Sáng tác

Tản văn

Đường về nhà ngoại

16:17, 12/12/2014 (GMT+7)

Tòa soạn nằm trên con đường mới mở thiệt rộng, cuối đường là một cái chợ nhỏ xíu, gọi là chợ Ga. Nhà ngoại ở trong một con hẻm nhỏ gần đó, nhìn ra đường tàu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Suốt những năm học đại học, cô ở nhà ngoại và từng nhìn theo không biết bao nhiêu chuyến tàu chạy ngang qua hẻm. Hẻm chật, tàu chạy qua thường chỉ thấy được hơn một toa. Những đêm thức khuya cô nhìn chuyến tàu Bắc Nam rời xa thành phố, chen chúc những người đang thu xếp một chỗ ngồi, chỗ nằm. Nhìn và mơ mộng đến những chuyến đi xa. Nhìn và nhớ chuyến tàu đêm của nhà văn Thạch Lam học hồi trước.

Ngày lấy chồng, cô cũng bước chân qua cửa nhà ngoại, đi ra. Niềm hạnh phúc long lanh làm cô không mảy may thấy buồn. Ông thợ chụp hình còn nhanh tay “chộp” được những nụ cười tươi như hoa của cô. Nhỏ bạn thân coi hình cưới, đùa, đúng là nụ cười của kẻ từ nay không còn mang nỗi lo “ế chồng” nữa. Chỉ có ngoại là móm mém khóc. Cô không hiểu tại sao lại phải khóc, theo thông lệ mỗi khi đám cưới ư? Cô nghĩ đơn giản, lẽ ra ngoại phải thấy nhẹ nhõm vì không còn cô hay ồn ào, hay làm đổ vỡ đồ đạc, hay bạn bè ra vô phức tạp, hay xài hoang nước, hay bỏ cơm không báo trước, hay bất chợt về khuya, hay cãi bướng… Hay bởi ngoại buồn vì không còn đứa cháu ngỗ nghịch kề bên để la?!  

Nhà chồng cô ở một quận xa. Cơ quan thì ở giữa nhà cô và nhà ngoại. Những ngày mới về nhà chồng, đi làm về cô thường quen chân chạy xe về hướng nhà ngoại. Có khi phải đi gần tới cô mới nhận ra mình đã về nhầm nơi, nhầm chỗ. Rồi bùi ngùi quay lại. Đường chiều đông nghịt, kẹt xe, bụi và khói bay vào mắt cô, có khi cay cay đến khó thở. Những ngày ấu thơ bên ngoại thật sự đã lùi xa rồi.

Nhà nhỏ bạn thân cũng ở gần nhà ngoại. Thỉnh thoảng rảnh, cô chạy qua chơi với bạn, xem món đồ bạn mới sắm được, bận thử cho bạn coi cái áo đầm đang mốt. Rồi, tiện đường ngang qua chợ Ga mua quả dưa hấu, ít cái bánh tráng mè. Cô ghé thăm ngoại. Ngoại mừng quýnh, có khi muốn khóc, hỏi cô bận rộn lắm hay sao mà ít đến? Cô ừ hử, không dạ mà cũng không chối, hỏi lại ngoại vài câu qua quýt mà cũng ít quan tâm đến câu trả lời.

Rồi cô quơ đại tờ báo cũ, vào tủ lạnh lục lấy chai nước và hoa trái hay củ khoai gì đó, vừa dán mắt vào tờ báo vừa ậm ừ nghe ngoại kể. Về cái chân đau làm dạo này ít đi nhà thờ được, về giá cả mắc mỏ, về bé Na con cậu mới được giấy khen, về đủ thứ linh tinh mà người già thường hiếm khi tìm được đối tượng lắng nghe.

Ai cũng bận rộn với cơm áo ngoài đường, cô nghĩ vậy. Ngoại cô không biết chạy xe máy, không biết tên đường, chỉ biết từ nhà ra chợ Ga và ngược lại. Mỗi ngày ngoại ở nhà lo toan nội trợ, mong ngày chóng qua, chiều đến sớm, có con có cháu trở về. Cô dạ dạ cho ngoại vui, đợi gặm xong món quà vặt ngoại chỉ, cô chào ngoại, đi về.

Rồi nhỏ bạn cũng nở nụ cười “hết lo ế”, đi theo chồng. Cô ít có dịp để đi ngang qua con đường đó nữa. Họa hoằn lắm, cô mới tạt vào, dúi vào tay ngoại một hai tờ tiền, kèm theo vài câu hỏi thăm vội vã rồi đi ngay, có khi chỉ để chạy ra quận nhất xem cái shop mới mở có hàng gì “độc” hay không. Thêm sự ra đời của bé Su làm cô cảm thấy mình bận túi bụi. Ngoại thương mong đứa cháu cố đầu tiên, nhưng chỉ thi thoảng vào những dịp lễ, Tết mới được gặp. Có khi từ lần gặp trước, Su mới bập bẹ “ba ba”, lần gặp sau, đã nghe con bé khoanh tay “ạ bà” thật rõ.

Bữa nọ, cô có bài đăng báo. Qua tòa soạn lãnh nhuận bút. Dắt xe ra cổng định chạy về, cô bất chợt nhớ đến ngoại, có lẽ vì nhà ngoại gần sát bên. Cô cũng nhớ ra đã lâu lắm rồi mình hình như không ghé thăm ngoại, thậm chí đến gọi điện hỏi thăm cũng quên. Cô quày xe vào con đường rộng thênh có đường tàu chạy ngang đó, nghe lòng mình mềm lại. Bởi thấy mình hình như hơi vô ơn, hình như hơi vô tâm, tự trách mình hơi giả giả xạo xạo sao đó… Bởi bài viết của cô nhiều người đọc khen hay quá, thơm thảo quá, cảm động quá. Bởi thấy bận rộn chỉ là cái cớ để cô thờ ơ thì phải?

Đầu hẻm có treo lá cờ màu đen u ám. Cô nghe tim mình thót lại, một nỗi sợ hãi mơ hồ tràn qua lòng. Những ngày này, thời tiết lạnh lẽo khắc nghiệt, người già thường khó lòng chống chọi. Mà ngoại cô nay đã già lắm rồi, giống như chiếc lá vàng lay lắt trên cành vậy. Cô thấy mình bất giác tăng ga, phóng như bay vào hẻm. Nhà ngoại kia rồi, may quá… Cô thở ra nhẹ nhõm đến trào nước mắt. Giọt nước mắt lẽ ra phải rơi vào ngày cô bước chân ra cửa, xa ngoại.

HOÀNG MY

.