.

Người đàn bà khóc mướn

.

Làng Phúc Vân hôm nay có đám ma. Tiếng kèn réo rắt, tiếng khóc nỉ non, ai oán khiến đêm làng quê thật não nùng. Người làng Phúc Vân cũng chẳng còn lạ với tiếng khóc đám ma cất lên từ tiếng loa của nhà có đám nhưng lần nào nghe, người ta cũng khó tránh khỏi cái cảm giác sởn da gà. Đó là tiếng khóc của cô Loan, người khóc mướn đi theo phường bát âm đã dăm bảy năm nay.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong đám tang bà Tám đầu làng, cô Loan ngồi trên chiếu hoa cùng phường bát âm gần chục người. Một gương mặt thiếu phụ có nhiều dấu hiệu tuổi tác nhưng vẫn phảng phất nét mặn mà của người đẹp một thời, một đôi mắt thẳm buồn xa xăm, một mớ tóc xổ tung tạo nên nét biểu cảm rất phù hợp với những câu hát khóc than. Cô Loan đang khóc thay cô con gái bà Tám từ miền Trung vội vã trở về khi nghe tin mẹ mất:

- Mẹ đã đi rồi... Mẹ ơi... Con đau... Con đã mất mẹ rồi... í i i... í ì hì i...

Từng lời cất lên vừa luyến láy, vừa nấc nghẹn theo điệu du xuân hòa cùng tiếng nhạc như miết, như cứa vào lòng người nghe. Cô con gái bà Tám gục đầu xuống linh cữu mẹ nấc lên từng hồi còn những người trong tang quyến lặng đi. Và kìa! Nước mắt lóng lánh lăn dài trên gương mặt cô Loan. Đa phần mọi người nghĩ rằng cô nhập vai giỏi, khóc cho người dưng mà như khóc cho mình.

Cô Loan là con gái ông giáo Tâm, nhà ở cuối làng. Cô có một người anh trai lớn hơn cô bốn tuổi. Sinh cô xong thì bà Hạ, mẹ cô qua đời vì băng huyết. Ông giáo Tâm ở vậy nuôi con. Lúc ấy ông mới ngoài ba mươi. Cả nhà ai cũng yêu thương cô, nhất là bà nội. Loan quấn quýt với bà như hình với bóng. Ai cũng bảo Loan giống bà nội. Nghe người ta nhận xét thế, ông giáo Tâm lại ngơ ngẩn buồn vì một điều gì thật mơ hồ, xa xôi.

Với Loan, bà nội là cả một thế giới ngọt ngào. Loan thích nhất những khi bà hát ru, kể chuyện, bổ cau, têm trầu. Giọng bà sao mà ngọt, tay bà sao mà khéo đến thế. Những câu hát ru, những câu chuyện kể của bà, Loan thuộc nằm lòng. Nước vối bà pha cũng thơm, hoa hồng bà trồng cũng đẹp. Loan thích mê khóm hoa hồng trắng bà trồng trước hiên nhà.

Có một buổi tối, lúc Loan khoảng mười tuổi, bố có việc xa nhà mấy ngày, anh Lâm thì sang nhà bạn chơi, Loan nằm bên bà trên tấm chiếu ngoài hiên. Ngọn đèn con trên chõng tỏa một vầng sáng nhỏ. Loan đòi bà hát ru. Bà lại hát những bài ru cũ nhưng Loan cứ nằng nặc đòi bà hát bài mới mà Loan chưa nghe bao giờ:

- Bà chỉ có những bài ấy thôi- Giọng bà trầm trầm.

- Ứ! Con không nghe những bài ấy nữa đâu! Những bài ấy con cũng hát được! Chẳng lẽ bà không còn bài nào khác à? – Loan nhõng nhẽo.

- Thôi được! con đợi bà một tí nhé!

Bà vào trong nhà một lát, lấy ra mấy thanh gỗ nhỏ, nhẵn lì rồi ngồi trên chiếu, một dáng ngồi trầm tĩnh, khoan thai. Tay bà bắt đầu gõ hai thanh gỗ vào một khúc gỗ nhỏ trước mặt. Tiếng lách cách giòn giã nổi lên. Loan sững người thích thú. Cả gương mặt và cơ thể bà như chìm vào một cõi khác. Đôi mắt bà lúc ngời lên, khi lại như phảng phất khói sương. Rồi bà cất tiếng hát. Trời ơi! Chưa bao giờ Loan được nghe một tiếng hát lạ lùng như thế:

- Hồng hồng tuyết tuyết. Mới thuở nao chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoắt có sá gì. Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu...

Từng tiếng cất lên nhấn nhá, phiêu diêu vừa lãng đãng, vừa day dứt hòa cùng tiếng phách khoan mau. Ngôi nhà gỗ trầm mặc như thức lại một giấc liêu trai xa ngái. Những đóa hồng bạch bên hiên nhà chợt lay động dâng hương. Hoa cau rụng khe khẽ ngoài sân.

