Công nghệ
ChatGpt - 'nguy' hay 'cơ' còn tùy vào nhà báo
Chỉ mới ra đời khoảng nửa năm (từ tháng 11-2022) nhưng ChatGPT, mô hình chatbot tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên theo cách con người có thể trò chuyện, tham vấn máy như với một người/chuyên gia đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực.
Hình ảnh các robot đang làm việc trong một tòa soạn do ứng dụng chuyển đổi từ văn bản mô phỏng thành tranh vẽ tự động Midjournay có ứng dụng công nghệ AI. Ảnh: Reutersinstitute |
Các nhà báo đang thảo luận rất sôi nổi về tác động của ChatGPT với ngành công nghiệp tin tức cả về ngắn hạn lẫn lâu dài. Những câu hỏi phổ biến hơn cả là: Bao nhiêu nhà báo sẽ bị AI tạo sinh thay thế? Quá trình thay thế này sẽ diễn ra theo tốc độ nào? Những kiểu nhà báo nào sẽ thuộc nhóm “dễ tổn thương nhất”?
Ba giai đoạn ứng dụng AI
Thực tế, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã và đang sử dụng AI ở một mức độ giới hạn nhằm hỗ trợ các hoạt động của họ. Một số khác đang hình dung và tư duy thêm về những mô hình tác nghiệp hoàn toàn mới dựa trên công nghệ đó. Ở nhóm thứ hai, người ta vẫn nhắc tới ứng dụng (app) The Newsroom, một app chuyên cung cấp những bản tin vắn mỗi ngày bao gồm phần tóm lược các câu chuyện chính do AI sản xuất như: các số liệu/thông tin chính, ngữ cảnh thông tin và các nội dung cốt lõi cần nắm.
Việc sử dụng AI trong sản xuất và hỗ trợ báo chí là điều nhiều đơn vị báo chí đã thử nghiệm. Ông Francesco Marconi, nhà báo chuyên về máy tính và là đồng sáng lập công ty thông tin theo thời gian thực AppliedXL, cho rằng các đổi mới sáng tạo về công nghệ liên quan AI trong thập kỷ qua được chia làm 3 làn sóng: tự động hóa, tăng cường (tốc độ, thông tin cho tin tức) và tự sản xuất.
Theo nhà báo công nghệ từng là trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển của tờ Wall Street Journal, cũng từng làm đồng chủ trì mảng AI và tin tức tự động tại hãng tin AP, ở giai đoạn đầu tiên, “tâm điểm sẽ là tự động hóa những bản tin được tạo ra từ dữ liệu, như các báo cáo tài chính, kết quả thể thao, các chỉ số kinh tế, sử dụng những kỹ thuật sinh ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Generation - NLG). Có nhiều ví dụ đã áp dụng cách này, trong đó có các hãng tin tức toàn cầu như Reuters, AFP và AP, theo chia sẻ của ông Francesco Marconi với trang Reuters Institute.
Theo ông Marconi, làn sóng thứ hai sẽ đến khi “sự tập trung chuyển sang việc tăng cường cho tin tức thông qua thuật toán máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để phát triển các bộ dữ liệu lớn và khám phá các xu hướng tin tức”. Một ví dụ cho điều này là ở tờ La Nacion của Argentina, nơi đã bắt đầu dùng AI để hỗ trợ các nhóm dữ liệu của họ từ năm 2019, sau đó tiếp tục thiết lập một phòng thí nghiệm AI trên cơ sở hợp tác với các chuyên gia phân tích dữ liệu và các nhà lập trình.
Làn sóng thứ ba và cũng là làn sóng đang diễn ra hiện nay là AI tạo sinh (generative AI). Đây là giai đoạn được định hình bởi “các mô hình ngôn ngữ lớn có khả năng tạo ra văn bản theo ngôn ngữ kể chuyện trên quy mô lớn”.
Sự phát triển mới về công nghệ này mang tới cho nghề báo những ứng dụng vượt xa hơn các bản tin tức được tự động hóa và các phân tích dữ liệu. Giờ đây chúng ta có thể yêu cầu chatbot viết một bài báo dài hơn, cân bằng hơn về một chủ đề, hoặc thậm chí viết bài bình luận theo một góc độ nhất định. Chúng ta thậm chí còn có thể yêu cầu nó làm những việc này theo phong cách của một cây bút hay một đơn vị xuất bản tiếng tăm nào đó. Những ý tưởng về các tiềm năng ứng dụng của công nghệ mới đã nhân lên nhiều lần kể từ tháng 11 năm ngoái khi chính các nhà báo sử dụng công cụ AI tạo sinh để kiểm nghiệm tính năng của chatbot trong việc viết và biên tập.
"Báo chí của con người thì cũng đầy lỗi và chúng ta giảm thiểu các nguy cơ thông qua khâu biên tập. Điều tương tự cũng áp dụng với AI. Hãy đảm bảo là bạn hiểu những công cụ đang dùng và các nguy cơ của chúng. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào công nghệ”. GS. Charlie Beckett, trưởng dự án nghiên cứu JournalismAI của Polis/LSE. |
Vì sao ChatGPT chưa thể thay nhà báo?
