Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Anh em

07:03, 20/12/2014 (GMT+7)

Đêm nay nằm thao thức mãi không sao ngủ được, trở mình vùng khỏi giường tự nhiên tôi có ý muốn viết về anh trai mình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngồi vào bàn, đối diện là màn hình laptop sáng rỡ trong màn đêm tối mịt vây quanh, tôi mở word gõ những dòng chữ này như cách mình thường làm mỗi khi muốn lưu lại nhật ký hằng ngày.

Anh hai…

Nhắm mắt lại, những ký ức về anh bừng lên trong tôi nơi không gian tĩnh lặng này rõ ràng và mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Hai anh em tôi hơn kém nhau bốn tuổi. Rành rành anh em ruột rà một nhà là vậy đó mà tính cách trái ngược hẳn nhau. Gia đình họ hàng cũng thường bảo vậy. Bản thân tôi khi đã có ý thức rõ ràng cũng nhận thấy thế.

Chẳng biết là từ khi nào, hai anh em tôi thường xuyên bị so sánh với nhau. Chính xác là anh rất hay bị đem ra so sánh với tôi.

“Thằng Nam phá quá, chẳng bù cho cu Sang…”

“Học hành thế này hả, coi em mày kìa…”

“Mày được một phần của thằng em mày tao cũng mừng…”

Từ nhỏ đến lớn, không biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh anh hai bị ba má la rầy. Lúc nhỏ chưa hiểu chuyện, tôi hay cười khoái chí, còn “lêu lêu” anh nữa. Anh đang cơn tức tối, mặt mũi đỏ au liền giương giương nắm đấm ý dọa sẽ cho tôi một trận.

Chuyện lớn chuyện bé, hở ra là tôi chạy đi “méc” má. Khỏi phải nói, nhiều lần anh phải lãnh những trận đòn nhớ đời chỉ vì tôi.

“Tao ghét mày! Thằng quỷ sứ!”

Có dạo anh rượt tôi hết mười mấy vòng quanh nhà vì lý do gì tôi chẳng còn nhớ rõ. Tôi chỉ biết mình đã chạy như bay, tim muốn rụng ra ngoài vì sợ bị anh bắt được. Cuối cùng tôi đứng khóc ré lên trước khi anh kịp đụng vào người. Tối hôm ấy anh hai lại no đòn với ba tôi.

Càng ngày, sự đối nghịch của hai anh em tôi lại càng tăng thêm. Năm nào tôi cũng được nhận giấy khen học sinh xuất sắc đem về khoe ba má. Trong khi đó, má thường xuyên nhận được điện thoại của cô chủ nhiệm lớp: phàn nàn việc học chểnh mảng lười biếng và thói ham chơi của anh.

Má lại la, ba lại đánh, anh hai cứ thế lầm lì sống cô đơn trong gia đình của chính mình.

Rồi anh nghiện game như bao nhiêu đứa bạn trong xóm. Anh giao du với hầu như tất cả những đứa trẻ bằng tuổi và lớn hơn anh ở khu nhà tôi. Ngược lại, tôi hiếm khi nào bước ra đường sau khi đi học về. Về đến nhà cũng phải hơn tám giờ sau khi đôi vai xách cặp đã rã rời từ chỗ học thêm, tôi lại phải lao vào giải quyết mớ bài tập được giao sau và chỉ có chút ít thời gian ngắn ngủi để ăn tối, tắm rửa. Đó cũng là lý do tuổi thơ tôi hầu như không có lấy một người bạn hàng xóm thân thiết nào. Việc học là ưu tiên hàng đầu ba má dành cho tôi, sau khi – có vẻ không ai nói ra nhưng đều biết – ba má đã hoàn toàn bỏ cuộc với anh hai tôi rồi.

Nói về cái sự nghiện chơi game của anh hai thì trần ai lắm. Tôi nghĩ nó cũng chẳng khác gì việc người ta dính vào ma túy là mấy. Thứ ma túy của thời đại công nghệ và kỹ thuật số.

