Sáng tác
Bến quê
Một chiếc Ferrari màu đỏ đỗ xịch trước cổng chợ. Xuống xe là một người đàn ông cao lớn. Anh ta vòng ra phía đằng sau mở cửa xe cho một người đàn bà bước xuống. Chết thật! Ai như anh Thi. Hai người đi băng qua chợ để xuống bến đò ngang.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Người phụ nữ cúi xuống mua mấy cân hoa quả trước đình chợ. Họ đang đi về phía bàn muối và nước mắm của Lượng. Lượng luống cuống đứng dậy. Cô giật lùi chạy trốn.
Thuở chăn trâu Lượng và Thi thường đi dọc bờ đê tìm những bông gà chọi. Lượng cho Thi những “con gà” to nhất, dai nhất để “vặt đứt cái cổ gà của bọn thằng Phiệt, thằng Phan ở xóm dưới”. Lớn lên chút nữa Lượng theo Thi cùng chúng bạn xuống tắm dưới bến sông. Bên kia sông là bến đò chợ, chưa đến nửa cây số nhưng trong làng có ai dám bơi qua. Chỉ có bọn con trai mới dám cưỡi trâu ra giữa cồn Si bẻ trộm ngô hợp tác. Chúng vơ củi nè đốt lên một đống lửa thật to cho bọn con gái nướng ngô. Vừa ăn vừa thổi, mặt đứa nào đứa nấy đầy nhọ.
Mùa thả đồng, cả đàn trâu thong dong gặm cỏ và lúa chét cho đến khi bụng tròn căng rồi mới xuống đầm mình dưới nước. Mấy đứa con trai còn trèo lên những cây bần cao, rồi như phi công nhảy dù tung mình xuống giữa dòng sông. Có đứa còn nhào lộn một vòng trên không trung như người làm xiếc. Nhiều buổi Thi ở lại coi trâu cho Lượng về nhà ăn cơm trước. Cậu bé ngồi một mình suy nghĩ vẩn vơ. Những con sóng xôn xao. Những con trâu nằm thở phì phì, lim dim hai con mắt cho đàn cá đối rỉa lông. Những chuyến đò ngang chở khách sang sông. Họ từ làng Thượng về làng Cồn thu mua tỏi ớt.
Ngày Thi lên học cấp 3 trên huyện, Lượng ở nhà làm bí thư chi đoàn thanh niên. Cô là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, thường xuyên đi tập huấn về hướng dẫn lại cho bà con. Cô phụ trách đội kỹ thuật nhân bèo hoa dâu và làm ruộng thí nghiệm các giống lúa tăng sản.
Qua tuổi dậy thì, cô làm cho lũ trai làng chết mê chết mệt. Ông bố của Lượng rất biết điều đó. Con gái ông nổi lên như một đóa hoa rực rỡ nhất làng. Và ông đã nhận lời ông chủ tịch xã. Ấy thế mà đêm qua cái Lượng vẫn trốn nhà đi chơi với thằng Thi đến gần sáng mới về. Ông đã trói con bé lại đánh cho một trận và cấm tiệt không được đi đâu.
Ông tuyên bố: “Từ nay trở đi thằng Thi không được bén mảng đến nhà ông. Ông là ông cấm cửa. Con ông là phải gả cho con nhà có danh giá. Nó không thể lấy con của một người đàn bà góa tầm thường”. Ờ mà ngày mai thằng Thi lên đường đi bộ đội. Chắc đêm nay chúng nó cũng hẹn hò. Ông mắc võng chặn trước cửa buồng không cho con bé đi đâu. Ông chủ tịch đã giấu béng cái giấy báo đại học của thằng Thi đi rồi. Ông ấy nói với ông: “Đất nước cần người đánh giặc trước tiên cái đã. Giải phóng xong miền Nam, tha hồ mà học”.
Có một tiếng cạch ở chốt cửa sau. Ông nhổm dậy. Cái Lượng rón rén đi ra ngoài sân.
- Này! Cái Lượng, mày đi đâu đấy. Vào ngay! Tao biết mày đi đâu rồi đấy. Cửa chính không đi lại lẻn đi cửa bếp.
Ông bật dậy ra đứng dạng hai chân giữa sân, tay chống nạnh, mặt hằm hằm. Ngoài trời, pháo sáng địch vẫn giăng đầy. Tiếng bom, tiếng đạn pháo, tiếng rú rít của máy bay địch từ bến phà Gianh vọng lại…
Thi được biên chế vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Vào những tháng cuối năm 1972, trung đoàn anh đã thiết lập được 3 cụm chốt liên hoàn ở Tích Tường - Như Lệ. Tích Tường và Như Lệ là hai làng lớn thuộc xã Hải Lệ, tựa lưng vào sông Thạch Hãn, có cầu khe Như Lệ dài gần 10 mét.
