.

Đất cù lao

.

Mùa gió chướng về, gió thổi như muốn dỡ cái nóc chòi dựng đỡ, gió lòn vào mọi ngõ ngách của căn chòi, quạt vào khuôn ngực rậm rạp nóng ran hơi rượu của ông già. Mát rượi. Ông già cầm ly rượu nâng lên khỏi ngực, miệng thổi khà khói thuốc:

- Ly rượu này, tao với mày uống cạn, từ nay tao nhận mày làm con. Mày phải sửa cách xưng, kêu tao bằng tía.

Tôi “dạ” rồi nâng ly rượu uống cạn. Gọi “tía”. Tiếng gọi mà mười lăm năm trời tôi không được nói. Cả dòng họ tôi, cha mẹ và mấy anh em tôi bị bọn Pôn Pốt sát hại trên cánh đồng Ba Chúc. Tôi là sinh linh duy nhất sống sót nhờ nằm ngất trong đống xác người. Tôi nằm dưới cánh tay mẹ, ngỡ như gió làm tay mẹ lạnh, ngỡ như mùi mồ hôi mẹ mặn qua một đêm đầy gió đồng mênh mông thổi. Chỉ một đêm thôi, tôi mất hết tất cả người thân. Cơn hốt hoảng đã đẩy tôi chạy xa cánh đồng ngổn ngang xác người chết trong tức tưởi. Tôi cũng tức tưởi chạy đi mà không biết phải đi về đâu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi ngã quỵ dưới thềm một ngôi nhà đóng kín cửa. Ai đó sau nhà chạy ra chỉ trỏ vào tôi và khi tôi mở mắt thì tôi đã ở một bệnh viện cách xa cánh đồng… Từ đó, tôi bắt đầu lưu lạc, rày đây mai đó khi cuộc đời bước vào tuổi mười lăm. Và tôi gặp tía ở cái trại mộc này vào một ngày nắng gắt, đó là ngày tía bị tai biến, méo miệng nằm trợn trắng trong căn chòi nhỏ ven sông. Tôi đã cõng tía chạy vào bệnh viện. Không hiểu sao lúc đó tôi lại cứu tía khi tôi và tía không họ hàng thân thích. Tôi ứng tiền bốc vác nuôi tía gần nửa tháng trong bệnh viện. Rồi tía cũng tỉnh dần, cơn tai biến qua khỏi và tía dần bình phục. Ngày tía lành bệnh hẳn, tía bắt đầu dạy tôi làm mộc. Tía thân với tôi từ đó và tía dạy cho tôi biết bao bài học của kiếp sống này.

Tôi nghe đâu nhà tía ở Cù lao Ông Chưởng. Tía cũng một thời là công tử bột, cũng có vợ, có con, nhưng đổ vỡ nên tía bỏ nhà rày đây mai đó kiếm sống bằng nghề mộc mà tía học lóm được lúc còn trai trẻ. Tía làm cho trại mộc này cũng gần chục năm, tôi biết tía cũng gần ấy thời gian. Trước đây khi còn đi bốc vác cho ghe gạo, tôi thường hay lân la lên chòi của tía, xin điếu thuốc, xin ca nước hay đôi khi xin tía bữa cơm. Có khi tía con ngủ chung chòi, ấm chung cái mền rách, kể nhau nghe chuyện đời. Vậy mà vui. Dạo tía gần sáu mươi, tía hay rủ tôi về quê tía. Tôi thấy lạ, tía bỏ nhà đi mấy chục năm, có bao giờ nghe tía về quê đâu, vậy mà bây giờ tía rủ tôi về nơi ấy. Tía ngồi đăm chiêu, chắc suy nghĩ lắm tía mới nói được: “Tao về cho tiền thằng con tao. Chắc giờ nó cũng lớn bộn rồi mầy”.

Vậy là lần đó rồi nhiều lần nữa tía và tôi về cù lao quê tía. Lạ một điều là những lần về quê, tía đội nón sùm sụp, ngồi ở một quán cóc nơi góc ngã ba đường. Tía đợi một ai đó đi qua và tía kêu người ấy lại. Tía nói với tôi: “Đây là con tao!”. Con tía là một thằng con trai, độ khoảng mười tám mười chín tuổi, đôi mắt híp và một nốt ruồi nơi yết hầu y hệt tía. Tía móc trong mấy lớp khăn ra một sấp tiền mà tía để dành mấy năm nay, đưa cho con trai. Đứa con nhận lấy, đếm kỹ càng rồi đứng dậy bỏ đi. Tía nhìn theo dáng con rớt nước mắt. Lúc về, tía nói với tôi, thằng nhỏ thay đổi quá, hồi tao với bả ly dị, nó còn nhỏ xíu, khôn ngoan lắm, chứ đâu có hất hất như bây giờ. Ông già ngồi thở dài, những hơi thở già nua buồn bã rơi xuống con đường chiều vàng giọt nắng lưa thưa.

