Kinh tế

Tăng tốc xây dựng đề án phát triển chíp bán dẫn và vi mạch

23:02, 26/04/2024 (GMT+7)

ĐNO - Chiều 26-4, UBND thành phố tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cùng chủ trì.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: M.Q
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: M.Q

9 giải pháp phát triển ngành vi mạch, bán dẫn

Thông tin tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) thông tin sơ bộ về dự thảo đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".

Đề án gồm 3 phần: phần tổng quan bối cảnh xây dựng đề án, phần nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và phần tổ chức thực hiện.

Trong phần tổng quan, dự thảo phân tích bối cảnh quốc tế và xu hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới, trong đó tập trung khái quát thực trạng của ngành, bối cảnh thiếu nguồn cung chíp bán dẫn và xu hướng phát triển ngành của các quốc gia gồm có Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ.

Đồng thời phân tích thực trạng ngành công nghiệp vi mạch bán, dẫn của Việt Nam và Đà Nẵng để làm rõ cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm thế giới cho các mục tiêu, giải phần phần thứ hai.

Trong phần nội dung đề án, dự thảo đề xuất mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đồng thời khuyến nghị 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra

Cụ thể: các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng; giải pháp về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; giải pháp về phát triển và tiến tới làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn; giải pháp về sở hữu trí tuệ; giải pháp về thu hút đầu tư; giải pháp về truyền thông; và giải pháp về hỗ trợ triển khai.

Phần tổ chức thực hiện sẽ được xây dựng sau khi tiếp nhận các góp ý, đề xuất, cũng như xem xét các yếu tố liên quan.

Dự kiến, đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà nẵng" sẽ được UBND thành phố ban hành vào giữa năm 2024, là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ; thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch, bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.

Cần nhiều ưu đãi để thúc đẩy ngành vi mạch, bán dẫn phát triển

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: M.Q
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: M.Q

Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, có 3 yếu tố quan trọng là hạ tầng, thể chế chính sách và con người. Đà Nẵng có thuận lợi về hạ tầng giao thông, kết nối logistic…

Bên cạnh đó, yếu tố nhân lực cũng là điểm cộng. Đà Nẵng đã được ghi nhận khi có sự vào cuộc nhanh chóng trong giai đoạn đầu từ việc tích cực làm việc đơn vị, quốc gia bán dẫn, nghiên cứu khảo sát thị trường... Tuy vậy, giai đoạn tiếp theo là khâu quan trọng. Đà Nẵng cần xác định rất rõ mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và biện pháp khả thi gắn với từng giai đoạn.

Ngành vi mạch, bán dẫn bao gồm nhiều công đoạn như thiết kế, lắp ráp, kiểm thử và đóng gói… Mỗi công đoạn có yêu cầu, đặc điểm riêng. Khâu thiết kế chú trọng nhất vào nguồn lực con người, vậy nên đi kèm với mục tiêu về phát triển năng lực thiết kế chip bán dẫn trên địa bàn thì tập trung những cơ chế chính sách dành cho con người.  Cụ thể, chính sách dành cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, học sinh, sinh viên…

Về khâu lắp ráp, cần hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp có mối liên quan chặt chẽ với nhau để cùng sản xuất. Đà Nẵng có lợi thế về Khu công nghệ cao với nhiều ưu đãi về thuế, đất. Tuy vậy, quy trình thủ tục đầu tư khá lâu và nhiều công đoạn.

Nên thành phố cần thành lập tổ công tác đặc biệt tiếp nhận mọi yêu cầu của nhà đầu tư và được chỉ đạo bởi lãnh đạo cao nhất của thành phố, nhằm rút ngắn quy trình đầu tư. Bên cạnh đó cần lưu ý trách nhiệm của các bên liên quan cần được nêu rõ trong đề án, gắn với thời gian biểu cụ thể.

Ông Nguyễn Bảo Anh, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: M.Q
Ông Nguyễn Bảo Anh, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: M.Q

Ông Nguyễn Bảo Anh, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam nhận định, đối với một công ty công nghệ khi quyết định đầu tư vào thành phố thì họ sẽ quan tâm những vấn đề chính sau: nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý và thuế; hỗ trợ về văn phòng, cơ sở hạ tầng.

Theo đó, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ở 2 nhóm chính là: nhóm kinh nghiệm trình độ cao; nhóm nhân lực mới. Đối với nhóm kinh nghiệm trình độ cao, để thu hút đối tượng này bản thân doanh nghiệp cần có những gói hay chương trình phúc lợi và lương cạnh tranh, hoặc đặc điểm khác biệt để thu hút nhân tài (như văn hóa, chiến lược kinh doanh, công nghệ đặc thù…).

Nếu chỉ tập trung vào nhân lực ở Đà Nẵng thì sẽ không đủ, nên cần thu hút từ các tỉnh, thành phố khác hoặc Việt kiều. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì thành phố cần xây dựng hạ tầng, có chính sách hỗ trợ.

Đối với nhóm nhân lực mới, việc các trường đại học cùng với thành phố chung tay xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao thôi chưa đủ mà cần có những yếu tố thu hút số lượng sinh viên đăng ký tham gia học và ra trường chọn ngành liên quan.

Về hạ tầng, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành vi mạch, bán dẫn. Về vấn đề hỗ trợ pháp lý và thuế, nên có ưu đãi thuế và có cổng thông tin hỗ trợ, trung tâm hỗ trợ liên kết các đầu mối công việc của doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, từ quý 4-2023 đến nay, thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng như tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 11-2023 và tháng 2-2024, làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch, bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Qualcomm, Intel…; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (Trung tâm DSAC), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông và đi vào hoạt động vào ngày 26-1-2024.

Từ sau các chuyến công tác, nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo (AI) của thành phố; tiến hành khảo sát môi trường đầu tư và chuẩn bị các điều kiện để hợp tác đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tại thành phố.

Về hạ tầng, Khu Công viên phần mềm số 2 đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2024. Bên cạnh đó, thành phố đang đề xuất với Quốc hội các cơ chế hỗ trợ thu hút chuyên gia, người dạy, người học, chính sách về sử dụng cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về phía doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các đơn vị tiếp tục đồng hành, phối hợp cung cấp các thông tin, số liệu thiết yếu để tạo cơ sở dữ liệu chuẩn, giúp công tác đánh giá thực trạng ngành và hoạch định tầm nhìn được chính xác, đúng trọng tâm; tiếp tục hỗ trợ hiến kế, đóng góp ý kiến về các đề án, chính sách phát triển vi mạch, bán dẫn mà thành phố đang và sẽ xây dựng trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh tiến trình thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ toàn cầu.

MAI QUẾ

 

.