Sáng tác
Tình yêu của cha
Ra Tết năm nay, tôi theo cha về quê nội. Mẹ tôi cằn nhằn: “Về quê làm gì, nhà cửa đường sá nhếch nhác, thật chẳng ra giống người”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi nóng mặt: “Thế mà từ đó cha con đã sinh ra và lớn lên, bây giờ là Tổng Giám đốc, khối cô chạy theo đấy nhá”. Mẹ quắc mắt. Cha nắm tay tôi kéo lên tầng thượng, ông nói: “Kệ mẹ con, từ nhỏ đến giờ, đã bao giờ mẹ con sống quá hai ngày ở quê đâu”. Tôi im lặng. Là sinh viên khoa Văn Đại học Quốc gia, nên tôi rất hiểu tấm lòng của cha. Ông vất vả từ bé. Tôi không hiểu thời còn thơ bé, ông sống như thế nào? Những ngày đã lớn lên, tôi luôn thấy ông trầm lặng. Mẹ cằn nhằn suốt: “Nhà như không có người, số tôi khổ nên phải lấy ông”. Nhiều lần tôi toan cãi lại mẹ, cha thường can ngăn: “Đừng con, cha mang ơn mẹ con nhiều”. Cha mang ơn mẹ như thế nào? Tôi hỏi. Cha im lặng như nghĩ suy, phải lâu lắm ông mới trả lời: “Lúc nào đó, con về quê cùng cha, rồi sẽ hiểu”. Có phải về quê lần này, ông bảo tôi cùng đi để “sẽ hiểu” về ông mà không cần nói thêm một lời nào nữa.
Hai cha con chuẩn bị đồ đạc, mẹ toan gọi điện thoại để gọi chú lái xe, cha can ngăn: “Cha con tôi đi xe máy”. Mẹ nguýt dài buông thõng: “Hâm”. Hình như cha không để ý đến thái độ của mẹ, nét mặt ông rạng rỡ như những ngày ông thành công với công việc ở nhà máy. Ông bận áo bốn túi, quần kaki màu xanh nhạt. Bộ complê cha mặc thường ngày đến công sở được mẹ là phẳng li đem ra lại bị cha treo lên móc áo. Tôi đẩy xe máy ra ngõ, cha bảo: “Để đó cho cha”. Nom ông hôm nay thật khỏe mạnh và nhanh nhẹn.
Tôi ngồi phía sau ông, ôm chiếc ba lô đựng những thứ quà bánh, thuốc men cho người ở quê. Đi xe máy mới biết cha còn tháo vát, tinh anh (hay là cha cố gắng). Xe máy chạy nhanh, qua đường sá của thành phố, đã bắt đầu lăn bánh trên con đường đồng quê, cha tháo mũ bảo hiểm đưa cho tôi. Mái tóc đã điểm bạc của ông bay lật phía sau theo chiều gió, gương mặt ông hớn hở trẻ trung và trong sáng đến vô cùng. Điều mà từ trước tới nay chưa bao giờ tôi bắt gặp được ở nơi ông. Tiếng ông hát khe khẽ trong làn gió mơn man của đồng lúa: “Tôi đã yêu người con gái ấy vô cùng. Tôi đã yêu người con gái ấy em ơi...”. Tôi mỉm cười trêu cha: “Bây giờ con đã hiểu vì sao cha vui vẻ như thế khi về quê”. Cha cũng cười nói: “Con đã hiểu, nhưng chưa đủ”.
Đã về đến làng quê, người đi đón cha duy nhất mỗi ông Hoan. Ông Hoan là bạn thân chăn trâu của cha từ thuở nhỏ. Cha tôi bảo: Ngày xưa, ông Hoan nghịch ngợm nhất trong đám trẻ và mê các loại sách miêu tả những trận đánh nhau, ông ấy đã lừa cha tôi ngồi trên lưng trâu, rồi đánh cho trâu lồng lên, khiến cha tôi ngã nhào xuống đất, mất cả chiếc răng cửa. Cha tôi kể rồi cười, tôi cũng cười vì chiếc răng cửa của ông bịt vàng lấp lánh, thế mà từ trước tới nay tôi cứ tưởng là do ông đi chiến trường.
