.

Thanh xuân màu tím

.

Rừm rừm rừm… mmm… mmm…

Tiếng động cơ máy bay vút trên bầu trời cắt ngang mạch giảng của cô. Lại là tiếng động cơ máy bay - bình thường như âm thanh của tất cả những phương tiện giao thông khác, nhưng bao lần như một lần, cô vẫn sợ cái thứ tiếng ấy. Chỉ vài giây thôi nhưng nó như bàn tay vô hình, quyền năng của một “vị đạo diễn lạnh lùng” để chiếu thật nhanh những thước phim đầy ám ảnh trong trí óc cô. Máy bay rơi, bùn đất lẫn với máu…, sự thảng thốt xé lòng…. Bất giác rùng mình, cô chợt nhận ra những khuôn mặt học sinh đang nín lặng, ngạc nhiên và lo lắng hướng ánh mắt về bục giảng. Gặng cười, “chúng ta tiếp tục nhé”, và những dòng chữ viết vội trên bảng như sự che giấu vụng về của cô khi giọt nước mắt vừa kịp lăn…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

“Nỗi buồn chiến tranh”

Giờ học bồi dưỡng chuyên văn chiều nay, cô dạy cho học sinh về tác phẩm nổi tiếng đó - một tác phẩm như chuỗi hồi ức đứt đoạn của một người lính về chiến tranh và một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu trong bom đạn. Không chỉ viết về chiến tranh, tác phẩm còn là sự chứng thực của những biến động xã hội mà người Việt Nam phải trải qua sau những năm tháng chiến đấu vì tự do. Với chiến tranh tất cả chắc chắn đều có những “nỗi buồn”, nỗi đau riêng. Và có một người con trai - một phi công ở chiến tuyến bên kia - đã để lại cho cô một chiều “thanh xuân tím” không bao giờ quên…

Ngày nào còn là một nữ sinh trung học, cô đã ước ao được trở thành một giáo viên văn học. Có lẽ cô tìm được ở những dòng thơ, câu văn, những tác phẩm ý nghĩa một sự hạnh ngộ trong tâm hồn, một sự xoa dịu, vỗ về nào đó cho nỗi lòng bớt xao xót. Cô yêu nghề, cô yêu trò, để rồi đối với nhiều thế hệ học sinh, cô không chỉ là giáo viên dạy văn, cô còn là giáo viên trên “đường đời”, “đường nghiệp”… Khi mắt, môi của những học trò đã ngoài 50 tuổi rạng rỡ cùng tiếng chào cô đầy kính trọng, đấy cũng là lúc cô thấm thía với Một Chữ Tình. Vì lẽ đó, mỗi khi hỏi, cô có cô đơn không trong cuộc sống không người đàn ông bên cạnh, không tiếng trẻ bi bô quanh nhà, cô chỉ nhẹ nhàng đáp: “Cô biết ơn tất cả những thân tình và thương tình”.

Gắn bó với nghề giáo đã hơn nửa thế kỷ, cô chưa bao giờ nguôi những trăn trở về từng trang giáo án, làm sao để môn Văn thật sự thẩm thấu vào tâm hồn học sinh chứ không chỉ dừng lại ở một thành tích hay số điểm cao nào đó. Chẳng thế mà cô luôn là một trong những thầy cô giáo tích cực nhất trong việc tham gia sửa đổi, bổ sung chương trình học phong phú, thiết thực mà gần gũi cho học sinh. Khi mới giải phóng, cô đã tình nguyện góp hết tháng lương ít ỏi của mình để nhà trường có được tiếng trống đầy âm vang, giục giã thay vì tiếng kẻng báo hiệu khô khan, chói tai từ cái vỏ đạn pháo cũ. Rồi cũng chính cô là người đã thuyết phục nhà trường về quy định đồng phục áo dài cho học sinh - theo cô là một cách để nhắc nhở và gây dựng niềm tự hào cho học sinh về tà áo truyền thống duyên dáng và ý nghĩa của dân tộc. Để mỗi chiều, khi tiếng trống tan trường vang lên, cô chầm chậm hòa ánh sắc tím trên tà áo dài của mình vào những tà áo trắng thướt tha, rộn ràng, tươi vui của học sinh tràn ngập sân trường. Mái tóc dài của cô, dù đôi chỗ đã điểm bạc nhưng vẫn thướt tha, mượt mà như ngày cô mới chuyển về trường công tác. Và có lẽ, mái tóc đó, từ buổi chiều “thanh xuân tím” đó - vẫn luôn được cô giữ ở một chiều dài nhất định với sự thẳng mượt vốn có - như một lời hẹn ước chưa bao giờ thành!

Hôm nay là buổi học cuối cùng của năm, trước khi cô và học sinh bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày. Cô háo hức lắm, chẳng phải vì sự vui tươi rộn ràng của không khí ngày Tết, mà chính là vì cô lại sắp được đi tàu - chuyến tàu đưa cô về quê - về với mạ. Công việc giảng dạy hằng ngày và cuộc sống ấm áp trong tình nghĩa thầy trò, tình đồng nghiệp, làng xóm bấy lâu nay cũng giúp cô nguôi ngoai những nỗi niềm riêng, nhưng mỗi khi trở về bên mạ, cô lại cảm thấy có lỗi vô cùng. Cô đã không cho mạ một sự an yên trong lòng về đứa con gái duy nhất, cô hiểu, lòng cô đau nhưng lòng mạ cũng đã đầy vết cắt tự bao giờ…

Người mẹ già đón cô bằng ánh mắt rưng rưng trìu mến, đôi tay gầy guộc, nhăn nheo cứ vuốt mãi mái tóc cô như ngày còn thơ bé. Căn nhà thoang thoảng mùi bồ kết mà mạ đã chuẩn bị sẵn cho cô. Mạ vừa nhai trầu móm mém, vừa trò chuyện cùng cô. Cô vẫn thầm tạ ơn trời đất đã cho mạ mạnh khỏe, minh mẫn ở cái tuổi ngoài 90, để cô vẫn được mạ yêu thương, chiều chuộng mỗi khi về thăm nhà. Đây cũng là nguồn động lực mạnh mẽ nhất để tiếp sức cho cô tiếp tục đi về phía trước và đứng vững trên đôi chân của mình.

Chiều tối trên vùng quê yên ả, xen lẫn tiếng dế kêu đều đặn như gõ nhịp nhẹ nhàng trong tâm trí là tiếng xào xạc của cây lá trong vườn. Trăng đêm nay khuyết nhưng sáng trong lạ, xa xa vài ngôi sao lấp lánh giữa bầu trời khuya. Thuở còn là một đứa trẻ, cô vẫn nhớ, mạ hay nói với cô rằng, mỗi khi nhớ về ai đó không còn hiện diện bên mình, hãy nhìn lên trời và hướng mắt đến các vì sao - một nơi huyền diệu, ẩn chứa nhiều phép màu và cầu nguyện. Trong cái khoảnh khắc tĩnh lặng này, liệu rằng trong muôn vàn vì sao nhỏ xíu, cao vời vợi kia, người con trai đó - người đã để lại một khoảng trống lớn không thể lấp đầy trong cô - có đang hiện diện và mỉm cười cùng cô?! Kể từ cái buổi chiều kinh hoàng đó, khi nghe tin báo tử, trái tim cô đã đóng chặt, thanh xuân của cô đã nhuốm một màu tím thề nguyện son sắt, thủy chung…

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.