khách vẫn thản nhiên rú ga, xả ra những cuộn khói mù trời lẫn vào trong gió rét.

Nhìn vẻ mặt bịu xịu của Hồng tôi có chút đắn đo, “đưa nó lên rồi quay về đón Tết vẫn chưa muộn”, nghĩ vậy và không chần chừ, tôi vít ga quyết định đồng hành cùng cô bạn thân của mình lên Phiềng Lình.

Hồng ngồi im lặng phía sau, có lẽ rất hạnh phúc vì được tôi ngược miền núi cùng trong những ngày cận Tết như thế này. Con đường chênh vênh, gấp khúc bởi những đoạn cua tay áo, sương mù dày đặc lờn vờn, tưởng như có thể đưa tay nắm được một nắm sương lạnh tê buốt đưa vào miệng nhai.

Người đàn ông H’Mông ngồi co ro bán cành đào trên đỉnh đèo, tay đang cố giụi tàn củi để tích một chút hơi ấm. Hồng bảo tôi dừng xe nghỉ, nó nhanh nhảu chạy đến bên bếp lửa nhỏ, rút găng tay hơ lửa và nói chuyện với người đàn ông. Tôi ngắm những cành đào đang he hé nụ, chắc giờ này bố đã cắt đào cho mẹ cắm lên tủ, tôi xót ruột giục cô bạn lên đường. Hồng rút đôi găng tay vừa tháo đưa cho người đàn ông, tôi hiểu tính của nó, chỉ cần cảm thấy người khác ấm áp là mình sẽ ấm áp. Chúng tôi lên xe, người đàn ông dặn với theo khi nào quay về nhớ dừng lại ông sẽ biếu mỗi người một cành đào.

Xuôi dốc, lại lên dốc, xe rè rè nhả khói. Hồng xỏ đôi tay lạnh cóng vào trong túi áo, miệng khe khẽ xuýt xoa. Tôi biết trong lòng nó đang rạo rực muốn sao cho thật nhanh lên Phiềng Lình, trên đó có rất nhiều người đang ngóng đợi.

Cuối kỳ nghỉ hè, chúng tôi trở lại Phiềng Lình chuẩn bị khai giảng năm học mới. Buổi tối, hai đứa tranh thủ đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đi học trở lại. Sau khi vòng quanh một lượt các nhà dưới bản, leo lên ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi cao, là nhà của học sinh tên Lín, mười tám tuổi nhưng bị mắc bệnh bại liệt nên không thể đến lớp. Sau khi thuyết phục được cha mẹ học sinh, chúng tôi hứa sẽ thay nhau đến cõng Lín đi học, mặc dù trong đầu ai cũng thầm lo lắng việc này là quá sức của hai đứa. Hồng quả quyết sẽ đón Lín đến lớp đúng giờ không thiếu buổi nào. Đúng như lời hứa, suốt học kỳ Lín được đón đến lớp đều đặn không kể ngày nắng, ngày mưa. Nhưng học kỳ sau, cậu ta nhất định không cho Hồng đến đón xuống lớp nữa. Đường trơn lại dốc nhưng Lín nặc nặc chỉ cho mình tôi cõng xuống núi, Hồng xách dép lẽo đẽo theo sau. Đối với chúng tôi Lín là học trò, nhưng đối với Lín chúng tôi là hai cô gái. Đến đoạn đường trơn, đôi vai tôi đã mỏi nhừ nhưng cậu học trò lớn không chịu cho Hồng cõng thay. Tôi đành cắn răng bấm từng ngón chân xuống đất, dò dẫm bước, hai cánh tay mỏi rã rời.

- Tại sao lại không cho cô Hồng cõng? - Tiếng tôi cáu tiết rít qua hai hàm răng.

- Em... tao... tao... yêu cô Hồng mất rồi! - Lín lắp bắp.

Câu nói của học trò như tiếng sét đánh ngang tai, cánh tay tôi lỏng dần, Lín tuột khỏi lưng và ngã nhào, lăn lông lốc xuống chân núi. Chúng tôi bị kỷ luật và đình chỉ dạy học về việc gây tai nạn nghiêm trọng cho học trò. Từ đó tôi chưa trở lại Phiềng Lình lần nào nhưng Hồng vẫn háo hức và lên đây đều đặn bán hàng cho người dân.