Tôi cùng cha đi thắp hương cho ông bà tổ tiên. Dọc đường đi nơi chân núi, những đám sim, mua mọc lúp xúp nở hoa tím với những đàn bướm trắng bay rập rờn. Trong khu lăng mộ của dòng họ, hai cây đại to lớn đang nở hoa trắng muốt, tỏa mùi hương nồng nàn ấm cúng. Không khí tĩnh lặng, gió thổi bay nhè nhẹ, mùi hương khói phảng phất theo gió. Cả cánh đồng quê vừa đi qua cái Tết nên vắng lặng đến xao xuyến lòng. Lác đác có vài ông già dắt những con bò cắm cúi gặm cỏ theo bờ ruộng, chắc là bị giam hãm trong những ngày Tết. Cha đứng thẳng người, đưa tay vuốt tóc thở dài, mắt nhìn nơi xa, ông nói mà không cười chút nào: “Được nằm nơi đây cũng sướng”. Tôi nói: “Cha nói gì lạ vậy?”. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi: “Điều ấy có gì là lạ đâu con”.
Tôi và cha ở nhà ông Hoan, bởi thực ra bên nội nhà tôi nơi làng quê có còn ai. Cha về cũng chỉ là thắp hương cho ông bà và những người cùng họ, thời gian còn lại ông thăm thú bạn bè với kỷ niệm ngày xưa.
Nhà ông Hoan nằm chìm trong một vườn cây với đầy đủ các loài: Mít, na, ổi, táo, chanh, thị... Đúng là một khu vườn tạp không theo quy củ, cây nào mạnh thì vươn lên lấn át cây yếu. Dù vậy, trong vườn suốt bốn mùa vẫn đều có hoa quả chín, mùi hương thơm bốn mùa đã kéo theo cả chim chóc, ruồi muỗi, sâu và các loài côn trùng khác. Đặc biệt, cũng từ vườn cây này đã hấp dẫn lôi kéo hết cả bọn trẻ trong xóm nhỏ. Đó là vào mùa gió bấc, từng đàn cò kéo về đậu trắng xóa cả vườn cây, cha kể những ngày mưa phùn giá lạnh, vậy mà vẫn có một nhóm trẻ tai quái không hề bỏ một buổi sáng mai nào để đi săn lùng chim quốc.
Ông Hoan có vẻ yêu lũ trẻ, hay gọi chúng lại để cho hoa quả chín, nhưng nghiêm khắc. Có lẽ vì thế chúng đâm ra e ngại và sợ, mặc dù chúng thích vườn cây của ông. Trái ngược với cha tôi luôn mặc đồ tây, ông Hoan lúc nào cũng mặc đồ bà ba lúc nâu, lúc đen, đã thế lại còn đi bằng guốc gỗ kêu lộc cộc. Ông thường đeo kính to sù khi xem sách vở. Tủ sách của ông cao lên tận trần nhà đã lên màu đen bóng. Toàn là những “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Đông chu liệt quốc”, “Hồng lâu mộng”... Cha tôi cũng thích tủ sách của ông. Hai người thường đàm đạo về sách vở. Ông Hoan nói sau một lát dán mắt vào những quyển sách đã cũ mục:
- Đọc hết sách rồi, chỉ có hai trận đánh đáng để ý: Xích bích và Oa-téc-lô(1).
- Thế cuốn “Những người khốn khổ” đâu rồi? Ngày xưa cậu mê lắm mà.
- Quyển đó hay, nhưng văn yếu ớt lắm, tớ cho rồi.
- Cho ai?
- Cho Hải “đen”.
Hải “đen”?. Theo lời cha tôi: Đó là một người bạn gái từ nhỏ, cùng chăn bò cắt cỏ với nhau trên đồng quê, cùng đi học chia sẻ nhau từ quyển sách, cùng say mê đọc sách, thậm chí nhường nhau chiếc áo ấm vào mùa đông.
- Hải “đen” vất vả nhưng không khổ đâu. Nó có người chồng rất tốt - Ông Hoan nói.
- Hải sống như thế nào? - Cha tôi hỏi.
