Kinh tế

Bảo đảm cấp điện cho miền Trung và truyền tải ra miền Bắc

07:44, 27/05/2024 (GMT+7)

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành điện lực và các đơn vị tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cấp điện an toàn cho thành phố Đà Nẵng và miền Trung; đồng thời truyền tải công suất cao ra cấp điện cho miền Bắc trong mùa nắng nóng. Nhiệm vụ này cũng đòi hỏi các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân chung tay thực hiện đồng bộ, tích cực và trách nhiệm.

Công nhân bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại Trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn để bảo đảm cấp điện cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: QUANG THẮNG
Công nhân bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại Trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn để bảo đảm cấp điện cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: QUANG THẮNG

Bài 1: Phát huy bài học kinh nghiệm bảo đảm nguồn điện

Năm 2023, trong mùa hè thiếu điện ở miền Bắc và một số tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và một số tỉnh ở khu vực miền Trung không những không bị thiếu điện, không phải cắt điện luân phiên, mà còn góp phần truyền tải điện công suất cao an toàn ra miền Bắc. Bài học kinh nghiệm rút ra từ mùa hè năm ngoái đang được các đơn vị phát huy để bảo đảm cấp điện trong mùa nắng nóng năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trữ nước trong các hồ thủy điện

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, do có sự quản lý điều tiết nguồn nước trong các hồ thủy điện vào tháng 3 và 4-2023 đã góp phần giúp cho hai địa phương không phải chịu cảnh thiếu điện, không bị cắt điện luân phiên vào tháng 5 và 6-2023. Phó Phòng khoáng sản và tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng) Đặng Nguyễn Thục Anh cho rằng: “Đà Nẵng và Quảng Nam đã kịp thời can thiệp mới giữ được nguồn nước trong các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Nếu không, hai địa phương sẽ bị cắt điện luân phiên vì thiếu nước trong các hồ thủy điện”.

Năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động các hồ thủy điện xả nước để phát điện nhiều trong tháng 3 và 4; đồng thời, dự tính sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 và 6-2023 sẽ được bù lại nhờ mưa, lũ tiểu mãn từ tháng 5-2023 như mọi năm. Tuy nhiên, do tác động của El Nino, đến giữa tháng 6-2023, ở khu vực miền Bắc mới bắt đầu có mưa nên đã xảy ra thiếu điện ở miền Bắc từ tháng 5 và đến gần cuối tháng 6-2023. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay, EVN đã chỉ đạo các chủ hồ thủy điện trữ nước ngay từ đầu năm 2024 để huy động phát điện công suất cao trong mùa nắng nóng.

Trữ lượng nước được tích trong các hồ thủy điện bảo đảm sản xuất điện trong mùa nắng nóng năm 2024. Trong ảnh: Hồ thủy điện Sông Bung 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia.
Trữ lượng nước được tích trong các hồ thủy điện bảo đảm sản xuất điện trong mùa nắng nóng năm 2024. Trong ảnh: Hồ thủy điện Sông Bung 4 ở thượng nguồn sông Vu Gia. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ngay từ tháng 1-2024, lãnh đạo EVN và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã làm việc với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... cùng các đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện về công tác bảo đảm cấp nước ở hạ du và tích trữ nước trong các hồ. Đặc biệt, lãnh đạo A0 đề nghị đề nghị các địa phương chắt chiu nước, sử dụng hiệu quả từng khối nước từ các hồ thủy điện xả về nhằm làm giảm ít nhất 50% lưu lượng nước xả về hạ du từ tháng 1 đến tháng 4-2024 để trữ nước, phục vụ cấp điện và nước từ tháng 5 đến tháng 8-2024. Tính đến ngày 30-4-2024, có hơn 21,14 tỷ m3 nước hữu ích được tích trữ trong 36 hồ thủy điện lớn do EVN quản lý, tương đương 68,67% dung tích hữu ích thiết kế các hồ chứa, nhiều hơn 13,1 tỷ m3 nước so với cùng kỳ năm 2023. Trữ lượng nước đang được tích trữ trong các hồ chứa có thể sử dụng để phát sản lượng điện thấp nhất là 4,824 tỷ kWh.