Một phần lý do vì sao ChatGPT và các công cụ khác đã tạo ra quá nhiều phấn khích cho người dùng như vậy có lẽ từ thực tế chúng được vận hành theo cách đơn giản, thân thiện với người dùng và có thể giao tiếp với họ bằng chính ngôn ngữ tự nhiên. Đó là quan điểm của nhà báo Madhumita Murgia, biên tập viên AI của báo Financial Times, một chức danh “mới tinh” vừa có ở báo này.
Trước đó bà Madhumita Murgia là nhà báo công nghệ phụ trách khu vực EU của Financial Times. “Người ta có cảm giác như có một trí tuệ ở đó, mặc dù đó thực sự vẫn chỉ là một kiểu công nghệ dự đoán rất hiệu quả”, bà giải thích về mô hình ChatGPT. Cụ thể hơn, chatbot này không có khả năng tự suy nghĩ để trả lời chúng ta. Chúng được đào tạo bằng những nội dung và dữ liệu, từ đó tự tạo ra những nội dung mới dựa trên những gì đã được đào tạo để trả lời cho những yêu cầu/thắc mắc của người dùng.
Điều này có nghĩa mặc dù AI tạo sinh có thể rất hữu dụng trong việc tổng hợp thông tin, chỉnh sửa bản thảo và báo tin, song bà Murgia tin rằng AI tạo sinh như chúng ta thấy hiện nay đang thiếu một số kỹ năng cơ bản sẽ ngăn nó không thể đảm nhiệm được các vai trò quan trọng hơn trong báo chí. “Dựa trên những gì hiện nay của nó, đó là những cái không nguyên bản. Nó sẽ không tạo ra điều gì mới cả. Nó chỉ dựa trên những thông tin đã có. Và nó không có khả năng phân tíc cũng như không có tiếng nói (trong vấn đề nào đó - PV), bà Murgia giải thích.
Vì lẽ này, bà Murga cho rằng AI tạo sinh không thể đáp ứng các nhu cầu như có thêm những phân tích sâu hay phát triển thêm các khía cạnh nội dung khác về một chủ đề, những điều mà vì nó độc giả sẽ tìm tới những tờ báo như Financial Times. Dù vậy biên tập viên AI của Financial Times cũng thừa nhận nói như vậy không có nghĩa AI tạo sinh sẽ không thể trở nên mạnh mẽ hay tiến bộ hơn nữa vì công nghệ nền tảng của nó vẫn đang “tiến hóa”.
“Tôi vẫn muốn thực sự lạc quan về tiếng nói nguyên bản của con người, rằng không gì có thể thay thế được chúng ta. Và tôi nhất định tin là, với thực tại hiện nay của các mô hình ngôn ngữ tự nhiên, chúng không sáng tạo, không nguyên bản, không tạo ra bất cứ điều gì mới ở bất cứ phương diện nào. Nhưng chúng đang bắt chước những điều đó khá giỏi”, bà Murgia nhấn mạnh thêm về những nhược điểm cốt lõi của AI tạo sinh khi so sánh với nhà báo.
Bà Murgia đã không “duy ý chí” khi nói vậy. Thực thế cho thấy sau 6 tháng lộ diện, người ta cũng đã nhận ra một thách thức khác đặt ra với AI tạo sinh khi chúng muốn chiếm giữ vai trò lớn hơn trong nghề báo. Đó là việc ChatGPT vẫn thường tạo ra những nhầm lẫn về các thông tin thực (fact), đôi khi ngay cả trong những phiên bản thử nghiệm mở với công chúng. Điều này cũng đã xảy ra với các công cụ AI tạo sinh mới của Google và Microsoft ra đời sau ChatGPT.
“Các mô hình ngôn ngữ này thường gặp khó khăn trong việc tạo ra những thông tin chính xác và xác thực liên quan tới các sự kiện thời sự hoặc dữ liệu theo thời gian thực”, ông Francesco Marconi cũng đã chỉ ra yếu điểm này của AI tạo sinh, cho biết thêm chúng cũng rất chật vật trong việc xử lý các con số. Điều này cho thấy các công cụ AI hiện có không phù hợp để sản xuất tin nóng (breaking news), bởi đây là một hoạt động phức tạp và tốn kém, đòi hỏi quy trình kiểm chứng kỹ lưỡng, kiểm tra chéo các thông tin liên quan.
Giáo sư Charlie Beckett, trưởng dự án nghiên cứu JournalismAI của tổ chức nghiên cứu báo chí Polis Trường Kinh tế London (LSE), cảnh báo các tòa soạn thận trọng và không khuyến khích các nhà báo sử dụng những công cụ mới mà không có sự giám sát của con người. “AI sẽ không là một sự tự động hóa hoàn toàn việc sản xuất nội dung từ đầu chí cuối: nó là sự tăng cường để trao thêm cho những người làm nghề và những người sáng tạo các công cụ để làm việc nhanh hơn, giúp họ có thêm thời gian để làm những gì mà con người làm tốt nhất”, ông Charlie Beckett nói..
DƯƠNG KIM THOA