Tôi cố ghì tay lèo lái chiếc xe cứng cổ men ngược con dốc. Hồng lại mơ màng theo những triền giang vào mùa khuy đỏ cháy men con đường nhỏ. Cả hai cùng reo lên sung sướng khi nếp nhà tường đất đầu tiên hiện ra. Trong bản ồn ào, Tết của người Mông mới qua không lâu, giờ họ lại rục rịch đón Tết Nguyên đán của người Kinh. Những người đàn ông chụm đầu bên bếp lửa ngay ngoài trời, chiếc chảo lớn nấu trên kiềng sôi ùng ục. Những khuôn mặt đỏ lựng, bước chân lảo đảo vì rượu ngô có lẽ đã uống suốt cả trong những ngày đông giá rét. Vài ba người phụ nữ bồng con nhỏ đứng ở đầu hiên chào đón “hai người lái buôn” trở lại. Đám học sinh cũ của chúng tôi vẫn mặt mày tèm lem, nhếch nhác chân trần chạy ra, nhưng không ùa theo nữa mà chỉ đứng lấm lét nhìn.

Tôi chạy thẳng xe vào sân nhà mẹ Mân, thấy có xe máy đến mẹ cầm cả cây chổi đang quét dọn sau bếp đi ra. Ngẩng khuôn mặt, đôi mắt nhăn nheo nhìn, lâu sau mới nhận ra hai chúng tôi, mẹ reo lên bằng tiếng dân tộc, tôi chỉ hiểu hàm ý của mẹ là: “À lúi, hai đứa cô giáo cũ!”. Hồng nhảy ra khỏi xe chạy đến ôm chầm lấy mẹ, nói một tràng bằng tiếng Mông.

Mẹ cười chảy nước mắt, bẻ đôi những cây lau khô cho vào bếp và phồng miệng thổi lửa, khói bay mù mịt. Phụ nữ, trẻ con trong bản kéo đến ồn ào, ríu rít. Hồng chia cho mỗi người một đôi bít tất hoặc găng tay, nó len lén cầm một đôi bít tất nam dúi vào trong túi áo rét, đợi khi mọi người đã về mới bước nhanh ra ngoài con đường mòn lên nhà Lín. Tôi cũng muốn thăm học trò cũ của mình nên đi theo sau. Hì hục trèo lên triền dốc, thoáng đã đến trước cửa ngôi nhà gỗ nhỏ chênh vênh trên sườn núi. Bước chân của Hồng ngập ngừng dừng trước cửa. Mẹ Lín tóc đã muối tiêu đi ra, bà trông già hơn một năm trước, chiếc váy trên người rách tả tơi không buồn vá, gió lạnh thổi tạt qua khiến đôi vai gầy khẽ so lại. Nhìn thấy Hồng bà mừng rỡ gọi lớn vào trong nhà bằng tiếng Mông, một loáng sau, người thanh niên chống gậy tập tễnh đi ra, Lín và Hồng đứng sững sờ hồi lâu rồi ôm choàng lấy nhau, không phải là cái ôm giữa cô giáo và học trò, mà là cái ôm của tình yêu đôi lứa, tiếng cười giòn giã ngập tràn hạnh phúc theo chân hai người tập tễnh dìu nhau vào trong ngôi nhà nhỏ bé.

Tôi lặng lẽ quay xuống dốc, dự định trong đầu chờ Hồng về nói lời tạm biệt rồi sẽ xuôi trong buổi sáng ngày mai, nhưng đợi đến chiều vẫn chưa thấy Hồng đâu. Nhà mẹ Mân ngày giáp Tết chỉ có rau cải nấu với canh gừng, vậy mà tôi ăn ngon lạ thường. Suốt buổi tối tôi đã nghĩ rất nhiều về Hồng, không biết chuyện gì đã xảy ra với nó. Mẹ Mân cười móm mém khi thấy tôi ủ rũ lo lắng cho Hồng, mẹ trấn an tôi bằng những câu chuyện tiếng Mông mà tôi chỉ nôm na hiểu được một phần. Con gái ở Phiềng Lình khi đã bị “bắt” làm dâu thì khó lòng có thể bước ra khỏi cửa. Tôi lắc đầu, lè lưỡi. Hồng lớn lên trong trại trẻ mồ côi từ nhỏ, hạnh phúc như vậy là đã trọn vẹn với nó.

