Kinh tế

Hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống kỹ năng livestream bán hàng

07:52, 07/06/2024 (GMT+7)

Ngành công thương thành phố triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao kỹ năng bán hàng, giao tiếp cho tiểu thương trên nền tảng mạng xã hội, từng bước tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống; góp phần thực hiện mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số của ngành công thương Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Các tiktoker hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh kỹ năng livestream bán hàng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Các tiktoker hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh kỹ năng livestream bán hàng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Chủ động thích ứng

Nhiều năm kinh doanh các sản phẩm từ yến, chị Võ Thị Lệ, tiểu thương chợ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, so với việc bán hàng trực tiếp, phương thức livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội mang lại hiệu quả cao về doanh thu và quảng bá thương hiệu, hình ảnh cửa hàng tốt hơn. Trong những lần tiếp xúc với phương thức này, chị Lệ và nhiều tiểu thương khác rất bỡ ngỡ, ngại ngùng và chưa tự tin khi giao tiếp với khách hàng trên nền tảng mạng xã hội. Chị cho biết, sau đợt tập huấn đầu tiên do Sở Công Thương tổ chức vào tháng 5-2024, chị đã tự trải nghiệm livestream, nhận được một số đơn hàng, phản hồi tích cực của khách hàng.

“Để tiểu thương tiếp cận, khai thác hiệu quả phương thức bán hàng này, Sở Công Thương cũng như các đơn vị hỗ trợ cần có những chương trình chuyên sâu “cầm tay chỉ việc” theo từng cấp độ. Tôi rất ủng hộ việc bán hàng livestream vì đây là phương thức kinh doanh phù hợp với nhu cầu của khách hàng hiện nay. Nếu không chủ động thích ứng, tiểu thương tại chợ truyền thống sẽ rất khó cạnh tranh với nhiều tiểu thương, cửa hàng bên ngoài”, chị Lệ cho hay.

Tại một số chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, dù nhận thức được tiềm năng của phương thức livestream bán hàng, nhưng đa số tiểu thương vẫn không triển khai thực tế do nhiều yếu tố như nhân lực hạn chế, chưa quen, thiếu tự tin giao tiếp, ngành hàng không phù hợp... Đồng tình với những lý do trên, ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn cho rằng, việc kết hợp bán hàng đa kênh là quá trình lâu dài, cần hỗ trợ của ngành công thương và sự kiên trì, chủ động học hỏi của các tiểu thương.

Chợ Cồn có khoảng 1.800 gian hàng, tuy nhiên số lượng hộ kinh doanh triển khai bán hàng online, livestream… rất hạn chế. Đa số các tiểu thương đều chưa tiếp cận, bỡ ngỡ trước phương thức bán hàng livestream và các nền tảng thương mại điện tử khác. Để ứng dụng hiệu quả, các tiểu thương cần mạnh dạn hơn khi quảng bá về sản phẩm, thương hiệu; nguồn hàng phải bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; nâng cao văn minh thương mại, giá cả phù hợp, thu thuế thương mại điện tử… “Việc bán hàng trực tuyến qua hình thức livestream không chỉ giúp quảng bá sản phẩm của các tiểu thương mà còn thu hút, lan tỏa thương hiệu chợ Cồn đến du khách trong nước và quốc tế khi tới Đà Nẵng”, ông Thoại chia sẻ.

Nhiều hoạt động hỗ trợ, giải pháp nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến được ngành công thương triển khai. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều hoạt động hỗ trợ, giải pháp nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến được ngành công thương triển khai. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tập trung các giải pháp hỗ trợ

Ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhìn nhận, việc hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh phát triển thương mại điện tử sẽ khó khăn hơn nhiều so với doanh nghiệp. Các địa phương trên toàn quốc đã hỗ trợ tiểu thương livestream bán hàng, phát triển thương mại điện tử. Tại Đà Nẵng, hiệp hội và Sở Công Thương đã phối hợp triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu đầu tiên với các mẫu (module) được xây dựng, ứng dụng tổng thể từ vấn đề đào tạo, huấn luyện, chính sách, nguồn hàng... Mục tiêu quan trọng nhất là từng bước thay đổi nhận thức, xây dựng chính sách, nguồn hàng, tạo ra tư duy mới trong kinh doanh bán hàng của tiểu thương.

Năm 2024, sở sẽ tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy việc ứng dụng thương mại điện tử tại các chợ truyền thống; hỗ trợ các tiểu thương cập nhật kiến thức, kỹ năng thích ứng và áp dụng các giải pháp thương mại điện tử; tạo mô hình thí điểm nhân rộng trên địa bàn thành phố. Qua đó, thu hút khách hàng trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm tại các chợ truyền thống; từng bước tháo gỡ khó khăn trước áp lực cạnh tranh với xu thế bán hàng mới. Cụ thể như tập huấn, đào tạo kỹ năng livestream bán hàng, kỹ năng giao tiếp, văn minh thương mại cho tiểu thương; tổ chức lễ phát động chợ livestream bán hàng - Đà Nẵng 2024; quầy hàng Mega livestream bán hàng trực tuyến tại chợ Cồn; tổ chức quầy hàng tư vấn hướng dẫn livestream bán hàng; phát động các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm tại chợ Cồn đến hết tháng 6-2024...

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, thói quen mua bán hàng hóa thông qua phương thức livestream đang phát triển nhanh chóng, trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả trong kinh doanh. Đây cũng là phương thức được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Trong năm 2024, sở đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho các tiểu thương có nhu cầu tại các chợ hạng 1 để nâng cao kỹ năng bán hàng livestream và sẽ tiếp tục mở rộng, hỗ trợ nhiều chợ khác trên địa bàn. Ngoài ra, sở cũng có kế hoạch hỗ trợ tiểu thương tham gia các sàn thương mại điện tử nổi tiếng. Việc thay đổi, thích nghi với phương thức bán hàng mới của các tiểu thương không chỉ giúp chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng hàng hóa và hoạt động logistics ở chợ truyền thống, hướng tới chợ thông minh mà còn góp phần cùng Sở Công Thương và thành phố thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số.

VĂN HOÀNG

.