Dòng sông hạnh phúc

Sông Hàn mến yêu ơi

Lung linh trên sóng nước

Những cây cầu đẹp lạ

Thành phố Rồng vươn cao!

Sông Hàn chảy giữa lòng thành phố trẻ như một dải lụa. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Sông Hàn chảy giữa lòng thành phố trẻ như một dải lụa. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

1. Tôi cứ nghĩ về 3 hình ảnh, nói đúng hơn là 3 cảnh mà tôi ghi nhận được trong một buổi chiều trên lối đi bộ của đường Bạch Đằng, bờ tây sông Hàn.

Tôi đặt tên cả ba cảnh là Hạnh phúc. Cảnh 1 là một nhóm người cao tuổi đang ngồi bệt đánh cờ, chỉ hai người chơi mà có mấy bạn già theo dõi và bàn luận rôm rả. Cảnh 2 là một đôi vợ chồng trẻ đẩy xe nôi đi dạo, chồng mặc áo thun, quần lửng; vợ mặc chiếc váy ôm vừa vặn, màu trang nhã; đẹp nhất là nụ cười của... em bé lúc tôi vẫy tay chào cháu. Cảnh 3 là một cháu trai tuổi trung học đẩy xe lăn chậm rãi cho người bà; hai bà cháu dừng nghỉ nơi ghế đá, nhìn ra dòng sông Hàn và ríu rít chuyện trò...

Những cảnh ấy mang lại cho tôi cảm giác thư thái, bình yên, hạnh phúc. Đôi khi hạnh phúc chỉ bắt nguồn từ những điều giản đơn như thế, từ những con người bình dị như thế.

Hằng ngày, chúng tôi thức dậy lúc 5 giờ rồi dạo bộ ra phía trước khu vực Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8). Từ đây hòa nhịp với những người đi tập thể dục ngược xuôi xa gần, chúng tôi đi dần qua hai cụm tượng đá nghệ thuật, xuống phía cầu Sông Hàn. Chúng tôi vừa đi, vừa thưởng thức âm thanh du dương của nhạc nhẹ từ các loa dọc bờ sông, thấy lòng an yên để bước vào một ngày mới.

2. Năm 2000, sau 3 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, người dân Đà Nẵng vui mừng khi cầu Sông Hàn được khánh thành. Trước đó, muốn qua lại đôi bờ phải đợi phà, mướn đò, nếu không thì phải đi vòng đến cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý. Ngoài mục đích giao thông và có giá trị lớn về mặt thẩm mỹ, cầu Sông Hàn nằm giữa trung tâm thành phố kết nối và khơi dậy tiềm năng kinh tế của vùng đất rộng lớn ở phía đông. Từ đó, biểu tượng của Ðà Nẵng không chỉ có Ngũ Hành Sơn mà còn có cây cầu quay độc đáo này.

Theo tiến trình phát triển mạnh mẽ, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư xây dựng mới và hiện đại ở bên kia sông. Những dự án hỗ trợ theo học đại học trong và ngoài nước được triển khai. Thầy và trò chúng tôi đã không phụ kỳ vọng của người dân Đà Nẵng; những giải quốc gia và quốc tế, cùng tỷ lệ đỗ đại học đã chứng tỏ thực lực và tầm vóc trí tuệ của người Đà Nẵng. Các sinh viên ưu tú rời mái trường chuyên này và tốt nghiệp đại học không chỉ cống hiến cho Đà Nẵng, mà còn tỏa sáng ở các thành phố lớn của Việt Nam và thế giới.

Rồi cầu Rồng được khánh thành vào ngày 29-3-2013, nối sân bay quốc tế của thành phố chạy thẳng ra bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp.

Cây cầu cánh buồm màu đỏ thắm - cầu Trần Thị Lý - nằm về phía thượng lưu sông Hàn, cũng được khánh thành vào ngày 29-3-2013, là một biểu tượng cho khát vọng vươn lên của Đà Nẵng.

Năm 2012, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi mang dấu ấn lịch sử trên dòng sông Hàn. Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào năm 1965, cùng với cầu Trần Thị Lý lúc đó phục vụ chuyên chở vũ khí, khí tài từ cảng Tiên Sa vào Đà Nẵng. Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi tức là lưu giữ lại một chứng nhân lịch sử cho bao thăng trầm, đổi thay của quê hương và cũng là một công trình phục vụ du lịch.

3. Tên gọi sông Hàn có từ bao giờ? Theo dòng lịch sử, Hàn môn - Cửa Hàn là một trong 10 cửa biển, cửa cuối cùng của thừa tuyên Thuận Hóa, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Nam, phía tây giáp Ai Lao, phía đông giáp Biển Đông. Vào đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, năm 1490 đã định lại bản đồ cả nước thành 13 xứ thừa tuyên.

Môn là cửa, chữ Hàn bộ thủy có nghĩa là rộng lớn, bao la, mênh mông, từ thực tế mà đặt nên. Từ tên Hàn môn, thường gọi Cửa Hàn, đi vào đời sống, dòng sông chảy vào cửa Hàn được đặt tên là Hàn Giang, quen gọi sông Hàn. Trên bờ sông, bên tả có một chợ lớn cũng được gọi tên là Hàn thị, tức chợ Hàn.

Xa xa, cầu dây võng Thuận Phước như bức tranh lộng lẫy, hoành tráng, hiện đại và quyến rũ, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng. Được khánh thành vào năm 2009, chiếc cầu dây võng dài nhất Việt Nam nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà.

Đường đi bộ ven sông Hàn đông đúc nhất là khi nào? Đó là vào những dịp thành phố tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế, ngày lễ, ngày Tết… Lễ hội pháo hoa quốc tế đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng, là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút các nhà đầu tư.

Đà Nẵng còn một chiếc cầu nữa, mang phong cách châu Âu. Cầu không bắc qua sông Hàn nhưng thu hút rất nhiều bạn trẻ, đôi lứa đến chụp ảnh. Đó là cầu Tình yêu bên bờ đông, nơi có cột đèn hình trái tim đỏ thắm…

4. Sông Hàn chảy giữa lòng thành phố trẻ như một dải lụa. Hai bên bờ sông là bao công trình cao đẹp, hiện đại. Sáu cây cầu bắc qua sông, khởi đầu là cầu Tiên Sơn, mạch giao thông nối Hòa Cầm với cảng Tiên Sa, đến cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, rồi cầu Rồng, cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước. Không biết ở nước mình, có thành phố biển nào mà dòng sông nằm vị trí đẹp lạ như vậy!

Sông Hàn chỉ dài khoảng 8km, từ ngã ba Cổ Mân - nơi gặp nhau giữa sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ hướng ra vịnh Đà Nẵng, nhưng dòng sông gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người Đà Nẵng, là chứng nhân của những đổi thay to lớn của thành phố. Để rồi, ai xa Đà Nẵng cũng nhớ dòng Hàn giang lặng lờ trôi. Những người chưa đến Đà Nẵng cũng muốn một lần được lưu lại thành phố này để ngắm cầu Sông Hàn quay, xem cầu Rồng phun lửa và nước…

Một lần đi dạo bờ sông Hàn, tôi đã viết mấy câu thơ về dòng sông Hàn quê hương, tiếp nối dòng Cẩm Lệ ra biển lớn: Sông Hàn mến yêu ơi/ Lung linh trên sóng nước/ Những cây cầu đẹp lạ/ Thành phố Rồng vươn cao!

LÊ HOÀNH PHÒ
Cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng.

 

;
;
.
.
.
.