’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

Thay công chức có dư luận không tốt

08:05, 29/10/2015 (GMT+7)

“Chúng tôi thay ngay những cán bộ, công chức có dư luận không tốt khi thực thi công vụ, sau khi kiểm tra và nhận thấy dư luận phản ánh đúng, nhất là đối với những cán bộ làm nhiệm vụ tham gia thẩm tra quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản.

Đây là lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực nếu không quản lý chặt chẽ”, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch (TCKH) quận Liên Chiểu, Nguyễn Văn Thọ cho hay về các giải pháp thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của đơn vị mình.

Theo ông Thọ, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Phòng TCKH là cơ quan tham mưu quản lý chủ yếu trên hồ sơ sổ sách nhưng đây là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực nên yêu cầu lãnh đạo phòng phải bố trí những cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, tinh thông nghiệp vụ, tác phong chuyên nghiệp.

Dù chỉ quản lý hồ sơ sổ sách về tài chính liên quan đến các công trình, dự án, tài sản công nhưng phải phát hiện những điểm bất hợp lý từ thông tin hồ sơ nhằm đảm bảo không để xảy ra thất thoát ngân sách. Giá trị hồ sơ đề nghị thẩm định quyết toán công trình, dự án thường cao hơn so với giá trị sau khi được thẩm định. Chính là nhờ nghiệp vụ của cán bộ mà những điểm bất hợp lý buộc phải điều chỉnh.

Ông Thọ cho biết, hơn 31 năm làm trong ngành tài chính, trưởng thành từ một công chức đến chức vụ Trưởng phòng, ông đều biết hết các “ngõ ngách” của lĩnh vực xây dựng cơ bản. Không khó để tìm ra được những điểm bất hợp lý để đặt dấu hỏi cho đơn vị nhận thầu cũng như phát hiện được cả chi tiết mà cán bộ mình hoặc là do vô tình vì nghiệp vụ kém hoặc cố ý bỏ qua.

“Làm nghề này mà thiếu trung thực, có tư tưởng kiếm chác không chóng thì chầy sẽ có dư luận phản ánh ngay. Lãnh đạo phòng sẽ lập tức chuyển ngay những người này vào vị trí công tác khác sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh”, ông Thọ nói.

Thực tế từ khi thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU đến Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Phòng TCKH quận thường xuyên quán triệt quan điểm này đi đôi với các giải pháp quản lý, giám sát cán bộ, công chức thuộc quyền. Công tác này đã thành nền nếp và có hiệu quả trong nhiều năm qua.

Trên lĩnh vực tham mưu UBND quận quyết định phân bổ ngân sách cho các ngành, địa phương của quận, Phòng TCKH cũng xác định là cơ quan “làm dâu trăm họ”. Theo đó, công tác tham mưu phân bổ, điều hành ngân sách của phòng luôn thực hiện phương châm: Công khai, minh bạch, công bằng, tương xứng với tính chất nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Phân bổ được công khai rồi thì không có chuyện “xin-cho”, trừ trường hợp nhiệm vụ phát sinh và có văn bản chỉ đạo cũng như bổ sung ngân sách từ cấp trên để thực hiện. Trên lĩnh vực thủ tục hành chính, Phòng TCKH phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND quận triển khai rất sớm cơ chế phối hợp giữa các ngành có liên qua trong giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh hộ cá thể.

Theo đó, Phòng TCKH là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan: Phòng Văn hóa-Thông tin; Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy; Chi cục Thuế; Phòng Tài nguyên-Môi trường; Phòng Y tế; Phòng Kinh tế… để tiếp nhận giải quyết hồ sơ của người dân. Người dân chỉ đi lại 2 lần để nộp và nhận kết quả hồ sơ. Các cơ quan chuyên môn của quận phải có trách nhiệm phối hợp xử lý hồ sơ hành chính. Phòng TCKH sẽ không trình ký cấp phép kinh doanh nếu biên bản thẩm định điều kiện kinh doanh thiếu chữ ký của cơ quan có trách nhiệm phối hợp.

Nếu do lỗi này gây trễ hẹn hồ sơ của người dân, cơ quan phối hợp phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND quận và có trách  nhiệm xin lỗi người dân bằng văn bản theo quy định.

Ông Thọ cho biết, trước đây, những trường hợp kinh doanh có điều kiện, người dân phải đi lại nhiều lần đến các cơ quan để làm từng thủ tục không khác gì đi làm “giấy phép con” rồi mới được đăng ký kinh doanh. Với mô hình mới này dân chỉ phải đi lại 2 lần để có giấy phép kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, quận Liên Chiểu đã cấp phép kinh doanh 602 trường hợp, trong đó có 481 hồ sơ trả sớm hẹn, 120 hồ sơ đúng hẹn, trễ hẹn 1 hồ sơ.

ĐOÀN SƠN

.