Tiếng hát đã ngừng mà bà vẫn ngồi như hóa đá. Loan lay gọi bà:

- Bà ơi! Bà ơi! Bà sao thế!

- Bà không sao mà. Nào! Ngủ đi thôi con! Con không được nói với bố đấy nhé!
Giọng bà êm nhẹ như làn sương mỏng. Loan nằm gối đầu lên đùi bà, lòng vẫn không thôi cái cảm giác lạ lùng, ngỡ ngàng. Cứ thế, Loan chìm vào giấc ngủ nhưng tiếng hát, tiếng sênh còn phảng phất đâu đây. Bà thì như trở về một thời xa cũ. Trong miền ký ức của bà có một ca nương nổi danh phố Khâm Thiên bởi nhan sắc và giọng hát. Một ngày kia, bố và anh từ quê nhà lặn lội lên phố tìm chuộc cô về. Rồi ca nương ấy lấy chồng, làm lẽ một người đàn ông gia đình bề thế mấy đời độc đinh và chưa có con trai nối dõi. Bao năm qua,  người ca nương ấy đã cố chôn vùi quá vãng mà đêm nay, tiếng hát lại dâng tràn lồng ngực và khoé mắt.

Từ sau buổi tối hôm ấy, Loan thường đòi bà hát lại bài hát mà nó đã được nghe. Bà thường lảng tránh và không hát. Thỉnh thoảng, Loan lại cầm đôi đũa gõ gõ xuống thềm nhà và ấm ứ hát: hồng hồng tuyết tuyết. Ông giáo Tâm thấy thế không nói gì chỉ đưa mắt nhìn về phía mẹ. Bà nội bắt gặp ánh mắt con trai vội quay nhìn ra phía ngoài sân.

Đêm đã khuya mà cô Loan không ngủ được. Cô vừa đi khóc cho một đám ma làng bên. Người chết là một cô gái mười bảy tuổi, một gương mặt xinh đẹp và trong veo như nước suối chập chờn sau làn khói hương tỏa mờ. Người nhà nói cô gái yếu tim, đột quỵ. Dư luận xầm xì rằng cô gái tự vẫn vì gia đình ngăn cản tình yêu. Chẳng biết rõ lí do, cô Loan vẫn nghe lòng nặng trĩu và thê thiết. Cô trở dậy ra thềm ngồi cho thoáng. Trăng khuya vằng vặc sáng. Mười bảy tuổi người ta tránh sao được nông nổi và khờ dại! Cô Loan thở dài rồi nhớ lại thuở mười bảy của mình.

Ở tuổi mười bảy, Loan nổi tiếng xinh đẹp nhất làng Phúc Vân. Bao trai làng ấp ủ giấc mơ được sánh đôi cùng Loan. Cứ có hội diễn văn nghệ là trai làng lại kéo đến xem đông như nước chảy. Họ mê mẩn bởi tiếng hát chèo văn vắt mà biến ảo khôn lường. Họ đắm đuối trước cái dáng người thanh mảnh, uyển chuyển theo tiếng trống, tiếng phách, uốn mềm theo vạt áo tứ thân, theo dải lụa phơ phất buông lơi. Mỗi lúc Loan đong đưa ánh nhìn từ đôi mắt thẳm sâu biểu cảm cho câu hát trong bài Đào liễu thì bao nhiêu trái tim trai làng bấn loạn.

Ông giáo Tâm vừa hãnh diện về con gái, vừa không khỏi thắc thỏm. Đã nhiều lần ông khuyên con không tham gia vào đội văn nghệ của làng, của xã. Chẳng phải ông không có tinh thần tập thể hay khoảnh ác gì với con mà vì ông thấy sợ. Ông quá hiểu niềm đam mê nghệ thuật của Loan. Trong đôi mắt con gái, ông thấy có ngọn lửa âm ỉ nhen than từ mắt mẹ mình, một ca nương nức tiếng thuở nào. Ông chẳng bao giờ quên phút lâm chung của mẹ.

Trong những tiếng thì thào, dặn dò, bà nhắc ông nhớ chôn theo cho bà bộ sênh phách của ca nương. Ánh mắt mẹ nhìn ông vừa như cháy lên vừa như hối hận khiến lòng ông buốt nhói. Đời nghệ sĩ thì có mấy khi vui! Ông đã từng nghe người ta bàn tán về mẹ mình với những điều cũng chẳng lấy gì dễ nghe. Ông chỉ có mỗi hai người con. Chúng thiệt thòi vì sớm mất mẹ. Ông đã dành hết cuộc đời mình cho các con. Thằng Lâm thì đang học đại học Bách khoa. Như thế cũng khiến ông yên tâm phần nào. Còn cái Loan, sắp tới cũng thi đại học. Ông không lo về sức học của con mà ông lo về điều khác.