Có lần tía kể: “Bả lấy thằng bạn tao, nhục nhã biết bao, mầy là thằng đàn ông, mầy hiểu mà. Vậy mà tao không bỏ bả, tao bỏ bả rồi con tao sống ra sao? Vậy mà bả cũng bỏ tao theo người ta, bỏ thằng nhỏ sống bơ vơ với ông bà ngoại. Hồi đầu, tao ở kế nhà ngoại nó để tiện chăm sóc nó. Nhưng hông biết ngoại nó dạy nó ra sao mà mỗi lần tao ôm nó là nó kêu tao là ông khùng rồi đẩy tao ra. Nhục nhã đã đành, con mình không nhận mình nữa thì còn gì đau bằng. Tao dặn dò anh em bè bạn trông chừng thằng nhỏ dùm. Tao bỏ xứ ra đi. Tưởng có tao khổ không, ai dè cuộc đời này còn có mầy khổ hơn tao nữa”. Tôi không cha mẹ từ hồi mười lăm tuổi, ra đời bị thiên hạ ức hiếp, đau đớn biết bao nhiêu. Gặp ai tốt tôi cũng tấp vào, bà Tư mù, ông Tánh ăn xin, ông sư cụ trong chùa…

Họ vô tư trở thành thầy đời của tôi. Hông hiểu sao tôi không đi cướp, không ngang ngược chém giết ai. Tôi biết, cha mẹ tôi chết tức tưởi, nhưng trong thâm tâm, ông bà già tôi vẫn muốn tôi nên người. Người ta đã ức hiếp tôi ra sao? Tôi biết cảm giác đau đớn ấy, nó cứ theo tôi suốt cả chuỗi ngày, và tôi không thể làm như họ để ức hiếp những người khốn khổ như tôi. Tía cũng dạy tôi như vậy, sống biết cảm giác đau của mình ra sao rồi, thì không nên làm người ta đau như vậy, sống trong cuộc đời này rồi cũng chết, mà chết sao cho mình còn sống trong cuộc đời này. Có lẽ vậy mà tía con tôi khổ, khổ mà vui biết bao nhiêu trong lòng.

Một buổi chiều, tía chạy về nhà, tía đứng nhìn tôi, nước mắt nước mũi tèm lem. Tía mếu máo nói với tôi, thôi đừng nấu cơm nữa, khăn gói về quê tía liền, thằng con tía bị té xe chết hồi trưa. Tôi chưng hửng, xách chiếc xe đạp đèo ông già chạy về hướng cù lao, hai tía con đi suốt ba mươi mấy cây số ròng không dừng lại. Tía ngồi sau lưng tôi khóc rưng rức, nước mắt ông rớt xuống như mưa. Những hình ảnh về thằng con trai tía - cũng là thằng em trai tôi ẩn hiện trong màn đêm gió chướng.

Hậu sự cho thằng con xong, tía lục ra được lá thư nó viết để trong hộc tủ, nó đề ngày gửi tía cách ngày nó mất hai hôm:

“Cha mẹ ơi!

Từ nhỏ con đã không có được tình thương của cha mẹ, con chỉ biết làm bạn với bốn góc tường, với lũ trẻ đói rách nheo nhóc ngoài xó chợ. Bạn bè thân à? Không ai chơi thiệt tình với một thằng không cha không mẹ như con đâu. Con đã trở thành một thằng hư hỏng khi không có tình thương cha mẹ. Con biết con không thể nào trở thành đứa con ngoan được nữa. Vì bây giờ con đâu còn là con nữa đâu, những cơn nghiện ngập đã cướp mất con của cha mẹ rồi. Con chỉ mong sao cha mẹ ở lại gần nhau, cùng thương yêu nhau và thương yêu em con, anh hai của con nữa, người anh không cùng dòng máu đã theo nuôi cha thay con suốt những ngày bệnh hoạn của cuộc đời. Cha mẹ ơi! Hãy vì con một lần này nha cha mẹ…!”.

Tía đưa tôi đọc lá thư, không nói gì cả, tía hút liên tục mấy điếu thuốc mà khói vẫn cứ bay đi đâu mất, không lẩn vẩn lại để che đi những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt đen sạm gió sương cuộc đời của tía tôi.

Mẹ của thằng em tôi giờ đã sa cơ, người tình bà thương đến mức bỏ tía tôi cũng đã bỏ bà sau khi tía tôi bỏ xứ ra đi. Giờ bà chẳng trông mong gì được tía tha tội, nhưng bà chỉ mong một điều, là làm sao cho đứa con gái út của tía nên người, đừng sa vào nghiện ngập như anh nó. Tôi hỏi tía tính sao, tía chỉ nói gọn: “Ừ, để tao tính”.

Ngày làm tuần một trăm ngày của em trai tôi, tía lại ngồi kề má, điều đầu tiên tía nói là, “thằng nhỏ này là con lớn của tui” - tía chỉ tay qua tôi. Má gật đầu kêu tôi lại, má nắm lấy tay tôi như muốn nói trăm ngàn lời mà không thể nào thốt lên được. Tía bắt đầu nói nhỏ, nhưng tôi và má đều nghe rõ như một lời bắt đầu cho những trận mưa đầu mùa trên cánh đồng vừa được gieo những hạt mầm yêu thương thức muộn. Tía đã nói, mình là một nhà, bà nha! – Câu nói mà những người có mặt trong gia đình mãi mãi không bao giờ quên được. Lúc ấy, những làn khói hương trên bàn thờ em tôi đọng lại, nó hóa thành đóa hoa tươi cho một ngày đoàn tụ, và hình như em tôi cũng đang cười với cả gia đình, nụ cười ấy y hệt nụ cười của thằng nhóc sáu tuổi, có hai má trắng hồng, bầu bầu và đôi mắt híp dễ thương thường ẩn hiện trong tôi bằng sự mường tượng về một đứa em trai…

LÊ QUANG TRẠNG

 

;
;
.
.
.
.
.