Kinh tế

Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững

09:34, 27/04/2024 (GMT+7)

Nền nông nghiệp Đà Nẵng đã và đang chuyển dịch, tái cơ cấu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoạt động trình diễn sử dụng thiết bị bay (drone) để phun phân bón lá hữu cơ tại cánh đồng thôn Tây An, xã Hòa Châu. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hoạt động trình diễn sử dụng thiết bị bay (drone) để phun phân bón lá hữu cơ tại cánh đồng thôn Tây An, xã Hòa Châu. Ảnh: VĂN HOÀNG

Đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy hoạch phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 12 phân khu được điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Với diện tích khoảng 2.986ha, chức năng chính của phân khu là khai thác, nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, trình diễn, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chuyên canh, sinh thái kết hợp du lịch. Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 25-4-2022. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đang triển khai lập đồ án quy hoạch phân khu.

Đối với đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 65,9ha. Cụ thể: vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong, diện tích 16,2ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú, diện tích 20,9ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Khương, diện tích 28,8ha. Cả 3 vùng đã được khớp nối với quy hoạch phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch chung thành phố.

Được biết, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hàng rào dự án và đang triển khai thu hút xúc tiến đầu tư theo hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định. Hai vùng còn lại đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện các phần việc liên quan để xây dựng phương án thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất sau khi công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án được hoàn thành.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, OCOP gắn với phục vụ du lịch. Qua thực tế triển khai, các nội dung chính sách bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, đặc trưng trên địa bàn thành phố; phát huy hiệu quả Chương trình OCOP, tạo điều kiện để chủ thể tiếp cận được các nội dung hỗ trợ để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các chủ thể OCOP được hỗ trợ theo nhiều chính sách để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại như: chứng nhận VietGAP, ISO, HACCP; đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm; thiết kế, xây dựng mã QR, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng nhãn hiệu…

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Đà Nẵng đã và đang chuyển dịch theo đúng định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tạo được sự phát triển vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản được hình thành; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung, cụ thể: ứng dụng trong sản xuất rau, màu là 13,54/43,72ha, chiếm tỷ lệ 30,98%; trong sản xuất hoa là 4,6/22ha, chiếm tỷ lệ 20,9%; nhân rộng, phát triển vùng trồng bưởi da xanh Hòa Ninh từ 10ha lên 70ha…

Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã tích cực thực hiện Chương trình OCOP; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch; hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái để làm hạt nhân, tạo động lực trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng cao chất lượng, chuẩn hóa tiêu chuẩn, trở thành sản phẩm OCOP và phát huy tiềm năng, lợi thế và sức mạnh cộng đồng như kiệu hương Hòa Nhơn, bưởi da xanh Hòa Ninh, gà thả vườn Kê Sơn, chè dây Hòa Bắc, chả cá thát lát Hòa Khương…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Huy cho biết, thời gian đến, sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hòa Vang để đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư nhằm sớm đưa các vùng nông nghiệp công nghệ cao vào hoạt động, trong đó, nghiên cứu, xây dựng phương án thu hút đầu tư theo quy định; tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình hành động số 23-Ctr/TU của Thành ủy Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp phục vụ du lịch; hỗ trợ phát triển giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, làng nghề, sản phẩm OCOP; nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp, ưu tiên tập trung hỗ trợ, hình thành mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

VĂN HOÀNG

.