Công nghệ
Windows 10: Sự khởi đầu của cái kết
Sau khi thông báo ngừng hỗ trợ hệ điều hành Windows 10 vào năm 2025, tập đoàn phần mềm máy tính Microsoft sẽ tính phí người dùng để duy trì cập nhật bảo mật.
Windows 10 là hệ điều hành máy tính phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: Reuters |
Theo một hướng dẫn người dùng ở giai đoạn ngừng hỗ trợ chính thức Windows 10, Microsoft đã thông báo về chương trình cập nhật bảo mật mở rộng (ESU) nhằm tiếp tục cung cấp bản vá bảo mật cho các thiết bị chưa thể nâng cấp lên Windows 11. Mức phí này là 30 USD/năm cho người dùng cá nhân và mức phí khởi điểm 61 USD/thiết bị cho người dùng là doanh nghiệp.
Quyết định trên sẽ bảo vệ người dùng trước các rủi ro an ninh mạng khi hệ điều hành Windows 10 vẫn còn phổ biến trên thế giới. Nhưng một số người dùng đã bày tỏ lo ngại về sự phát sinh chi phí. Tính đến đầu năm 2023, Windows 10 đã có hơn 1,4 tỉ thiết bị đang hoạt động trên toàn thế giới. Khoản phí 30 USD/năm có thể không nhỏ đối với những người dùng cá nhân không có nhu cầu về tính năng mới từ Windows 11. Còn với những công ty có nhiều thiết bị sử dụng Windows 10, chi phí ESU cho các thiết bị trong thời gian dài cũng là một vấn đề phải bận tâm, nhất là khi chi phí của hoạt động của họ càng tăng.
Một phần lớn người dùng Windows 10 đang sử dụng các thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phần cứng để nâng cấp lên Windows 11. Điều này ảnh hưởng đến người dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, khi nhiều thiết bị vẫn hoạt động tốt song không đủ khả năng bảo mật theo yêu cầu mới của Microsoft. Vì thế, chương trình ESU có thể xem là lựa chọn khả thi nhất để duy trì an toàn mạng cho các thiết bị này.
Mặc dù vậy, người dùng sẽ chỉ nhận được các bản vá bảo mật thiết yếu mà không có thêm bất kỳ cải tiến nào về tính năng. Điều này đồng nghĩa với việc, dù phải trả phí, người dùng chỉ nhận các bản cập nhật bảo mật để đảm bảo an ninh chứ không được hưởng lợi từ những đổi mới hay nâng cấp trải nghiệm sử dụng.
Sau khi Microsoft công bố chính sách thu phí 30 USD/năm để tiếp tục nhận cập nhật bảo mật cho Windows 10, nhiều người dùng đưa ra các ý kiến trái chiều. Trên diễn đàn Reddit, nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này đã diễn ra sôi nổi.
Một số người cho rằng mức phí 30 USD là quá cao, đặc biệt khi chỉ bao gồm các bản vá bảo mật cơ bản và không có tính năng mới nào cho hệ điều hành cũ. Một số người dùng khẳng định họ không sẵn sàng trả phí và sẽ cân nhắc chuyển sang các hệ điều hành khác như Linux hoặc macOS để tránh lệ thuộc vào mô hình trả phí của Microsoft.
Một vài ý kiến nhận định việc áp dụng phí ESU chỉ là sự khởi động để Microsoft dần chuyển Windows sang mô hình đăng ký dài hạn, có thể sẽ áp dụng cho những phiên bản Windows tiếp theo. Trong khi đó, những người khác cho rằng thay vì hỗ trợ người dùng, Microsoft đang buộc người dùng chọn giữa việc nâng cấp phần cứng để chuyển sang Windows 11 hoặc chi thêm tiền nếu muốn duy trì bảo mật trên Windows 10.
Các cuộc thảo luận cho thấy phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng người dùng trước chính sách này, đặc biệt là từ những người dùng Windows 10 trên các thiết bị cũ không đáp ứng yêu cầu phần cứng để nâng cấp lên Windows 11.
Trong tình hình hiện nay, người dùng Windows 10 đang không có nhiều lựa chọn. Đối với những người có khả năng nâng cấp phần cứng, chuyển sang Windows 11 là một lựa chọn lâu dài. Còn với người dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ sở hữu thiết bị chưa tương thích, chương trình ESU giúp duy trì bảo mật nhưng không phải là giải pháp dài hạn.
Những hệ điều hành khác hoặc hệ điều hành mã nguồn mở có thể là lựa chọn thay thế nếu người dùng không muốn gắn bó với mô hình thu phí duy trì bảo mật. Nhưng việc thay đổi hệ điều hành cũng khiến người dùng phải cân nhắc về sự tương thích và chi phí.
Theo baotintuc.vn