Sáng tác
Tiếng Quảng rất gần
Tôi ra Đà Nẵng làm thằng học sinh già, chán ngắt! Nhưng nhờ vậy, được gần cô và có những tháng ngày rất khó quên trong đời. Cô dạy toán và đó là môn tôi kém nhất. Lần đầu, cô trò nói chuyện với nhau ở bên ngoài lớp. Tận cuối của dãy hành lang dài ngoằng, dẫn lên phòng họp của giáo viên. Đó, là nơi tôi thích đứng một mình và hút thuốc lén. Cô tới bên tôi cũng ra vẻ rất… lén:
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Cô thấy em hay đứng chỗ ni.
- Dạ! Bộ cô để ý…
- Phải để ý chứ!
- Vì em học dốt?
- Không phải vì em học dốt mà vì em muốn học dốt. Và cô muốn biết tại sao?
- …
- Cô thấy em ốm nhom, ho khan. Rứa thì còn hút thuốc chi? Hỉ?
- …
- Em ít nói đến lạ. Lạ hỉ?
“Lạ hỉ?”, “lạ hỉ?”… là mấy chữ cô hay dùng với ánh mắt mở to chất đầy sự kinh ngạc. Câu chuyện của chúng tôi bỏ dở khi có một thầy đi ngang và đưa mắt, săm soi nhìn. Và trong rất nhiều lần sau, cũng vẫn thế… Dù ở bất cứ đâu, tôi cũng luôn có cảm giác mình thường xuyên bị theo dõi. Biết tôi đau, cô đem sữa tới nhà thăm thì bị chính những người thân của tôi thắc mắc. Tôi ở lì tại lớp trong rất nhiều tiết nghỉ, cô lại ngồi gần bên, ân cần hỏi han cũng bị các bạn nghi ngờ. Tan học, tôi thường lủi thủi đi bộ về nhà, cô đề nghị chở giúp vài lần cũng bị châm chọc.
Tôi đâu còn trẻ nhỏ gì để không hiểu ra rằng: Cô rất đẹp và đã hẳn, được các thầy còn độc thân để ý. Rồi các cô giáo trong trường sao khỏi ghen tị ngấm ngầm? Giáo viên nam bao quanh cô canh rình, trong khi, những đồng nghiệp nữ dòm ngó và tôi lạnh tanh trong cái vẻ trầm im vốn sẵn. Không phải, tôi không biết cô thương lo cho tôi nhiều.
Không phải, tôi không biết xót xa cho những điều tiếng thị phi của dư luận mà cô phải gánh chịu. Nhưng cái tính tôi nó thế! Tôi hoang bợm kinh khủng nhưng nhìn cái bộ như rất hiền. Những xúc cảm trong tôi, luôn luôn, là mãnh liệt và dữ dội vậy mà tôi cứ đóng bộ phẳng lì, khô khan. Lòng tôi rất dễ chao. Tâm tôi rất dễ động. Nhưng tôi giả bộ không hay và có đủ sự tinh quái, để giấu biến đi.
Cô nói: “Cái bộ dạng bên ngoài của em mới thiệt lạ. Lạ hỉ? Úi choa! Cứng cỏi hỉ? Khô khan hỉ? Bất cần hỉ? Chi mà khổ rứa em? Mắc mớ chi hè? Mình đâu có phải như rứa mà… gồng”. Nghe, tôi có lợn chợn lòng vì có người điểm trúng huyệt nhưng vui, bởi có cảm giác người này hiểu được mình. Một thứ cảm giác mà đã rất lâu, tôi chưa hề có được. Thêm những lần trò chuyện về sau, cô còn cho tôi nguyên vẹn sự tin cậy. Những tràn đầy của sẻ chia. Cuộc sống thoắt trở nên nhẹ nhõm và tươi tắn với tôi xiết bao, khi biết có một người không hề nghĩ về mình như hết thảy những ai đó.
Tôi kể cho cô nghe về quãng đời quăng quật hư đốn của tôi trước đây, vào một buổi chiều Đà Nẵng mưa như chưa từng. Mưa gào thét phẫn nộ với quá khứ tôi nhơ nhuốc. Mưa, những giọt to dày là lời phỉ báng lăng nhục một tôi ngày trước, mông muội và thấp hèn. Mưa là những tiếng cười chế giễu lên một tôi đã qua, đầy những tì vết xấu xa. Tôi kể và khóc. Cô nghe và khóc. Tôi nói chính cô giúp tôi dừng lại. Cô nói: “Cám ơn em. Nhưng dừng luôn em hỉ? Dừng luôn nghe! Đừng như rứa nữa, hỉ?”.