Nhiều lần trời đã tối mịt mà vẫn chẳng thấy mặt mũi anh hai đâu, ba má tôi lại phải ra tận mấy tiệm net gần nhà tìm anh. Lôi được anh hai về nhà đe nẹt mắng chửi xong, được vài hôm thì đâu lại vào đấy. Có lẽ anh đã thực sự tìm được niềm vui riêng bên trong những thế giới hoàn toàn nhân tạo kia. Thứ niềm vui anh không thể có được khi bước chân vào lại ngôi nhà mình, mà nguyên nhân phần lớn là từ tôi.

Khi đã hiểu biết hơn, tôi mới bắt đầu cảm thấy thương anh hai. Thương nhiều lắm nhưng chưa khi nào tôi thổ lộ cho anh biết. Tôi không phải là người dễ dàng biểu hiện cảm xúc của mình. Nói đúng hơn, chẳng khi nào tôi được phép bày tỏ suy nghĩ riêng. Ba má tôi muốn tôi phải học tốt. Tôi nghe lời ba má học. Kết quả là đầu năm cấp ba tôi thi đậu vào trường chuyên của thành phố với số điểm rất cao. Ba má tôi sung sướng, mở tiệc khao cả họ hàng. Trong những câu chuyện đầy tự hào của người thân về tôi lại có mặt anh hai, như một phép so sánh dễ dàng và hữu dụng nhất để làm tôi càng trở nên nổi bật hơn.

Thâm tâm tôi sợ phải nghe những lời đó, sợ vô cùng. Tôi càng sợ anh là người nghe được. Không phải vì tôi sợ anh sẽ ghét bỏ tôi vì miệng lưỡi thiên hạ. Tôi sợ lời nói như những mũi dao sắc ngọt vô hình ngày ngày làm tổn thương anh hai mà chẳng ai hiểu thấu. Ba má tôi chắc chắn không hiểu. Cũng như ba má đã không bao giờ hiểu được tôi. Tôi học vì ba má chứ không phải cho mình. Tôi cũng sợ cảm giác làm ba má thất vọng như anh hai đã làm. Giá mà tôi và anh hai đổi vai cho nhau, có khi tôi lại thấy nhẹ nhàng hơn. Làm một niềm tự hào của người lớn là mang vác gánh nặng vô hình khủng khiếp lắm. Tôi chỉ có thể tốt hơn chứ không thể dở đi.

Sợ hãi và sợ hãi… Nỗi sợ cuối cùng cũng đưa tôi đến ngày hôm nay.

Nhưng dường như, anh hai tôi chưa một lần biết sợ hãi là gì.

Tôi vẫn nhớ câu tuyên bố xanh rờn của anh trước hai khuôn diện đã đổi màu xám xịt của ba má tôi ngày ấy.

“Con sẽ đi học nghề, thưa ba má!”

Học nghề. Nghĩa là không học đại học. Họ hàng nhà tôi chưa có ai như thế. Nỗi thất vọng lớn nhất của ba má lại lần nữa gieo vào lòng họ cơn phiền muộn. Dù sao thì anh hai tôi cũng gắng hoàn thành xong chương trình phổ thông ở một trường dân lập làng nhàng với tấm bằng tốt nghiệp xếp loại trung bình chứ không nghỉ học dở chừng. Anh nói với anh như vậy là đủ rồi.

Và cứ thế mặc ba má hay người ngoài nói gì, anh vẫn đăng ký khóa học sửa chữa điện thoại di động tại một trường trung cấp nghề. Công nghệ vốn là một người bạn thân thiết của anh từ thuở bé, tôi không lạ khi biết anh có quyết định đó.

Ba má dẫu có khó chịu bao nhiêu thì sau cùng cũng bỏ mặc anh như bao lâu nay.

Tất cả kỳ vọng còn lại, ba má đều đặt cược hết vào tôi.

Cái ngày tôi thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất nhì của thành phố, không khí ở nhà còn vui hơn cả tết. Tôi đăng ký thi vào ngành như mong muốn của ba má. Ngày đêm ôn luyện theo nguyện vọng của ba má. Sau cùng thì tôi ngồi ở đó, trong bàn tiệc, quây quần với khách khứa họ hàng đang tưng bừng nâng ly chia vui với gia đình vì kết quả của tôi. Nhưng tôi có thật sự ở đó hay không? Con người thật của tôi. Tiếng nói sâu thẳm bên trong tâm hồn tôi. Nó biến đâu mất rồi?

