Kinh tế
Đơn hàng tăng, doanh nghiệp tuyển thêm lao động
Các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang tăng cường tuyển dụng lao động cũng như tăng thời gian sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nỗ lực để đạt kết quả kinh doanh năm 2023 cao nhất.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: M.Q |
Lượng đơn hàng tăng
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từ đầu quý 4 đến nay liên tục tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng, trong tháng 10, có hơn 100 đơn vị gửi thông báo tuyển dụng đến trung tâm với hơn 7.100 vị trí. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ngành điện, may mặc, thủy sản tuyển dụng số lượng lớn lao động như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tuyển 1.000 người; Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam tuyển 500 người…
Ông Nguyễn Vũ Khoa Nguyên, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, cho biết doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn lao động do vừa đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, hiện tổng số người lao động công ty khoảng hơn 3.100 người và tiếp tục tuyển dụng đến khi đủ nhu cầu.
Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đang nỗ lực để đạt mục tiêu sản xuất khoảng 25.000 tấn giấy trong năm 2023, tăng 10% so với năm 2022. Ông Hà Ngọc Thống, giám đốc công ty, cho biết số lượng người lao động tại công ty hiện nay hơn 400 người, tăng 20% so với đầu năm và công ty vẫn tiếp tục tuyển dụng vì nhu cầu hàng hóa của đối tác đang tăng trở lại.
Tuy khối lượng hàng hóa sản xuất tăng nhưng doanh thu công ty dự kiến đạt 400 tỷ đồng, bằng 80% so với mục tiêu năm 2023 (500 tỷ đồng), lý do vì giá thành sản phẩm phải hạ xuống 15% để “giữ chân” khách hàng, bảo đảm lượng đơn hàng cho người lao động. Tương tự, Công ty TNHH In Trùng Khoa (KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà) cũng tuyển dụng thêm nhân sự để đáp ứng các đơn hàng sản xuất bìa carton cho một số đối tác, được biết, lượng đơn hàng quý 4 của công ty tăng hơn 10% so với trước đó.
Trong khi đó, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu phục vụ thị trường Giáng sinh từ châu Âu, châu Mỹ và tăng tốc để hoàn thành đơn hàng cho thị trường Nhật Bản.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết sản lượng xuất khẩu thủy sản đông lạnh trong 10 tháng năm 2023 đạt 10.087 tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022 (9.958 tấn), đạt giá trị xuất khẩu 100,2 triệu USD, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2022 (118 triệu USD). Đối với Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nguyên nhân doanh thu giảm nhưng số lượng hàng hóa tăng là để “giữ chân” khách hàng, giảm giá thành sản phẩm để duy trì hợp đồng với đối tác. Ông Lĩnh cho rằng số lượng đơn hàng tăng vẫn là tín hiệu tích cực.
Công nghiệp khởi sắc
Theo báo cáo kinh tế - xã hội thành phố tháng 11 và 11 tháng năm 2023 của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11-2023 ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, tính chung 11 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nhóm ngành đạt mức tăng trưởng khá trong 11 tháng năm 2023, góp phần đáng kể vào việc thu hẹp chỉ số sụt giảm chung của toàn ngành công nghiệp, điển hình như: sản xuất xe có động cơ tăng 42,8%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 25,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 22,8%; sản xuất đồ uống tăng 19,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 16,9%...
Nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ, như: sản phẩm in khác tăng 52,9%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 42,8%; bộ phận và các phụ tùng của máy tính tăng 31,7%; nước ngọt và tôm đông lạnh tăng 24,5%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 tăng 2,2% so với tháng trước; chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tháng 11 tăng 0,2% so với tháng trước. Bên cạnh đó, ước tính tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều tháng 11-2023 đạt 255 triệu USD, tăng 3,2% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 148 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng trước; nhập khẩu đạt 107 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng trước.
Có thể thấy, sản xuất công nghiệp thành phố đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận với nguồn vốn khuyến công năm 2023 như Công ty TNHH Sản xuất bao bì carton Hòa Bình (300 triệu đồng), Công ty TNHH sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (300 triệu đồng)…
Được biết, thành phố dành nguồn lực cho các chương trình khuyến công 4,5 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất; hỗ trợ mẫu mã, bao bì sản phẩm cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối, hội chợ công nghiệp… Bên cạnh đó, xác định yêu cầu về chuyển đổi sản xuất xanh, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đang hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thông qua các lớp tập huấn, đề xuất doanh nghiệp tham gia dự án “nhà máy thông minh” để doanh nghiệp tiếp cận các phương pháp sản xuất, quản lý hiện đại.
MAI QUẾ