Tôi “dạ” ngoan như một đứa trẻ lên ba và luôn tin tiếng dạ ấy là thật. Là hết thảy những chân thành với đủ đầy sự ăn năn và sám hối. Ở nhà cô về, tôi vứt bỏ cái áo mưa cô bắt mặc, đi phăng phăng giữa phố trong niềm sướng vui ngờm ngợp. Chưa lúc nào tôi cảm nhận ra mình yêu đời đến làm vậy. Tôi đi ngang ngạnh giữa mưa, bằng những niềm vui trong trẻo của những cô cậu học trò thuần túy, với tâm hồn non nớt trắng trong.
Chưa hề biết đến những lao đao sóng gió của đời người. Chưa hề phải nếm trải và thấm thía bao nghiệt ngã đắng cay của cuộc đời. Mưa trắng xóa khiết tinh xóa sạch bao dấu hằn khốn nhục trong tâm hồn tôi. Mưa tưới tắm tâm linh tôi… Cám ơn cô: Cô Hải Đường. Tôi la to giữa trời mưa Đà Nẵng và cảm nhận ra lẽ nhiệm mầu của những đổi thay tuyệt vời đang tuôn chảy trong cơ thể mình, trái tim mình.
Tôi bị viêm phế quản nặng do dầm mưa chiều ấy và phải nhập viện. Ngày nào, cô cũng vào thăm và chẳng hiểu cô thuyết phục sao đó mà các bạn trong lớp, thay phiên nhau đến chăm sóc cho tôi. Ở đó được sáu ngày thì thầy Toàn, dạy Anh văn tới. Thầy ngồi trên giường nói rành rọt từng chữ một: “Xuống quán uống với thầy ly nước và nói chuyện như hai người đàn ông với nhau”. Thầy hỏi ngay khi tôi chưa kịp kéo ghế ngồi.
- Em yêu cô Hải Đường, phải không?
- Không.
- Nói láo.
- Tại sao em phải nói láo?
- Tại sao em được quyền hỏi tôi như vậy?
- Vì thầy đã không cư xử với em như với một người đàn ông. Vì thầy đã thiếu tôn trọng em.
- Tôn trọng em. Tôi phải tôn trọng một thằng học trò dốt nát, lười biếng, trăng hoa, hư hỏng…
- …
- Em có thể phỉnh gạt, lừa dối mọi người nhưng ngay cả một cô giáo rất tốt với em như cô Hải Đường mà em cũng không buông tha, là sao!
- …
- Tôi muốn em tránh xa cô Hải Đường ra.
- Tại sao phải vậy? Em cần cô! Thầy biết không? Em rất cần cô…
- Vậy mà em nói rằng không yêu. Không yêu mà cần. Em thử chứng minh tôi coi!
- …
Thầy Toàn đi rồi tôi còn ngồi lại rất lâu ở căng tin và ngay trong đêm đó, tôi lẻn y tá trực leo rào ra ngoài. Tôi đã đi ngang căn phòng trọ của cô, rất nhiều lần với tâm trạng bấn loạn rối rắm. Tôi ao ước, cô đi đâu đó trở về cho mình được gặp. Gặp cô vào ngay lúc ấy, tôi hiểu, đời tôi sẽ không khác. Sẽ như cũ. Sẽ vẫn là bình yên. Và ngược lại.
Tôi rùng mình, cảm nhận ra vực thẳm đang ở ngay dưới chân với biết bao cám dỗ. Lòng tôi tả tơi bởi những kéo lôi giành giật. Một bên là cô với những gì là phẳng êm, tốt đẹp và một bên là đám bạn cũ với rất nhiều hư đốn hoang đàng. Một mình bơ vơ trước những nhánh rẽ khốc liệt của sự chọn lựa, tôi bỗng yếu đuối đến vô cùng. Sao mà tôi chống chếnh? Sao mà tôi lẻ loi?
Cô là ai mà tôi tha thiết được gặp quá chừng chừng. Chưa lúc nào. Chưa một khắc giây nào trong đời, tôi cảm nhận ra mình cần cô như khắc giây ấy, khoảnh khắc ấy. Sao tôi nhút nhát đến làm vậy? Sao tôi không dám gõ, khi biết rõ phép nhiệm mầu của cuộc đời mình, ở ngay sau cánh cửa khép chặt? Sao tôi phải ngồi ngoài đường, khóc suốt đêm như một đứa nhỏ bị cha mẹ, gia đình ruồng bỏ? Sao tôi lảo đảo ra bến xe với vóc dáng phờ phạc, bộ quần áo bệnh viện còn khoác trên người cùng những cơn ho? Những cơn ho rũ rượi thiếu điều làm vỡ tung cả hai lá phổi.