Vẫn là cơn sợ hãi đẩy tôi đi xa hơn. Tôi đang ở đâu? Tôi không biết. Trong đêm khuya tối đen này chỉ còn lại tôi bên cái màn hình laptop sáng rực vô hồn với những dòng chữ này. Ngoài kia lạnh gấp mấy lần ở Việt Nam mà tôi nhớ. Phải, tôi đang học thạc sĩ ở cách quê hương gần nửa vòng trái đất. Ngày tiễn tôi ra sân bay lên đường du học, ánh mắt ba má nhìn tôi rỡ ràng mãn nguyện trong niềm tự hào và hạnh phúc. Tôi sợ những ánh mắt ấy. Tôi sợ ánh mắt của hết thảy mọi người.

Tôi sợ sự hèn nhát của bản thân mình.

Trong lúc tôi viết những dòng chữ này thì ở bên kia trái đất, anh hai tôi đang làm chủ một cửa hàng điện thoại nho nhỏ. Đó là thành quả sau nhiều năm làm thợ của anh. Học xong lớp nghề, anh xin vào làm sửa chữa điện thoại cho một cửa hàng. Vừa làm vừa học hỏi nâng cao tay nghề và kiến thức. Số tiền lương tuy ít ỏi nhưng anh vẫn cố gắng tích cóp dần để có vốn liếng sau này tự mở tiệm. Nhiều năm làm nghề cho anh những mối quan hệ quý báu mà không phải ai cũng có được. Tuy chẳng là niềm tự hào của ba má, anh vẫn tự hào vì mình của ngày hôm nay.

Tôi không thấy tự hào về mình.

Bên trong tôi, những tiếng nói đã hoàn toàn tắt lịm. Tôi không còn khả năng nghe thấy chúng nữa. Không một chút âm thanh nào vọng vang từ đây nữa – thứ đang nằm ở giữa lồng ngực này.

Đêm qua, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết ngay trên bàn phím laptop. Tôi đã có một giấc mơ rất lạ. Ngay khi thức giấc, tôi lập tức ghi lại những dòng này để không phải quên đi sạch sẽ giấc mơ của riêng mình.

Tôi thấy anh hai đứng đó: là một đứa trẻ của hơn hai mươi năm về trước. Anh cười tươi hết cỡ như chưa từng gánh chịu bất kỳ áp lực nào. Anh nắm tay tôi. Hai anh em tung tăng khắp xóm cùng đám bạn giữa trưa hè nóng bức. Mồ hôi chúng tôi túa ra như tắm nhưng chẳng đứa nào biết mệt. Mải mê với đủ thể loại trò chơi chúng tôi có thể nghĩ được trong đầu, thời gian như không còn ý nghĩa nữa. Tôi ở đó, cảm giác rõ rệt mình thuộc về nơi đó. Và anh hai là anh hai của tôi. Thật sự là anh hai tôi.

Không phải một người lạ sống chung nhà từ nhỏ đến lớn.

Nước mắt làm nhòe hoen khung cảnh trước mắt. Tôi thấy đầu gối mình đau rát. Tôi khóc. Rất to. Anh hai vội vã chạy lại dỗ dành. Máu. Chân tôi đang chảy máu. Sợ hãi, tôi càng khóc to hơn. Anh dìu tôi dậy rồi cõng tôi về nhà.

Giây phút đó, tôi mới cảm nhận được rõ ràng cái gọi là tình anh em. Ánh sáng của nó lấp lánh soi rọi những góc khuất tối tăm tôi thường hay giấu mình vào đó. Anh hai… Nụ cười hồn nhiên của hai anh em tôi biết tìm ở đâu, nơi đâu trong mớ ký ức mập mờ chớp tắt xa hun hút ấy?

Rùng mình. Tôi chợt cay đắng nhận ra chúng chưa từng tồn tại. Tất cả chỉ là giấc mơ, là ảo tưởng của cõi lòng tôi. Có lẽ đó là tiếng nói cuối cùng còn sót lại.

Tiếng nói yếu ớt ấp úng và run rẩy.

Tiếng gọi thân thương trìu mến tôi đã quên mất từ rất lâu ngày hôm nay ào lên vỡ òa.

Anh hai… .

7-2014

LƯU QUANG MINH

.