Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"
Chung cư ngày mới
Chung cư là phần không thể thiếu của đô thị Đà Nẵng hôm nay và tương lai. Lớp trẻ ra đi từ dãy chung cư hôm nay, dẫu mai đây trở thành “công dân toàn cầu”, chắc sẽ luôn nhớ về căn hộ 50m2 mà họ đã từng sống…
Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Có đôi lúc tôi lẩn thẩn nghĩ rằng, nếu bỗng nhiên một ngày đẹp trời, tất cả hộ dân trong mấy trăm chung cư trên thành phố đồng loạt làm đơn xin một lô đất để làm nhà ở liền kề thì biết giải quyết thế nào nhỉ? Bởi vì, người thì cứ sinh sôi, mà đất đai thì trời cho cũng chỉ chừng nấy. Rất may, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Mà hình như đang có xu hướng ngược lại. Càng ngày, nhu cầu chung cư càng lớn. Người nhiều tiền thì tìm đến những chung cư cao cấp với nhiều tiện ích smart; người ít tiền thì tìm những chung cư tầm tầm; người nghèo, người diện chính sách thì được thuê nhà ở xã hội.
Dân mình vốn gốc gác từ những miền quê quen thuộc thân thương. Thói quen lâu đời vẫn là một căn nhà, dù là nhà tranh vách đất, chút vườn nho nhỏ, vài luống rau; nhà nhà cách nhau một “rặng mồng tơi xanh rờn” như câu thơ của người thi sĩ “chân quê”. Vậy kiểu sống chung cư có từ bao giờ? Chắc là khi các đô thị phát triển, người tứ xứ đến sinh sống làm ăn mà thành.
Ở Sài Gòn cũ, người ta đã quen với những cư xá Thanh Đa, chung cư 11 Võ Văn Tần, quận 3; chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5, v.v… đều được xây từ trước năm 1975. Hà Nội, có lẽ lâu đời nhất là khu tập thể Kim Liên, điểm sáng của đô thị xã hội chủ nghĩa, được xây từ những năm 1959-1965 với vài chục dãy nhà 4 tầng, chứa được vài nghìn hộ, tiêu chuẩn 8m2/người. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có lần tâm sự rằng chính nơi này đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc nổi tiếng Những ánh sao đêm, ca ngợi những người công nhân “xây cho nhà cao, cao mãi… Ôi xinh đẹp Tổ quốc chúng ta!”.
Còn Đà Nẵng chúng ta, trước năm 1975 cũng đã có khoảng 20 khu tập thể, tuổi đời nay đã trên 50, đang xuống cấp, chủ yếu tập trung ở quận Nhứt và quận Nhì, nay là Hải Châu và Thanh Khê. Tức là, kiểu sống chung cư ở Đà Nẵng cũng đã hình thành từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước.
Nhưng những tòa chung cư mọc lên rầm rộ nhất là từ Đổi Mới đến nay, khi mục tiêu “vì đất nước giàu mạnh, vì nhân dân hạnh phúc” được đề cao. Hạnh phúc con người là có chỗ ở ổn định. Đà Nẵng mạnh dạn có hẳn một chương trình “có nhà ở” cho người dân. Khoảng 100 năm nay, Đà Nẵng trải qua nhiều biến động dân số. Nhiều người nhập cư, chỗ ở rất tạm bợ. Những khu nhà ẩm thấp dột nát, những nhà chồ ven sông cần được giải tỏa, đưa người dân lên nơi ở mới, chấp nhận sống trong một căn hộ tuy chật hẹp nhưng chắc chắn không lo mùa mưa bão. Quyết liệt lắm, dữ dội lắm mới thay đổi thói quen.
Suốt 25 năm ròng rã phấn đấu, đến những ngày cuối năm 2021 này, theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện thành phố đã có 13.938 căn hộ chung cư nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng; và giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện 2.691 căn hộ nữa. Một con số thật nhiều ý nghĩa! Cũng có một bộ phận người dân chịu thiệt thòi ít nhiều, nhưng đại bộ phận được hạnh phúc có nhà ở. Thành phố trở nên sáng sủa, văn minh. Hai bên bờ sông Hàn thoáng đãng. Mặt bằng thành phố hình như cao hơn lên nhờ những chung cư. Ánh mặt trời buổi sáng không đổ dài trên những xóm chài tối tăm, mà rực sáng trên những bờ tường chung cư đón chào ngày mới.
Những năm gần đây, Đà Nẵng phát triển mạnh, nhiều đại gia bất động sản đến đầu tư “xây tổ đón đại bàng” với những chung cư cao cấp, khách sạn 5 sao phục vụ khách du lịch ngày càng đông, cũng như các thương gia, các kỹ sư cao cấp, các nhà khoa học đến làm việc lâu dài tại thành phố. Nhưng thú thật, nói về chung cư, tôi muốn dành sự yêu mến đối với những chung cư “đại trà” cho người thu nhập thấp. Ở những chung cư cao cấp, khi mở bán, khách hàng còn kén chọn, đắn đo. Còn với những hộ nghèo, có nhu cầu nhà ở, sau bao thủ tục, đợi chờ, bỗng một ngày nhận được giấy gọi đến rút thăm nhận chung cư…, lập tức không đắn đo tầng mấy, phòng mấy, sửa qua loa, chỉ một tuần sau là điện bật sáng. Lại nhớ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời…”.
Rồi dần dần, như một lẽ tự nhiên, hình thành kiểu sống chung cư, “văn hóa chung cư”. Sáng dậy đi làm, mở cửa ra trông thấy nhau, khẽ cười gật đầu chào hàng xóm, khác với nhà phố còn có hàng rào ngăn cách. Thói quen vứt rác bừa bãi ngoài hành lang hoàn toàn biến mất. Nhưng quan trọng nhất là kiểu sống chung cư dạy cho con người thói quen “tối giản”.
Có ai đó đưa ra một triết lý hay hay: Cuộc sống nói cho cùng, là quan niệm và sắp xếp! Điều kiện sống chật hẹp 40-50m2 không cho phép bừa bộn hay phóng túng trong bày biện. Nói không ngoa, có khi phải tính đến từng centimet vuông! Có thể coi đây là một tố chất cần thiết cho một thanh niên khi vào đời, cho dù khi khấm khá, anh có thể có căn biệt thự 500m2.
Chính trong đại họa Covid-19 lại làm cho chung cư trở thành tổ ấm. Con người thân thiện, gần gũi nhau hơn, mặc dù khẩu trang bịt kín, chỉ nhìn nhau qua ánh mắt. Kiểu sống chung cư trở nên phù hợp với “mô hình bong bóng”, tránh sự lây lan dịch bệnh bên ngoài vào khu vực “vùng xanh”. Những ngày giãn cách, hành lang chung cư trở thành nơi phân phối những túi hàng từ thiện, từ mớ rau, con cá, đến những nhu yếu phẩm hằng ngày. Chung cư cũng hình thành những “chợ online” với đủ loại mặt hàng thiết yếu mà nguồn cung cấp là những sản phẩm “sạch” của những người thân ở quê gửi tới.
Chung cư đã và sẽ là phần không thể thiếu của đô thị Đà Nẵng hôm nay và tương lai. Ngày mới trên chung cư sẽ làm đẹp thêm thành phố thơ mộng bên bờ biển Đông này. Lớp trẻ ra đi từ dãy chung cư hôm nay, dẫu mai đây trở thành “công dân toàn cầu”, chắc sẽ luôn nhớ về căn hộ 50m2 mà họ đã từng sống cùng đại gia đình của mình, từ ngày còn thơ ấu.
NẠI HIÊN