Sau mấy đêm đoàn chèo An Khánh về làng biểu diễn, người làng Phúc Vân râm ran chuyện về cô Loan con gái ông giáo Tâm:

- Cái Loan nhà ông Tâm bỏ nhà đi rồi!

- Nó mê hát quá mà ông Tâm cấm nên mới trốn nhà đi!

- Hay phải lòng anh kép nào rồi?

- Thấy bảo ông trưởng đoàn khen cô ấy hát hay và nhận vào đoàn.

- Đúng là con nhà nòi.

- Ôi dào! Xướng ca vô loài!

Ông giáo Tâm ngồi chết sững khi đọc lá thư con gái để lại. Mắt ông nhòe nhoẹt những lời từ biệt. Dòng chữ cuối khiến ông nấc lên rồi gục đầu úp mặt xuống hai bàn tay: “Con bất hiếu xin tạ tội cùng bố! Xin bố coi như con đã chết!”.

Trăng vẫn vằng vằng soi bóng cô Loan đổ dài trên thềm gạch cũ. Cô nghe môi mình mặn chát. Đã có tiếng gà xao xác xa xa.

Đêm ấy, đoàn chèo An Khánh biểu diễn tiết mục dự thi trong hội diễn. Đây là vở diễn quan trọng với tất cả thành viên. Vở diễn này đánh dấu sự xuất hiện của lứa diễn viên trẻ mà nhà hát đào tạo mấy năm nay.

Đào Huệ đứng bên cánh gà dõi theo từng lớp diễn và không khỏi hồi hộp, lo lắng. Chị được nhà hát giao cho việc đào tạo những cô đào trẻ mà đoàn tuyển chọn từ các địa phương khi lứa diễn viên như chị đã đi qua thời đỉnh cao về thanh, sắc. Vở Kim Nham có vẻ nặng ký với các diễn viên trẻ, nhất là với đào Loan, người đảm nhiệm vai Xúy Vân. Huệ đặt kỳ vọng ở Loan nhưng vẫn chưa thật yên tâm vì Loan còn trẻ, lại thuần phác quá. Những lần hướng dẫn, chị thấy Loan còn thiếu chút phá cách, nổi loạn dù Loan đã rất cố gắng. Đôi mắt đào Huệ chăm chú dõi theo nhất cử nhất động của Loan ngoài sàn diễn khi đến đoạn Xúy Vân giả dại. Lời Xúy Vân đang đay nghiến: Đau thiết thiệt van/ Than cùng bà nguyệt/ Đánh cho là liệt/ Chết mệt con đồng

Huệ thấy mỗi lời thoại được Loan lột tả cực kỳ chính xác từ giọng nói nhấn nhá đến hát vỉa, hát gọi đò, hát con gà rừng kết hợp với động tác, cử chỉ, cười khóc, than vãn, xõa tóc. Ánh mắt Loan khi trợn ngược xuôi, khi thất thần hoang hoải, khi ngây dại đến nào lòng. Huệ sững sờ băn khoăn. Sao hôm nay Loan diễn xuất thần đến thế? Huệ không còn nghĩ người ngoài sân khấu kia là Loan mà có cảm giác Xúy Vân nổi loạn, đau đớn vì bị bội bạc đã sống bằng xương bằng thịt giữa cuộc đời. Bao nhiêu uẩn ức, cay đắng của hết thảy kiếp đàn bà như ngấm vào từng tế bào của đào Loan. Huệ mừng đến ứa nước mắt. Các đào, kép trong đoàn bên cánh gà nhìn nhau mãn nguyện. Khán giả liên tục vỗ tay. Cả rạp hát sống đến tận cùng những cung bậc cảm xúc cùng nàng Xúy Vân điên dại.

Sau khi vở diễn kết thúc, đào Huệ đến tìm Loan. Cô nhìn vào mắt Loan và biết có chuyện chẳng lành. Cô nhẹ nhàng ôm Loan khẽ khàng:

- Sao vậy em? Đừng xúc động quá!

Loan gục đầu vào vai đàn chị. Đào Huệ thấy lưng áo mình nóng ấm những giọt nước mắt.

Đêm hôm ấy, Loan đã kể về đám cưới của kép Huy. Huệ và cả đoàn hát đều biết về cuộc tình của Loan và Huy từ khi Loan về đoàn đến nay. Chính Huy là người rủ Loan trốn nhà theo đoàn hát năm năm trước. Gần đây, lấy lý do chuẩn bị cho sự nghiệp của hai đứa, Huy lên phố đầu quân cho một đoàn ca múa nhạc. Huy hứa hẹn khi ổn định sẽ đón Loan lên cùng. Còn hôm nay là ngày cưới của Huy với con gái ông giám đốc đoàn ca múa nhạc. Loan khóc ngất trong vòng tay Huệ. Tự lúc nào nước mắt Huệ cũng giàn giụa. Huệ như gặp lại mình thuở chập chững vào nghề.

