.

Những người già trong thành phố

.

Thành phố chứa những ngôi nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất, những con đường đông đúc người xe, những con người ngày ngày hối hả với nhịp sống bon chen. Thành phố chứa những người trẻ sức dài vai rộng, hừng hực sức sống.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng thành phố cũng chứa những người già, những con người không còn sức khỏe để chạy theo guồng quay sôi động của phố phường. Họ lạc lõng giữa nếp sống náo nhiệt. Họ nấp mình trong những căn nhà khép kín nhìn cuộc sống ngoài kia qua những khe hở. Họ lặng lẽ trong những nỗi niềm mà ngay cả con cháu họ cũng không thể thấu hiểu.

Tôi sống trong một căn nhà trọ chật hẹp ở phố. Trong dãy trọ chật hẹp này mọi người ra vào đều chạm mặt nhau dù rất ít khi hỏi chuyện. Sống ba năm nhưng tôi chỉ gặp chủ trọ mỗi khi đến hạn tiền phòng. Tôi không biết gì nhiều về họ ngoài việc họ có hai đứa con, một gái một trai. Cho đến một hôm tôi từ nơi làm về phòng vào buổi trưa, vô tình nhìn thấy một bà cụ da nhăn nheo già yếu đang lấp ló sau cánh cửa nhìn ra đường phố. Ánh mắt bà chan chứa niềm vui khi nhìn phố phường nhộn nhịp người xe lúc tan tầm. Từ lúc đó, tôi mới biết bà cũng là một thành viên của gia đình.

Những ngày sau đó tôi đều bắt gặp bà chăm chú nhìn ra ngoài bằng khoảng trống khiêm tốn giữa hai cánh cửa. Lần này, bà nhìn thấy tôi và mỉm cười.

Bà kể, bà ở nhà một mình buồn, xem ti-vi mãi bà chán lắm, chỉ muốn có người trò chuyện cho vui. Nhưng con cháu luôn nói thành phố phức tạp hơn suy nghĩ của người già. Họ bật ti-vi để bà xem cả ngày. Hết chương trình này đến chương trình khác. Họ khép kín cửa nhà, dặn dò bà chỉ ở bên trong để yên tâm đi làm.

Tôi không biết có bao nhiêu người già trong thành phố này phải sống trong điều kiện như vậy. Đáng lẽ ra ở tuổi này, những người già như bà phải được ra ngoài để hít thở không khí trong lành, được gặp gỡ trò chuyện cùng bạn già. Vậy mà họ lại sống như những người bị xã hội cách ly.

Tôi nói với bà: Hay mỗi trưa con ra trò chuyện với bà nhé. Bà nghe vậy mắt sáng lấp lánh, không quên nhắc tôi: Con nhớ đó nghen! Vậy là bà chờ. Bà chờ lời hứa bâng quơ của một người dưng rồi ngóng trông mỗi ngày. Buổi trưa hôm sau, khi tôi vượt qua được đám đông về tới cửa nhà đã thấy bà già mấp mé sau cửa, vẫy vẫy tôi với ánh mắt rạng ngời hẳn.

Tôi và bà nói với nhau những câu chuyện nho nhỏ đời thường. Tôi kể bà nghe về những chuyện xảy ra ở nơi làm, về công việc của tôi mỗi ngày, niềm vui lẫn áp lực. Tôi kể bà nghe về những món ăn đang thịnh hành mà giới trẻ rất thích, trong đó có những món ăn của ngày xưa như khoai nướng, bắp luộc... Tôi kể bà nghe về một cái chợ nhỏ trong con phố này, nơi bán loại cà tím nướng trên than củi, một món ăn mà tôi rất thích. Tôi kể bà nghe về một cái xơ mướp giá bốn mươi ngàn đồng tôi mua ở một siêu thị mới mở trên đường đi làm. Tôi kể bà nghe về những con đường cũ kỹ ở phố chưa được nâng cấp, về chuyện tai nạn, chuyện kẹt xe, về lý do vì sao mấy năm nay thời tiết thay đổi... Những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại khiến bà già vui hẳn. Hẳn nó làm bà cảm thấy mình không quá tách biệt với cuộc sống náo động ngoài kia.