Xe chạy và quãng ngày làm gã học trò già của tôi chấm hết. Xe chạy và tất cả ở hết sau lưng. Chỉ có cô luôn ở ngay trước mắt trên chặng đường tôi đi tới. Cô và tiếng: “Lạ hỉ?” thân thương.
Tôi trượt nhanh đến không ngờ. Lắm khi, trong những cơn lốc chuyển xoay khiến tôi ngã chúi hay ở những lần thoát xác tung hồn bay lãng đãng cùng bụi khói phù du, tôi thấy lại tôi một chiều mưa ở Đà Nẵng và tiếng cô thoáng nhẹ ngọt ngào: “Dừng lại đi em. Dừng lại mà. Đừng như rứa nữa hỉ?”. Cái tiếng “dừng” của cô sao mà thiết tha? Sao mà da diết? Một tiếng “dừng” đặc sệt giọng Quảng nghe gần gụi, thiết thân đến bồi hồi. Và tiếng Quảng, từ cô cất lên, vừa như là lời quở trách vừa như lời nhắc nhở. Là tiếng gọi hết sức vô hình mông mênh mà níu bắt tôi, đứng sựng lại. Những tiếng gọi như thế mỗi lúc một nhiều hơn. Tâm hồn tôi thêm xao xác. Tôi mất ngủ thường xuyên và đêm, luôn bật dậy trong sự thảng thốt, người đầm đìa mồ hôi.
Rồi cũng đến lúc tôi phải trả giá cho những lỡ lầm, sai trái của đời mình. Khi tra tay vào còng số tám, tôi thấy lòng mình rất nhẹ. Cứ như lâu nay mình ở trong những cơn mưa dầm dề, dai dẳng nên bức bối và khó chịu lắm. Rồi bữa nay mới được thấy lại nắng mà nắng lạ quá: tươi đẹp, trong trẻo, tinh khiết... Như trong nắng chói lòa có nụ cười cô hiền hòa và tiếng cô dịu dàng: “Rứa, mới chịu dừng. Lạ ghê cái em ni. Lạ hỉ? Dừng thiệt nghe! Dừng, hỉ?’’. Với tâm trạng bình yên, tôi vô trại cải tạo và nhận cái án bốn năm hết sức thản nhiên.
Và, tôi ra tù. Cũng có lắm hồi hoang mang muốn quay lại đường xưa. Cũng có khi chân đã đi liêu xiêu, nửa cao nửa thấp và sự quỵ ngã đã sát kề. Bao cám dỗ đồng hành cùng những bất bình. Cơn cuồng điên, thi thoảng, bùng lên khi sự phẫn nộ leo đến đỉnh điểm. Dễ quá để buông xuôi và vứt tung đời mình, cho hả sự tức giận vì bị người ta không tin và coi thường. Và khó quá, để sống tốt với sự bắt đầu trở lại dưới cả cái vạch âm.
Rất may tiếng: “Dừng nghe!” của cô luôn đến kịp lúc. Rồi tôi lấy vợ. Cũng ê chề chua chát. Cũng gian nan trắc trở. Nếu người phụ nữ tôi đã chọn không có đủ dũng mãnh và sự thấu hiểu, chắc chúng tôi khó thể kết hôn, chứ đừng nói chi sống với nhau ngần ấy thời gian trong triền miên thử thách. Tôi vượt qua được nhờ vào tiếng “dừng” thầm lặng, nhỏ nhoi, khẽ khàng của cô không nói đến làm gì, mà ngay cả vợ tôi cũng thường tựa vào đấy, những hồi lòng chống chếnh.
Ngẫm lại tới giờ, chẳng có gì ở cuộc đời tôi mà không liêu điêu, nghiêng ngã. Như là công việc. Như là tâm hồn. Cũng chẳng có gì nơi tổ ấm này mà lại không rất đỗi mơ hồ và vô cùng bé mọn. Như là hạnh phúc. Như là tình yêu. Mọi thứ cứ như chực rời xa tôi, tuột rơi.
Có rất nhiều điều hiếm quý, tôi đã cố hết sức để giữ lại cho mình. Như là những tình thân. Như là niềm tin. Vậy mà hao hớt dần rồi sụp đổ. Có rất nhiều âm thanh đời đã từng ngân nga trong hồn tôi những giai điệu đẹp. Như là tiếng nói của lương tâm. Như là những tiếng cười hồn hậu. Vậy mà cứ méo xệch đi, thưa thớt dần đi rồi mất biến, ngoại trừ tiếng nói của một người với giọng Quảng, nặng thô và chân chất.
Là cô. Cô Hải Đường.
MỸ NỮ