Cô Loan ngồi lặng trước gương ngắm mình trong diện mạo, trang phục của vai diễn Xúy Vân. Không biết chị Huệ bây giờ thế nào? Đã lâu quá rồi. Cô tự hỏi rồi ngùi ngùi xếp lại những đạo cụ, trang phục cho vai diễn Xúy Vân vào chiếc rương cũ.

Ông trưởng phường bát âm gọi điện cho cô Loan thông báo tối nay phường phục vụ đám tang ở làng bên. Người chết là một thiếu phụ. Gia đình yêu cầu diễn tích Mục Liên cứu mẹ. Cô Loan ngồi nhẩm lại lời thoại cho vai diễn Thanh Đề, một người mẹ có nhiều tội lỗi bị đày đọa bởi đủ mọi cực hình nơi địa ngục, được con là Mục Liên đến cứu

- Mục Liên à? Mục Liên nào? Ta không có con, ta chẳng có chồng. Ta là đồ mèo mả gà đồng nhố nhăng.

- Mục Liên! Mục Liên! Cứu mẹ với con ơi! Mẹ khổ lắm!

Đã nhiều lần diễn tích này mà cô Loan vẫn không nén được nỗi cay đắng ứ đầy. Mỗi lời thoại như một lưỡi dao chọc sâu, cắt nát ruột gan cô. Mẹ mất khi cô vừa chào đời. Rồi cô bỏ nhà đi theo đoàn hát. Không chồng, không con, cuộc đời dang dở...

Loan đứng lặng hồi lâu trước khoảng sân nhà. Căn nhà gỗ cũ kỹ luôn chập chờn trong giấc mơ của cô đã hiển hiện trước mắt. Cô chạm tay vào từng thân cau, từng cánh hoa hồng trắng rung rinh trước hiên nhà mà nức nở. Ông giáo Tâm như không tin vào mắt mình. Ông không nói được lời nào, đứng như hóa tượng trước hiên. Loan quỳ dưới chân bố, gục đầu khóc lặng hồi lâu. Ông Tâm đỡ Loan dậy và dắt cô vào trước bàn thờ. Trời đất ơi! Anh Lâm! Loan chết lặng trước tấm ảnh và bằng Tổ quốc ghi công của anh. Bên trên là ảnh bà nội, ảnh mẹ. Tất cả họ đều đang nhìn cô tha thiết. Loan nghe lòng trào dâng một nỗi ân hận. Ông Tâm vẫn chưa hết xáo động. Cuối cùng thì ông đã đợi được. Một đứa đã trở về với ông. Thằng Lâm học Đại học năm thứ ba thì xung phong tòng quân tham gia chiến tranh biên giới. Trước khi đi, nó dặn đi dặn lại ông đừng giận Loan. Nó đã không về với ông nhưng nó đã run rủi để em gái nó quay lại. Ông nghe lòng mình ấm lên những giọt nắng cuối chiều.

Từ khi trở về, tuyệt nhiên Loan không bao giờ hát hay tham gia những hoạt động văn nghệ ở địa phương. Loan lặng lẽ với công việc ruộng vườn, buôn bán và chăm sóc bố. Cách đây bảy, tám năm, ông Tâm ốm nặng rồi qua đời. Sau đó ít lâu, người ta thấy cô đi theo phường bát âm khóc đám ma. Mỗi lần khóc, cô Loan thấy được sống thật với lòng mình, với đời mình dẫu nhiều chua chát.

Làng Phúc Vân hôm nay có đám cưới. Đám cưới nhỏ thôi nhưng ấm cúng và xúc động. Đó là đám cưới của cô Loan và ông Hòa, người đàn ông làng bên đã góa vợ mấy năm nay. Trong một lần tình cờ gặp gỡ, cô Loan không cầm lòng nổi trước hoàn cảnh của bố con ông. Ông Hòa là thương binh trong chiến tranh biên giới, bốn đứa con ông chưa đứa nào trưởng thành. Cả ông Hòa và cô Loan đều đã đi qua những đắng cay, đau khổ của cuộc đời. Họ tìm được tiếng nói đồng cảm và thương yêu, một cơi trầu nên nghĩa. Cả làng Phúc Vân ai cũng mừng cho cô. Còn cô, cô nghe lòng mình như thắp lên hàng ngàn ngọn nến nhỏ lấp lánh và ấm áp. Khóm hồng bạch bên hiên nhà xòe nở những cánh trắng dịu dàng, tinh khôi như muôn ngàn đốm nắng lung linh…

NGUYỄN VĂN SONG
 

;
;
.
.
.
.
.