Mẹ Mân đi gói bánh Tết trong bản chưa về, ngoài đường trai gái hẹn hò nhau bằng tiếng sáo, tiếng khèn dập dìu xa gần. Tôi thu mình trong chăn ấm nhưng vẫn run rẩy vì lo sợ quãng đường ngày mai một mình trở về. Trời như có vẻ lạnh hơn. Chiếc điện thoại còn đầy ặc pin nhưng không có sóng. Tôi bật nhạc thật to cố xua đi nỗi buồn trong đêm cuối năm ở một nơi đã xa lạ với mình.

Tiếng két cửa khe khẽ khiến tôi mừng rỡ, chắc mẹ Mân đã về, tung chăn chạy ra, trong ánh đèn dầu mờ mờ hiện rõ bóng dáng một người con trai cao lớn, chiếc áo bộ đội phong sương ướt đẫm, hơi thở phả ra mờ mờ trước ánh đèn dầu treo trên liếp vách.

- Mẹ ơi, mẹ đã ngủ chưa? - Tiếng con trai trầm ấm xua đi lạnh lẽo trong ngôi nhà nhỏ.

Tôi ngỡ ngàng, mẹ Mân là người neo đơn, những ngày tháng ở bản tôi chưa nghe ai kể mẹ có một người con nào cả, tôi vặn to bấc đèn dí sát vào mặt người lạ, giọng không khỏi run run.

- Tại sao anh vào nhà người khác giữa đêm khuya khoắt thế này?

- Tôi là cán bộ biên phòng, con nuôi của mẹ Mân, năm nay tôi không về quê mà ở lại ăn Tết cùng mẹ, tên tôi là Mạnh.

- Hóa ra là vậy, còn tôi là Thủy, cô giáo cũ ở bản trước đây hơn một năm, giờ chúng tôi lên đây để bán hàng Tết.

- À, tôi cũng đã được nghe kể về chuyện của hai cô giáo rồi, hai cô thật can đảm, nhưng thật đáng tiếc...

- Giờ chúng tôi không còn là cô giáo của bản nữa.

- Nhưng cô vẫn nhớ bản và quay lại đây là rất đáng quý!

Mẹ Mân vẫn chưa về, tôi với Mạnh ngồi bên bếp đến khuya. Tiếng khèn, tiếng sáo đã xa dần lẫn vào trong sương. Mạnh kể về cuộc sống của lính và dân bản trên biên giới. Tôi đáp lại bằng câu chuyện của mình sau khi rời bục giảng chuyển về mở một cửa hàng quần áo nhỏ dưới thành phố với mong mỏi được trở lại dạy học.

Củi hết, bếp chỉ còn trơ lại đốm than hồng, chiếc áo ấm không ngăn nổi cơn gió núi tạt vào đêm khuya, chúng tôi ngồi nép vào nhau lúc nào không hay. Tôi choàng tỉnh giấc bởi tiếng lợn trong bản kêu eng éc, tiếng người rôm rả, hối hả giục nhau chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới về.

Tôi hoảng hốt thấy mình nằm cuộn tròn trong chiếc chăn ấm, vội vã bật dậy gói ghém đồ đạc buộc vào xe, ngao ngán chuẩn bị cho hành trình trở về. Mạnh chạy đến nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của tôi, ánh mắt khẩn khoản, trìu mến.

- Cô giáo đừng về! Ở lại đón xuân cùng anh và mẹ!

Mẹ Mân lấy trong hòm gỗ một bộ váy áo con gái Mông còn mới nguyên mà bà đã cất từ thời thiếu nữ ra hiệu cho tôi ướm thử. Không còn cứng nhắc, cục cằn, tôi bỗng hóa thành cô gái H’Mông e ấp đứng nép sau cửa. Trái tim nóng bừng, phía sau tôi, cành đào, giàn hoa phong lan ai đó treo lên từ bao giờ nở hoa sặc sỡ, tỏa hương thơm ngát.

LÝ A KIỀU

;
.
.
.
.
.