Lúc này Lữ đoàn dù 2 của ngụy Sài Gòn đang chiếm giữ toàn bộ dãy đồi cao Gia Long - La Vang. Tên tướng dù Dư Quốc Đống đã chỉ thị cho bọn lính dù bằng bất cứ giá nào cũng phải đẩy được lực lượng của ta ra khỏi hai làng này trước khi Hiệp định Paris được ký kết.
5 giờ 30 phút ngày 19 tháng 9, pháo binh địch bắn dữ dội, nhằm che lấp tiếng động cơ của xe tăng để đánh vào đồi Cây Dừa. Đây là một chốt phụ của ta nhưng chúng không tài nào chiếm được. Mấy lần tiến vào đều bị đánh bật ra. Một chiếc xe tăng bị bắn lật tháp pháo buộc chúng phải tháo chạy.
Hai giờ chiều, chúng lại cho máy bay đến oanh tạc vào trận địa. Chắc chắn là bọn địch sẽ lợi dụng khói bom để đưa xe tăng áp sát vào chốt đây. Tương kế tựu kế, tiểu đoàn đã điều một phân đội từ trận địa dự bị lao lên dưới khói bom ra phía trước chốt phụ đón lõng phục kích địch. Những tên lính dù lò dò đi sau xe tăng, mặt mũi đứa nào cũng xám ngoét.
Chờ cho chúng lọt vào ổ phục kích, Thi đứng thẳng dậy phóng một quả B.40 vào chiếc đi đầu và bồi tiếp một băng AK về bọn bộ binh phía sau. Các chiến sĩ ào lên, ném lựu đạn, quét AK, trung liên vào giữa đội hình quân địch. Khi bọn chúng chưa kịp hoàn hồn, hỏa lực súng cối trên chốt đã kịp thời bắn xuống yểm trợ cho phân đội phục kích rút lui. Lúc này máy bay địch bắt đầu ném bom dữ dội xuống khu đồi. Một tiếng nổ long trời. Quả bom tung Thi lên khỏi mặt đất, anh rơi xuống giữa bụi hoa mua…
Không biết Thi nằm như thế bao lâu. Tỉnh dậy anh thấy trên bầu trời đầy sao. Mùi khói bom, thuốc súng nồng nặc. Nghe tanh tưởi mùi máu tươi từ các xác chết. Súng vẫn nổ loạn xạ khắp mặt trận. Anh bỗng nhớ mẹ quay quắt. Anh nhớ giọng đò đưa của mẹ ru anh từ tấm bé. Tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè. Anh nhớ mẹ cùng anh chèo đò đi bẻ lá nón, chặt dang xuống bán dưới chợ Đồn. Và Lượng.
Bây giờ em ở nơi đâu. Chắc em đã lấy chồng. Anh vẫn không sao quên được cái đêm hôm ấy. Vừa giận vừa thương vừa đau đớn, tủi nhục. Giá như gia đình anh không quá nghèo. Giá như anh còn có bố. Đêm ấy, ăn cơm xong anh đã ra đứng đợi em ở ngoài đê. Con sông quê đêm hè mát rượi. Những con sóng lao xao ì oạp vỗ vào bờ. Một mảnh trăng non gầy guộc treo lơ lững cuối chân trời. Rặng bần ven sông vẫn rì rào ca hát. Em nói về nhà suy nghĩ lời cầu hôn của anh, hôm sau sẽ trả lời. Thế mà hôm sau đợi mãi vẫn không thấy. Thế là em đã chấp nhận lấy con ông chủ tịch. Anh không trách em đâu.
Em không nỡ nói với anh những lời cay đắng phũ phàng. Em không muốn đau lòng người ngày mai ra trận…
Đến gần sáng, hai chiến sĩ mới tìm được Thi. Họ thay nhau cõng Thi về tuyến sau. Đơn vị anh tiếp tục giữ vững trận địa ở Tích Tường, Như Lệ cho đến tháng 11. Lợi dụng trận mưa lớn, nước sông Thạch Hãn dâng cao, địch đã trút xuống trận địa ta hàng trăm tấn bom đạn để phá hủy công sự. Chúng nghĩ hầm hào ta đã sạt lở hết liền thay đổi chiến thuật.
Sau các loạt bom và pháo, xe tăng trên các đồi cao bắn xuống, bọn chúng chia nhỏ ra nhiều mũi cấp trung đội lấn sâu vào các chốt của ta. Các trận địa lấn dũi của chúng đều bị các chốt bí mật tập kích, bắn tỉa tiêu hao. Có ngày hàng trăm tên phải bỏ mạng. Dư Quốc Đống phải vơ vét lính bổ sung cho Lữ đoàn dù 2 nhưng quân số chúng vẫn thiếu hụt nghiêm trọng. Cuối tháng 11, Lữ đoàn dù 2 bỏ cuộc tiến công, lui về phòng thủ.