Tôi nhìn bà và tự hỏi không biết những người già dành thời gian của mình để làm gì. Có khi nào họ ngồi và hồi tưởng lại mình của một thời tuổi trẻ được rong ruổi khắp nơi mà thấy lòng buồn quay quắt hay không. Tôi gọi họ là những người ngồi vá khâu quá khứ. Bởi quá khứ trong họ làm sao có thể mạch lạc, tường tận, phẳng phiu như một tấm áo mới được. Càng về già, trí nhớ càng nhòe mờ, niềm vui, nỗi buồn của ngày cũ dù cố chắt chiu cũng không thể nào trọn vẹn, rõ ràng. Họ chỉ có thể ngồi chắp nhặt, khâu vá từng thứ mà nâng niu ôm ấp.

Như bà, suốt ngày chỉ sống quẩn quanh trong căn nhà, thế giới ngoài kia bà muốn ngắm nhìn mà không được phép. Con cháu bận bịu đi làm cả ngày, cuối tuần, trẻ trung thì hẹn hò, người lớn thì ở nhà nghỉ ngơi. Họ không có thì giờ dành cho bà. Bà già biết vậy nên cũng không dám phiền con phiền cháu. Trong khi con cháu bà nghĩ người già chỉ nên đi lại trong nhà, đến bữa cơm nước đầy đủ là được. Chẳng ai đoái hoài đến mong ước được ra ngoài hít thở, mong ước có người thủ thỉ tâm tình, bầu bạn chuyện trò của bà già. Đâu ai hiểu rằng điều khiến một người già vui chính là được ra ngoài, được đi đó đây, thăm cháu, thăm con, thăm bạn già.

Bà già kể với tôi về những người bạn lâu rồi bà không gặp, cũng chẳng biết giờ họ đang ở đâu, còn sống hay đã về với cát bụi. Nhưng dù không biết tin tức của họ, tôi biết những người đó vẫn nằm lòng trong trí nhớ bà. Những người già vốn sống bằng hoài niệm. Chuyện hôm nay nói đó rồi quên đó. Vậy mà những chuyện xa xưa lại cứ nhớ như in. Mà thương nhất là nhớ lời hứa nào đó đã xa xôi: Hôm nào con qua chở nội tới nhà con chơi. Thằng cháu vì bận bịu hẳn đã quên lời hứa từ lâu, chỉ có bà già là nhớ mãi. Lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một gói đồ để ở góc giường. Hỏi để làm gì, bà nói phòng khi con cháu có qua chở cũng không phiền nó phải đợi mình lâu.

Thương biết bao những người già phải sống lặng lẽ và an phận trong những căn nhà ở phố. Nhiều lúc chạnh lòng khi ngôi nhà bên cạnh kèn trống rổn rang tiễn đưa một người già về với các bụi mà không khỏi ngỡ ngàng bởi phố xá giấu họ kỹ quá. Còn biết bao người già đang sống trong những ngôi nhà kín cổng cao tường kia, lặng lẽ đi qua tuổi già trong những tháng ngày buồn bã. Những suy nghĩ miên man ấy dẫn đưa tôi về với căn nhà nhỏ của mình, nơi có ông bà tôi đang đón đợi, mong ngóng.

Vẫn biết người già nào cũng chung một nỗi niềm là mong mỏi con cháu thi thoảng về chơi, có gì ngon đều nhún nhường con cháu, làm việc gì cũng sợ phiền con cháu đầu tiên nhưng sự bận rộn cứ khiến tôi trì hoãn mỗi lần về. Những suy nghĩ đó khiến tôi hối hận biết bao khi nhận ra mình đã có lúc thật vô tâm với những yêu thương bên cạnh mình.

TRẦN NGUYÊN HẠNH
 

;
;
.
.
.
.
.