Ông Hoan không trả lời cha tôi mà kể: Ngày cha tôi bỏ học, viết đơn tình nguyện vào quân ngũ, rồi đi chiến trường và bặt luôn tin từ ấy làm hai người đàn bà buồn rầu vì cha. Bà nội tôi dường như không đủ sức để chịu đựng sự lo âu khắc khoải, đã qua đời khi mười mấy năm chờ đợi vẫn không tin tức gì về cha.
- Còn Hải “đen”?
- Mày thật là con người tồi, hứa hẹn gì với người ta nhiều thế, rồi lại quên sạch. Hải “đen” buồn nhưng không nói gì, khi biết tin mày còn sống, và đã lấy vợ ở thành phố.
Cha tôi ngồi im lặng một cách khó hiểu, lâu lắm ông mới nói:
- Rồi Hoan sẽ hiểu cho tôi.
Buổi chiều hôm đó, tôi cùng cha và ông Hoan đi thăm một người đàn bà trên dưới tuổi năm mươi, dáng người nhỏ bé, da đen, tóc lốm đốm, đôi mắt đen, sâu. Bà không vui, không buồn khi thấy chúng tôi. Tiếng nói đều đều điềm đạm, hình như mọi biến cố ở cuộc đời bà đã trải qua.
- Bao năm rồi, Hải sống như thế nào? - Cha tôi hỏi.
- Vẫn như ngày xưa thôi, con người thì già đi theo thời gian.
Chỉ hỏi nhau có thế rồi im lặng. Tôi và ông Hoan bỏ ra ngoài nhìn vẩn vơ. Tiếng chim sâu chẽo choẹt trên rặng xoan đang nở hoa trắng rơi lấm tấm đầy sân. Mùi hoa bưởi dịu thơm. Tiếng gà mái tục tác ầm ĩ. Một người đàn ông trên năm mươi tuổi, da đen, khuôn mặt phúc hậu, lấm lem bùn đất đang vác cày và xách xâu cá đi vào nhà. Ông Hoan khẽ bảo tôi: “Chồng bà Hải đấy”, rồi nói to:
- Chào chú Trí.
- À, anh Hoan, chiều nay có việc gì lại sang nhà tôi thế?
- Chú có khách mới đấy - Ông Hoan cười.
Ông Trí nhìn tôi ngỡ ngàng, tôi hơi cúi đầu chào nhỏ “chào chú”. Ông Trí rửa nhanh chân tay rồi đi vào nhà cùng ông Hoan. Một mình tôi đứng ngoài sân bâng khuâng với mùi hoa bưởi. Tiếng người trò chuyện trong nhà rì rầm mỗi lúc một to hơn, ấm cúng. Dáng ông Trí tất tả chạy vào, chạy ra với đĩa lạc rang, ấm nước nấu vội. Tiếng điếu cày rít lên sòng sọc, khói mù mịt.
Chiều tà, cha tôi cùng ông Hoan đứng lên từ biệt. Ông Trí với nụ cười mến khách và lời mời chân thành: “Ở lại ăn cơm cùng gia đình”. Ông Hoan đành cảm ơn và xin lỗi, hẹn vào một dịp khác. Người đàn bà có tên là Hải “đen” lại không nói gì, cha tôi cũng không nói gì thêm. Chỉ một lần duy nhất tôi thấy cha tôi nói với bà Hải “đen” khi tiễn mọi người ra đến ngõ:
- Em nhớ chứ?
- Em sẽ nhớ, vâng - Bà Hải nói nho nhỏ.
Bà Hải sẽ nhớ điều gì với cha tôi? Điều ấy tôi không biết được, cũng không nên tò mò vào chuyện riêng của người khác. Chỉ thấy cha tôi vui hơn, nói, hát trên đường trở về thành phố.
Mùa hè năm nay, tôi tình nguyện làm người sưu tầm văn học dân gian ở miền núi Tây Bắc. Hôm lên đường, cha tôi cứ hỏi đi hỏi lại:
- Con đi có lâu không?
