Tại sao vụ nổ Beirut có mây hình nấm như bom nguyên tử?

.

Tại sao vụ nổ Beirut có mây hình nấm như bom nguyên tử?

Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho biết mây hình nấm hình thành khi không khí ẩm bị nén lại trong vụ nổ khiến hơi nước bên trong ngưng tụ.

Đám mây hình nấm trong vụ nổ Beirut.
Đám mây hình nấm trong vụ nổ Beirut.

Khi vụ nổ khổng lồ tạo ra đám mây hình nấm phía trên thành phố Beirut hôm 4-8, khiến ít nhất 135 người tử vong và 5.000 người bị thương, một số tài khoản vội vã đưa ra kết luận một quả bom nguyên tử vừa phát nổ ở thủ đô Lebanon, tạo ra tin đồn lan nhanh trên mạng xã hội. Nhưng giới chức địa phương đã lên tiếng khẳng định vụ nổ này chắc chắn không phải do vũ khí hạt nhân gây ra.

Ngay trước khi nhà chức trách Lebanon thông báo vụ nổ gây ra bởi lượng lớn ammonium nitrate (NH4NO3) lưu trữ trong nhà kho ở bến cảng, những chuyên gia nguyên cứu vũ khí hạt nhân nhanh chóng bác bỏ tin đồn Beirut bị tấn công bằng bom hạt nhân, dựa theo ảnh chụp và video do cư dân thành phố ghi lại. Mọi người hướng camera về phía bến cảng Beirut ở thời điểm xảy ra vụ nổ do khói cuồn cuộn bốc lên trước đó. Một số video quay cảnh những tia sáng nhỏ và âm thanh đặc trưng của pháo hoa. Không lâu sau, vụ nổ dữ dội với sóng xung kích và đám mây hình nấm gây chấn động cả khu vực, phá hủy những tòa nhà gần đó và làm vỡ cửa sổ của các công trình ở xa hơn.

Trong một bài đăng thu hút hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng Twitter trước khi bị xóa, một tài khoản viết: "Lạy Chúa. Truyền thông Lebanon cho biết đó là một nhà máy pháo hoa. Không. Đó là đám mây hình nấm. Đó là vụ nổ bom nguyên tử". Vipin Narang, chuyên gia nghiên cứu sự phổ biến và chiến lược hạt nhân ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), lập tức phản bác tin đồn. "Tôi nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Vụ nổ này không phải", Narang khẳng định trên mạng Twitter hôm 4-8.

Martin Pfeiffer, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học New Mexico, người chuyên nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong lịch sử nhân loại, cũng bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội. "Rõ ràng vụ nổ không phải do vũ khí hạt nhân gây ra. Có một tia lửa kích hoạt chất nổ hoặc hóa chất. Pfeiffer chỉ rõ vụ nổ này thiếu hai dấu hiệu của vũ khí hạt nhân, đó là tia sáng trắng lóa mắt và xung nhiệt tỏa ra khiến da người bỏng nặng.

Vụ nổ sản sinh sóng xung kích cực mạnh làm vỡ nhiều cửa sổ khắp thành phố Beirus và đám mây hình nấm tỏa rộng, thường gặp ở cảnh quay các vụ nổ hạt nhân trong lịch sử. Nhưng Pfeiffer nhấn mạnh đám mây kèm sóng xung kích thường được giới nghiên cứu vũ khí gọi là mây Wilson, thường hình thành khi không khí ẩm bị nén lại khiến hơi nước bên trong ngưng tụ. Nói cách khác, đám mây hình nấm không chỉ có ở vụ nổ bom hạt nhân.

Narang chia sẻ trên mạng Twitter ước tính vụ nổ mạnh tương đương khoảng 240 tấn thuốc nổ TNT, hoặc gấp 10 lần vũ khí "mẹ của các loại bom" mà quân đội Mỹ sở hữu. Trong khi đó, quả bom Little Boy mà Mỹ thả xuống thành phố Nhật Bản Hiroshima năm 1945 mạnh gấp khoảng 1.000 lần.

Để chứng minh vụ nổ Beirut không phải do vũ khí hạt nhân gây ra, Pfeiffer đăng video ghi hình vụ nổ vũ khí hạt nhân "Davy Crockett" với tên lửa đẩy, phát nổ với công lực tương đương 20 tấn TNT. Davy Crockett chỉ bằng 1/10 vụ nổ Beirut nhưng vẫn có tia sáng đặc trưng. Nhà chức trách chưa ghi nhận báo cáo nào về bụi phóng xạ sau vụ nổ Beirut.

Theo vnexpress.net

;
;
.
.
.
.
.