Hiệp định Paris được ký kết. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, Mỹ - Thiệu vẫn tung ra một lữ đoàn đặc nhiệm, ồ ạt đánh vào vùng giải phóng ở Cửa Việt. Sư đoàn cho anh ra Bắc an dưỡng, nhưng anh kiên quyết xin ở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tiếp đến chiến tranh biên giới Tây Nam. Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, anh mới về thăm nhà.
Anh đi bộ một mạch về bến đò ngang. Chuyến đò trưa vắng ngắt. Bác lái đò mắc võng dưới hai gốc bần nằm ngủ. Chợ đã họp lại trên nền đất cũ. Mấy ngôi lều tranh xao xác gió. Những năm chiến tranh, người dân trong xã anh không đến đây họp chợ. Họ mua mắm muối của mấy người đàn bà dưới Thanh Khê lên bán hàng rong. Anh đặt ba lô trên bờ rồi nhảy xuống dòng sông tắm mát. Anh sải tay bơi ra giữa cồn Si. Sóng khỏa vào mặt anh mặn chát. Anh úp mặt vào sông và lặn một hơi dài. Những con sóng lăn tăn giữa dòng sông lấp lóa nắng. Bên kia sông là làng Cồn của anh, nơi anh đã từng cưỡi trâu sang đây bẻ ngô hợp tác.
Anh bơi trở lại vào bờ đã thấy bác lái đò đứng tần ngần bên chiếc ba lô:
- Chú đi về đâu? Sao tôi thấy chú giống với một người bên làng Cồn.
- Bác không nhận ra cháu ư? Cháu là thằng Thi con bà Nguyệt.
- Trời ơi! Thằng Thi. Thế mà người ta nói cháu đã chết rồi. Xã đã tổ chức truy điệu cho cháu. Hôm nhận giấy báo tử, mẹ cháu phải đi cấp cứu bên trạm xá…
Đợi mãi chẳng thấy anh về. Miền Nam giải phóng, người ta đi ngược, về xuôi mà anh vẫn bặt vô âm tín. Bố Lượng nói: “May phúc mà tao ngăn cản kịp thời. Nếu không bây giờ con Lượng đã góa bụa rồi”. Con ông chủ tịch về nước với một thùng hàng, bốn chiếc xe máy Sim-sơn. Lễ hỏi xong anh ta đòi ăn nằm với Lượng mà chẳng chịu cưới. Về sau Lượng mới biết gã sở khanh ấy có vợ con bên Đức.
Rồi một ngày, Lượng nhận lời anh thợ mộc bên làng Thượng. Một chuyến đò ngang của hợp tác đưa tiễn Lượng sang sông. Chẳng có xe hoa và không có cả tiếng pháo mừng. Mẹ đứng trên bến đò giơ tay quệt nước mắt. Mấy năm bão lụt liên miên, người làng phải lên rừng chặt củi, hay xuống sông cào chắt chắt để bán. Đã có bao người bỏ làng, bỏ nước trào đi. Về làng Thượng dù sao cũng có nước cấy cày, có củ khoai hạt lúa mà ăn. Mẹ thương thằng con rể chân chỉ hạt bột hay lam hay làm. Nhưng nó lại là kẻ hay ghen. Những kẻ đến mua giường tủ, đồ mộc thấy Lượng vui vui con mắt buông lời chòng ghẹo. Thế mà nó tưởng thật. Lúc thường thì nó thương vợ, thương con hơn ai hết. Nhưng khi có chén rượu, rượt vợ khắp làng.
Một bữa bị đuổi, Lượng định sang làng thì gặp hai vợ chồng Thi đang đứng đợi đò. Hai mươi năm rồi anh ấy vẫn trẻ như xưa. Bây giờ có phần đẫy đà hơn trước. Cô chạy lộn ngược trở lại. Trông thấy Thi, chồng Lượng cũng bẽ bàng. Anh vứt cái que xuống đất và nói: “Ta về thôi em. Chắc con trâu chúng mình nó chạy về chuồng rồi”. Hai vợ chồng lại dắt tay nhau về như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Từ đó, Lượng quyết định ra chợ bán nước mắm.
Người phụ nữ kéo tay Thi quay lại bến đò: “Bây giờ thì em không cần mua thêm bánh kẹo nữa. Em sực nhớ là mình đã mua đến mấy cân hoa quả đây rồi”.
Bến đò Chợ đã được xây lên bằng bê-tông. Làng Thi đã lên thị xã. Nhiều nhà cao tầng san sát mọc lên. Có nước sạch về đến từng nhà. Chẳng cần “ước gì sông rộng một gang”, năm sau anh sẽ về đây xây dựng một cây cầu. Dự án đã được trên chi duyệt rồi. Làm cầu xong anh sẽ đến thăm hai vợ chồng của Lượng.
Một ngọn gió mồ côi từ trên cồn cát thổi xuống ngã ba sông. Ngồi trên đò, Thi chỉ cho vợ thấy những con trâu thân thuộc của làng mình. Đàn trâu đủng đỉnh chầm chậm theo triền đê xuống đầm mình trên bến cũ.
HOÀNG MINH ĐỨC