Kinh tế

Tránh tình trạng đã có chủ trương đầu tư nhưng lại không triển khai dự án

08:04, 15/03/2024 (GMT+7)

Ngày 14-3, Đoàn giám sát HĐND thành phố do Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn làm Trưởng Đoàn giám sát có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện các quy định pháp luật về quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công nhóm C theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 25-6-2021 của HĐND thành phố”.

Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Qua rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ khi Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 25-6-2021 của HĐND thành phố có hiệu lực, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 288 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4.370 tỷ đồng và ủy quyền cho UBND các quận phê duyệt chủ trương đầu tư 343 dự án từ nguồn vốn dân sinh giao cho các quận quản lý theo mô hình chính quyền đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 1.378 tỷ đồng; trong đó, đến nay, có 316 dự án đã thi công hoàn thành, 94 dự án đang triển khai thi công, 85 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, 128 dự án đang tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và 4 dự án đã có quyết định đầu tư nhưng gặp vướng mắc chưa triển khai thi công được bởi nhiều nguyên nhân.

Bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nhóm C cơ bản đáp ứng so với yêu cầu hiện nay; đặc biệt là các dự án dân sinh do các quận chủ động triển khai thực hiện đã kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách, tính cấp thiết đặt ra đối với ý kiến người dân, ý kiến cử tri phản ánh, kịp thời phục vụ nhu cầu dân sinh.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án nhóm C theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngoài những ưu điểm, thuận lợi cũng có những khó khăn, vướng mắc như việc chuyển đổi đơn vị chủ trì đề xuất chủ trương đầu tư từ các ban quản lý dự án sang các cơ quan chuyên môn theo quy định của Luật Đầu tư công bước đầu còn lúng túng. Công tác phối kết hợp giữa chủ đầu tư, các sở, ngành trong giải quyết công việc có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Ngoài ra, theo quy định, công tác lập quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua, dẫn đến việc triển khai công tác lập dự án luôn bị động trong việc thực hiện các công việc liên quan như: khảo sát địa chất, lập hồ sơ thiết kế cơ sở, trình hồ sơ dự án. Cụ thể, phải điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với các đồ án quy hoạch phân khu, dữ liệu địa hình không kịp thời xây dựng và cập nhật mới dẫn đến các đơn vị vẫn còn nhiều lúng túng trong cách vận dụng và chưa hoàn thành được bản đồ địa hình với đầy đủ tính pháp lý. Hồ sơ đồ án có khối lượng lớn, mức độ phức tạp cao, phải bảo đảm tính kế thừa, đồng thời phải bảo đảm quy chuẩn tại thời điểm lập quy hoạch… đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu được giao…

Ghi nhận các ý kiến góp ý của các thành viên trong Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn khẳng định đây là cuộc giám sát chuyên đề lớn. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện báo cáo gửi HĐND thành phố trước ngày 18-3.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn, đối với dự án đầu tư công nhóm C theo Nghị quyết của HĐND thành phố, Đoàn giám sát sẽ làm việc nhiều lần đến từng đơn vị, sở, ngành, địa phương thì mới giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án nhóm C.

“Quan điểm của thành phố là đối với các dự án nhóm C đã được có chủ trương đầu tư thì cần hoàn thành các thủ tục để dự án sớm được triển khai theo kế hoạch, tránh tình trạng dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng lại không triển khai, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Các sở ngành, địa phương cần chủ động rà soát các quy trình, thủ tục để sớm khắc phục các tồn tại của dự án mà các thành viên trong Đoàn giám sát cũng như Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Riêng đối với các dự án nhóm C đã quá thời hạn 3 năm hay từ nhóm B chuyển sang nhóm C thì các sở, ngành, địa phương phải có báo cáo và bảo đảm các quy trình, thủ tục theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cần phải có báo cáo kỹ hơn về các quy trình thủ tục thực hiện dự án cũng như hiện nay có bao nhiêu dự án chuẩn bị đầu tư và có bao nhiêu dự án không được đầu tư nhằm đánh giá tổng thể để có đề xuất thực hiện các dự án cho phù hợp”, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh.

TRỌNG HÙNG

.