Thời gian qua, những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan Nhà nước tại Đà Nẵng đã tác động rõ rệt đến công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Giai đoạn 2017 - 2019, UBND quận Thanh Khê liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin Đà Nẵng (nhóm UBND các quận, huyện). (Ảnh chụp tại Bộ phận “một cửa” - UBND quận Thanh Khê) Ảnh: TRỌNG HUY |
Giai đoạn 2017 - 2019, UBND quận Thanh Khê liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số ứng dụng CNTT Đà Nẵng (nhóm UBND các quận, huyện). Ông Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 về Chính phủ điện tử; căn cứ các văn bản hướng dẫn của thành phố, UBND quận Thanh Khê đã nghiên cứu, hệ thống hóa việc ứng dụng CNTT theo thực tiễn của quận nhằm quy hoạch hạ tầng, ứng dụng, chính sách và con người, làm cơ sở để tham gia đồng bộ vào công tác triển khai Chính quyền điện tử, cải cách hành chính và ứng dụng CNTT.
Những năm qua, Thanh Khê đã kết nối mạng đô thị MAN thành phố về các cơ quan, đơn vị, phòng, ban trên toàn quận, bảo đảm tỷ lệ 100% máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức, 100% lãnh đạo cấp phòng đều có chứng thư số. Năm 2019, UBND quận đã mua sắm đầu tư công với 126 máy tính có hệ điều hành và phần mềm diệt virus bản quyền, đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin.
Đối với việc triển khai các ứng dụng, UBND quận Thanh Khê đã thí điểm thành công phần mềm cấp phép xây dựng, triển khai phần mềm “một cửa” mới cho cấp quận và 10 phường. Hiện quận Thanh Khê đã đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3-4 (gồm 160 bộ thủ tục trên 21 lĩnh vực). Quận cũng hoàn tất công tác kết nối cổng thanh toán trực tuyến tại UBND của 10 phường với các ứng dụng Momo, VNPAY; phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có 100% giao dịch thanh toán thông qua ứng dụng. Bên cạnh đó, tại Trung tâm Hành chính quận, UBND quận Thanh Khê còn bố trí màn hình cảm ứng lớn để công khai bản đồ địa chính cho người dân. Ngoài ra, quận làm mới trang thông tin điện tử tích hợp di động, tiếp tục triển khai các ứng dụng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng học bạ điện tử, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp quận, hệ thống đọc speedtext (chuyển lời nói thành chữ viết) trong các cuộc họp.
Theo ông Trần Tường Vân, năm 2019 cũng là năm UBND quận Thanh Khê dành kinh phí CNTT nhiều nhất với 5,1 tỷ đồng để tập trung vào việc nâng cấp hạ tầng, bảo đảm tính ổn định mạng và máy móc tại Trung tâm Hành chính quận, nâng cấp trang web, đầu tư thiết bị hạ tầng cho các đơn vị như lực lượng công an để triển khai phần mềm quản lý cư trú, quản lý hộ khẩu... Đi kèm với đó, quận đã hình thành các kênh an toàn thông tin, xây dựng chính quyền điện tử kết nối với các phòng, ban, trường học, các phường trên địa bàn để vừa xử lý nhanh các tình huống, vừa tạo môi trường chia sẻ, trao đổi nghiệp vụ CNTT.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đi vào chiều sâu trong công tác quản lý Nhà nước và cải cách hành chính. TRONG ẢNH: Giao dịch hành chính tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: PHONG LAN |
Trong khi đó, ở nhóm UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố, những năm qua, UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) cũng liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số ứng dụng CNTT của thành phố. Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, phường đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kiến thức CNTT cho cán bộ, công chức. Mô hình “phường điện tử” đưa vào sử dụng từ năm 2014 đến nay đã góp phần giải quyết sớm hồ sơ cho công dân, tổ chức, giảm thiểu phiền hà, tăng niềm tin đối với cơ quan hành chính Nhà nước.
Nhờ ứng dụng CNTT, các văn bản đến và đi của phường được công khai, mọi cán bộ, công chức đều xem được danh mục văn bản toàn cơ quan. Bên cạnh đó, phường Hòa Hiệp Bắc cũng triển khai tin nhắn SMS, liên thông hồ sơ, giúp đội ngũ cán bộ, công chức giảm thiểu thời gian đi lại để gửi giấy mời, gửi văn bản. Công dân, tổ chức được nhận hồ sơ với lịch hẹn qua tin nhắn SMS. Ông Võ Khoa Nguyên cho biết, khi người dân địa phương chưa quen với việc đóng lệ phí qua tài khoản cá nhân, UBND phường đã ký hợp đồng với nhân viên bưu điện để thu hộ lệ phí khi trả hồ sơ cho công dân. Phường cũng trang bị màn hình tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ công dân, màn hình tivi chiếu lịch công tác tại lối ra vào cơ quan để thuận tiện trong công việc.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, chỉ số ứng dụng CNTT thành phố được xác định dựa trên 4 nhóm chỉ số: hạ tầng, ứng dụng, chính sách và nhân sự. Nhìn chung kết quả đánh giá, mức độ đáp ứng yêu cầu của các nhóm chỉ số năm 2019 tăng so với năm 2018, cho thấy hoạt động ứng dụng CNTT ngày càng đi vào chiều sâu trong công tác quản lý Nhà nước và cải cách hành chính. Đà Nẵng đã kết nối, tích hợp thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia, trục liên thông tích hợp quốc gia NGSP. Mức độ tương quan giữa kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT 2019 và cải cách hành chính 2019 khá cao. Song, trong 4 nhóm chỉ số, nhóm “nhân sự” vẫn đang là một thách thức không nhỏ.
Ông Thanh nhìn nhận: “Những năm qua, các doanh nghiệp CNTT xuất hiện ở Đà Nẵng rất nhiều, thu hút phần lớn các kỹ sư CNTT chất lượng cao. Do đó, các cơ quan Nhà nước cũng đang chịu sự cạnh tranh lớn về nhân lực”. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến nhận định, để mỗi đơn vị Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì lãnh đạo của các đơn vị phải có tầm nhìn, kiến thức CNTT mới có thể đưa ra các chiến lược, chỉ đạo phù hợp. Theo bà Yến, cần có chương trình đào tạo ngắn hằng năm dành cho lãnh đạo các sở, ngành, địa phương để trao đổi về các nội dung, định hướng phát triển CNTT trong lĩnh vực hành chính của thành phố.
PHONG LAN