.

Một hành trình đơn độc(*)

.

Từ câu chuyện của một người đàn ông tuổi tứ tuần, người ta soi chiếu được những khoảng lặng của đời mình trong đó. Đối với một cá nhân, hạnh phúc thực sự là gì?

Sau thành công của “Tưởng tượng và dấu vết”, “Sương mù tháng Giêng” và “Người mê”, nhà văn Uông Triều vừa cho ra đời tiểu thuyết thứ tư với nhan đề ngắn gọn nhưng mang đến cho người đọc một âm hưởng trầm buồn và sắc lạnh: Cô độc.

Chân dung kẻ độc hành

Nhân vật chính của tiểu thuyết là B, biên tập viên quyền lực làm việc trong một nhà xuất bản có tiếng tăm. Trong mắt đồng nghiệp, anh ta là một con người lập dị, cố chấp và luôn muốn làm theo ý mình. B không mảy may e sợ sếp, hay cả nể trước sự nhờ vả của những người cộng sự. Trong tâm tưởng của anh ta, chỉ có “cái tôi” đang ẩn mình trong thân xác đi mượn ở trần thế là thứ chiếm thế độc tôn.

Cuộc sống thường nhật của B là chuỗi ngày được tuần hoàn đều đặn. Ban ngày, anh sẽ đi làm, trò chuyện với chữ nghĩa. Đôi khi cảm thấy chán nản, anh tìm lại hứng khởi bằng một ly rượu hay ái tình. Là một biên tập viên, cả đời B mải miết đi tìm một “bản thảo vĩ đại”. Khi còn đi học, anh đã được nghe thầy giáo kể về một cuốn sách vĩ đại, nó là cuốn sách hay nhất trên đời và khiến người ta say đắm. B cố gắng học thật giỏi để được thầy cho xem cuốn sách đó, đến khi rời ghế nhà trường, anh vẫn chưa từng thấy nó. Cậu học trò ngang bướng khi xưa quyết tâm trở thành một biên tập viên giỏi để được đọc kiệt tác ấy một lần. Ngày B về tìm gặp thầy, ông ta đã qua đời. Cuốn sách vĩ đại ấy mãi là một ẩn số. Nó đã trở thành thứ ẩn ức trong sâu thẳm con người B. Đôi khi, nó dồn nén biên tập viên quyền lực ấy, khiến anh ta có những hành động cực đoan. B sẵn sàng đốt hết những bản thảo mà anh cho là rác rưởi, không có giá trị, dẫu đó là bản thảo của đồng nghiệp vừa mới qua đời.

Có những người chỉ biết làm bạn với chữ đôi khi hoang tưởng đến tội nghiệp. Họ cho rằng thứ mình đã viết là kiệt tác. Nhưng thực chất đó chỉ là đống chữ nghĩa ngổn ngang, làm người ta thất vọng. “Bản thảo vĩ đại” mà B vẫn ao ước không tồn tại trên đời.

Đan xen giữa hiện tại và quá khứ, chúng ta lại gặp một con người khác. Đó là Ba, một người đàn ông thất bại. Anh ta đã ly dị vợ, không có con cái và sống một mình nơi thành phố đông đúc. Sau khi cha mẹ mất, sợi dây liên kết giữa Ba và gia đình trở nên rất mong manh. Anh và người chị gái khác nhau nhiều quá. Chị hiền lành, còn Ba ngang tàng. Từ nhỏ anh đã là một đứa con trai cứng đầu, luôn chống đối người cha, việc mà mẹ anh có thể chẳng bao giờ nghĩ tới. Cha không thích Ba gắn bó với văn chương và chữ nghĩa, nhưng ông lặng lẽ cất giữ những cuốn sách mà con trai mình kỳ công biên tập.

Bản hòa tấu của tư tưởng và ngôn từ

Uông Triều là một nhà văn luôn nỗ lực sáng tạo và khao khát mang đến cho đứa con tinh thần của mình diện mạo mới. Anh không mang đến cho người đọc một câu chuyện nhiều tình tiết và kịch tính. Thay vào đó, nhà văn khiến người đọc phải suy ngẫm nhiều hơn sau khi gấp trang sách lại. Trong con chữ của Uông Triều dường như có nhiều hơn một nghĩa. Nó thôi thúc người ta kiếm tìm và cảm nhận bằng xúc cảm riêng có của cá nhân.

Qua bốn tiểu thuyết đã đến tay bạn đọc, những ai yêu quý chất văn gai góc của anh đều thấy rằng: Lối viết dòng ý thức với sự bung tỏa của nội tâm nhân vật là thế mạnh của Uông Triều. Nó như một mạch nguồn không dứt, xuyên suốt hầu hết các tác phẩm của anh, không chỉ ở tiểu thuyết mà bút pháp này còn hiện diện ở nhiều truyện ngắn. Với Uông Triều, văn chương không chỉ là nơi để kể chuyện, nó chính là “sân khấu” để người ta bộc lộ tư tưởng?

Ngoài câu chuyện về một cá nhân cố gắng vượt ra khỏi khuôn phép của một gia đình hay lời bộc bạch của một con người đi ngược lại những định kiến cố hữu của xã hội, “Cô độc” còn là câu chuyện của văn chương. Sáng tạo và sống cùng con chữ phải chăng là lựa chọn của những người lữ khách đơn độc. Câu chuyện mà một nhà văn mang đến trên trang giấy trước hết để thỏa mãn “cái tôi” cá nhân của anh ta. Vì thế, có thể nhà văn ấy sẽ bị độc giả quay lưng khi thứ mà anh ta viết, điều mà anh ta nghĩ trái ngược những gì vẫn diễn ra ngoài kia. Nhưng điều đó có hề gì, bởi viết lách trước tiên là để thỏa mãn chính mình.

Với “Cô độc”, bạn đọc sẽ thấy một chân dung khác của nhà văn Uông Triều, bay bổng và nhiều màu sắc hơn. Ở các tiểu thuyết trước, nếu dòng suy tưởng đóng vai trò chủ đạo thì ở tác phẩm này, nhà văn đã dụng công miêu tả bối cảnh và tạo nhiều bối cảnh đa dạng, để từ đó nhân vật bộc lộ nội tâm và mang đến những tác động đa chiều đến cảm xúc của người đọc. Anh là nhà văn được biết đến như một “siêu độc giả”, thế nên, chân dung của một kẻ ham đọc lại ẩn hiện trong tác phẩm mới của anh.

Quỳnh Anh

(*) Đọc Cô độc của Uông Triều, NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn thư quán ấn hành quý 4-2019.

;
;
.
.
.
.
.