Sáng tác
Câu đồng dao bỏ lửng
Khi chúng tôi còn nhỏ, mùa hạ thường trở về với niềm háo hức khôn tả. Ấy cũng bởi tiết trời mát mẻ và những đêm trăng sáng luôn là thời điểm thích hợp để cả đám tụ tập bày trò chơi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thời ấy, miệng đứa nào cũng bi bô những bài vè vui vẻ, chơi trò gì cũng gắn với đồng dao. Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng, quen thuộc với trẻ em các vùng miền, chỉ khác nhau ở một số từ ngữ địa phương.
Các bài đồng dao chẳng có trong cuốn sách nào, cô giáo cũng không dạy nhưng đám con nít thuộc một cách tự nhiên, hệt như leo lên lưng trâu là biết cưỡi trâu, như người quê cúi mặt xuống đồng là biết gặt lúa.
Đám cưới bên nhà, tôi và thằng Dỏ ngồi cạnh gốc khế, miệng nghêu ngao:
Cô dâu chú rể
Mần bể bình bông
Cô dâu ngồi khóc
Chú rể ngồi cười.
Hai đứa ngoác miệng đọc cả buổi làm người lớn cũng vui lây. Những bài đồng dao ngắn gọn phản ánh sự vật, sự việc giản đơn nhưng chẳng hiểu sao có sức hấp dẫn đối với đám con nít chúng tôi ngày ấy.
Trong xóm có thằng Tí và bài đồng dao về thằng Tí chẳng biết từ đâu mà có tự nhiên trên đời, như thể để chờ đọc chơi cho những ai tên Tí.
Thằng cu Tí đi chăn trâu
Thấy bãi dâu về đau bụng
Cha nó đánh mẹ nó la
Mời công an về giải quyết
Tôi không biết chuyện gia đình.
Có thế thôi mà chẳng hiểu sao khi cả bọn đồng thanh đọc là thằng Tí xách dép rượt. Đám bị đuổi vừa chạy phía trước vừa cười, đứa đòi theo sau thì gào khóc, cứ trăm lần như một. Thậm chí Tí về nhà lăn đùng đòi mẹ đổi tên. Thế rồi, giận đâu một hai buổi là hết.
Bữa sau lại thấy nó thập thò, chạy ra chơi trốn tìm với cả bọn. Lũ chúng tôi ngày ấy rất nghịch, mỗi lần chơi, cái đứa đi tìm phải chạy khắp xóm mới tìm ra đám bạn. Có đứa trốn sau giếng nước, có đứa leo lên cây khế, có đứa nhảy lên đụn rơm. Lại còn bày trò đổi áo cho nhau khiến bạn đi tìm hô nhầm tên. Nhớ nhất là những lần trốn sau đống rơm và ngủ quên lúc nào không biết.
Những đêm trăng sáng, chúng tôi í ới nhau tụ tập bên sân nhà thằng Mùi để chơi rồng rắn lên mây. Lại bắt đầu hồ hởi, cười vang:
Rồng rắn lên mây
Cỏ cây lúc lắc
Hỏi thăm ông thầy
Có nhà hay không?
Đọc xong, cả bọn túm nhau rượt đuổi cười đùa đến rách áo. Nhiều khi tự hỏi, nụ cười ngày ấy sao còn vang đến tận bây giờ hay bởi nó trong veo hồn nhiên quá đỗi.
Những buổi trưa hè oi ả, tôi và cậu em trai trốn ba mẹ ra đường nhặt sỏi về chơi “ô làng” (tức trò ô ăn quan). Hai chị em lót dép ngồi bệt xuống sân, vừa chơi vừa cãi cọ đến lúc đứa kia giận dỗi bỏ vào nhà. Đứng bên này nhìn qua nhà thằng Dỏ, thấy anh em nó cầm chổi rượt nhau mà phì cười, hẳn thằng Út lại chơi ăn gian gì đó. Chiều mát mẻ, cả đám kéo nhau sang nhà con Ty trèo lên cây trứng cá, ngồi vắt vẻo hái trái ăn, miệng nói huyên thuyên những chuyện bất tận sau này.
Trẻ con bây giờ khôn hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Cái gì cũng rành rọt, biết chữ, biết phép toán khi chưa vào lớp một. Hình ảnh thường thấy là mắt đứa nào cũng dán vào màn hình điện thoại, máy tính, tay lướt trên bàn phím để chơi những trò chơi điện tử hoặc xem phim.
Câu đồng dao đột nhiên bị bỏ lửng giữa chừng bởi chẳng còn phù hợp. Trẻ con bây giờ không biết dùng đồng dao để chơi đùa cùng bạn, mỗi đứa bị thu hẹp trong thế giới đáng ra là rộng lớn của mình. Tiếng cười theo những thắng thua của trò chơi trên màn hình nhấp nháy sáng.
Tôi ước có thể đưa tay nắm níu tuổi thơ trong veo của ngày xưa, để những bài đồng dao chẳng phải bỏ lửng mà còn lưu giữ đến tận bây giờ. Để đêm về, nằm gác tay lên trán là nghe tiếng ếch đồng rả rích, tiếng dế gáy rền trong đêm và những ánh đom đóm lập lòe, chấp chới trước mặt cánh đồng yên ả. Thấy mình trôi trong tuổi thơ êm đềm, tay đong đưa cùng cô em gái rồi đồng thanh cất lên bài ca cầu vồng:
Lộn cầu vồng
Như sông nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười hai
Hai chị em ta
Ra lộn cầu vồng…
DIỆU ÁI