Vừa truyền tải điện vừa bảo đảm cấp điện địa phương

Theo thông tin báo chí của EVN ngày 8-5 về tình hình hoạt động tháng 4-2024 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 5-2024, công suất cực đại toàn quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào ngày 27-4-2024 ở mức 47.670MW (công suất cực đại cao nhất năm 2023 là 46.348MW), sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc trong 1 ngày đã tăng lên kỷ lục gần 993 triệu kWh vào ngày 26-4-2024. EVN huy động nguồn điện tối đa từ các nhà máy nhiệt điện than, khí, kết hợp tăng cường truyền tải điện tối đa từ miền Trung ra miền Bắc và huy động các nhà máy thủy điện phù hợp nhằm giữ nước trong các hồ để bảo đảm cung cấp điện đến cuối mùa khô 2024.

Hệ thống truyền tải điện miền Trung được ví như chiếc “đòn gánh” để “gánh” điện qua hai đầu đất nước. Ở giữa “đòn gánh”, Đà Nẵng có 3 tuyến (mạch) đường dây điện siêu cao áp 500kV đi qua, trong đó, mạch 1 và mạch 2 được đấu nối trực tiếp vào Trạm biến áp (trạm) 500kV Đà Nẵng (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); còn mạch 3 cũng liên kết với trạm 500kV Đà Nẵng trên mạch kết nối với trạm 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi). Vào mùa nắng nóng, do nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc quá lớn, nguồn điện từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Lào được huy động về trạm 500kV Đà Nẵng và các trạm ở miền Trung như: Dốc Sỏi (Quảng Ngãi), Thạnh Mỹ (Quảng Nam), Quảng Trạch (Quảng Bình) và Hà Tĩnh... để truyền tải công suất cao ra miền Bắc.

Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều nguồn điện để truyền tải điện ra miền Bắc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều nguồn điện để truyền tải điện ra miền Bắc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 Nguyễn Duy Dũng chia sẻ, chiếc “đòn gánh gánh điện cho hai đầu đất nước” phản ánh tầm quan trọng của cung đoạn lưới điện qua 7 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Mỗi vấn đề phát sinh tại khu vực nếu không được kiểm soát và xử lý kịp thời, đều có khả năng gây ra hậu quả không lường trước được đối với toàn bộ hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nhận thức rõ vấn đề này và phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong năm 2023, công ty đã, đang thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vận hành lưới điện truyền tải điện an toàn, liên tục, hiệu quả, nhất là trong mùa khô năm 2024.

Bên cạnh hệ thống truyền tải 500kV, còn có đường dây 220kV cấp điện cho thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận theo các hướng truyền tải qua các trạm 220kV như Sông Bung 2, 4 (thủy điện)- Thạnh Mỹ; A Vương (thủy điện) - Hòa  Khánh; Hòa Khánh - Đà Nẵng; Đà Nẵng- Tam Kỳ - Dốc Sỏi; Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn; Hòa Khánh - Huế; Huế - Đông Hà; Đông Hà - Đồng Hới... Chính vì vậy, những năm gần đây, dù phải truyền tải điện công suất cao từ trạm 500kV Đà Nẵng và miền Trung ra miền Bắc, 7 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum vẫn được bảo đảm cấp điện. Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), dù thành phố không bị thiếu nguồn điện, không bị cắt điện luân phiên như ở miền Bắc trong mùa hè năm 2023, nhưng PC Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cấp điện cho thành phố và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiết kiệm điện. Những giải pháp này đang được PC Đà Nẵng triển khai tích cực để bảo đảm cấp điện trong mùa nắng nóng năm nay.

HOÀNG HIỆP

.