- Ơ kìa cha, con nói mãi rồi, lâu hay mau còn tùy thuộc vào công việc của mỗi người. Mùa hè kéo dài tới những ba tháng mà cha.
Cha tôi không nói gì nữa, chỉ thở dài, rồi ông thu xếp quần áo và những gì cần thiết cho người đi xa và cứ dặn:
- Con ở vùng đất nào, báo địa chỉ cho cha. Nhớ giữ gìn sức khỏe.
Những ngày ở nơi sâu, nơi xa, tuy có vất vả về nơi ăn chốn ở, nhưng mà vui. Các ông già, bà già sẵn sàng hát những điệu ví, lời ru, hay các câu dân ca của người dân tộc khi chúng tôi yêu cầu. Các em nhỏ luôn làm liên lạc vui vẻ dẫn đường đưa chúng tôi đi từ bản này sang bản khác, mặc dù phải trèo đèo, lội suối, hoặc đi cả đêm hôm sương gió, vẫn không kêu ca, phàn nàn, không đòi hỏi. Tình cảm trong sáng vô ngần của đồng bào nơi sâu xa khiến chúng tôi thấy ấm lòng hơn, và hầu như quên đi ngày phải trở lại trường, thì đột ngột tôi nhận được điện khẩn của mẹ: “Con trở về, có việc gấp”. Việc gì? Tôi không đoán ra nổi.
Ở nơi xa xôi, hầu như không có điện thoại. Đến bức điện khẩn cũng phải mất ba, bốn ngày mới tới nơi. Tôi vội vàng cùng bạn bè lưu luyến chia tay với những người dân, em nhỏ nơi bản làng vùng cao, rồi tất cả đi bộ suốt đêm để ra đường lớn. Khi bắt gặp ô-tô, lại nhờ được về xuôi, mắt đứa nào cũng sáng rực lên như bắt được vàng.
Ơ kìa, sao nhà tôi lại đông người thế này? Ai cũng im lặng và rẽ lối cho tôi vào nhà một cách khẽ khàng và im lặng. Tại sao thế? Mẹ tôi đâu? Tôi lao vào nhà hớt hải, có nhiều người đang vây quanh giường nằm của cha tôi. Nhiều tiếng thì thầm xung quanh lọt vào tai tôi: “Đã biến chứng”, “Di căn khắp cơ thể rồi”. À, thì ra cha tôi mang căn bệnh ung thư. Tại sao bây giờ tôi mới biết? Hay là cha tôi cố tình không cho tôi biết. Còn mẹ? Mẹ có biết trước không? Sao mẹ lại khóc? Xung quanh mẹ còn bao nhiêu người nữa cơ mà. Mẹ nức nở vào tai tôi:
- Có thể cha con sẽ không qua được đêm nay đâu? Con đọc cái này đi.
Mẹ đưa cho tôi tờ giấy kẻ ô, dày đặc chữ của cha:
“Con yêu thương!
Cha yêu con, yêu con đến vô cùng, cũng vì tình yêu của cha đối với con lớn lắm con không thể hình dung nổi đâu, nên có một sự thật cha luôn dằn vặt che giấu không muốn nói ra vì sợ mất con: Con không cùng huyết thống của cha. Con là con đẻ của mẹ con. Còn cha đẻ của con là ai thì cha cũng không biết. Con thử hỏi mẹ con xem?
Cha vốn mang chất độc từ chiến trường trở về, với căn bệnh quái ác làm sao đem tương lai và hạnh phúc cho người khác được. Cha vẫn tin là cô Hải “đen” sẽ hiểu vì sao cha không trở về quê theo lời hẹn ước. Cô Hải sẽ có mặt ở nhà ta để đưa thi hài cha về quê an táng, đó là ước nguyện cuối cùng của cha. Chắc là mẹ con cũng sẽ đồng ý với cha phải không con? Còn tài sản nhà ta, tùy mẹ con phân xử. Mong con thành người tốt, tự quyết định lấy số phận của mình trên đường đời.
Vĩnh biệt con”.
ĐÀM QUỲNH NGỌC
(1): Xích Bích: Một trận đánh lớn trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.
(2) Oa-téc-lô: Một trận đánh lớn trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Vitor Hugo.