Kinh tế
Đà Nẵng hướng đến giao dịch tín chỉ carbon
Trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Theo đó, thành phố được hưởng 100% nguồn thu ngân sách từ giao dịch tín chỉ carbon và sử dụng cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giúp thành phố phát triển bền vững.
Thành phố sẽ duy trì độ che phủ rừng và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 để hướng đến phát thải carbon thấp và xây dựng đô thị sinh thái. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải carbon hay khí nhà kính (yếu tố chính gây nên sự ấm lên của toàn cầu) rất nhỏ, nhưng lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là sự gia tăng về cường độ các loại hình thiên tai như bão, mưa lớn, lũ lụt, rét hại, nắng nóng, hạn hán... Việc hình thành một thị trường carbon tại Việt Nam, tiến đến kết nối với thị trường carbon quốc tế là rất cần thiết và là điều kiện tiên quyết để giảm phát thải carbon.
Từ năm 2008, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng thành phố môi trường và đến nay đã thiết lập sự cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường, kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa. Thành phố cũng nhận được nhiều giải thưởng về môi trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, năm 2012, tại hội nghị về năng lượng của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 diễn ra ở Washington (Hoa Kỳ), Đà Nẵng là một trong 20 thành phố trên thế giới nhận được giải thưởng “Thành phố carbon thấp”.
Hiện nay, thành phố Yokohama (Nhật Bản) đang triển khai chương trình hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật cho Đà Nẵng thực hiện quá trình chuyển đổi sang carbon thấp; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; hỗ trợ kỹ thuật phát triển khu công nghiệp xanh và sinh thái...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho hay, dự báo theo kịch bản thông thường, lượng phát thải ròng từ các nguồn phát thải chính của thành phố Đà Nẵng sẽ ở mức 6,3 triệu tấn CO2 (tđ) vào năm 2025 và ở mức 9,4 triệu tấn CO2 (tđ) vào năm 2030. Thành phố dự kiến tạo ra tín chỉ carbon từ một số chương trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước của thành phố, nhất là trong lĩnh vực năng lượng với 2 nhóm giải pháp cơ bản là tăng tỷ trọng thâm nhập của các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao vào trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải (trong đó, thành phố chọn trọng số về lĩnh vực công nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên); tái cấu trúc thị trường giao thông, trong đó giải quyết lượng phát thải từ hoạt động tiêu thụ nhiên liệu bình thường, chuyển dịch sử dụng năng lượng đối với các phương tiện giao thông công cộng và cá nhân từ nhiên liệu đốt sang điện...
Thành phố Đà Nẵng lựa chọn cách tiếp cận thị trường tín chỉ carbon với tư cách là “người bán” vì hiện nay, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu cao về mua tín chỉ carbon. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ bám sát cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội để tham mưu lãnh đạo thành phố hình thành một thị trường carbon tại Đà Nẵng và có thể là nơi giao dịch tín chỉ carbon của khu vực cũng như có tầm nhìn xa hơn trong tương lai gần. Sau khi xác định tỷ lệ đóng góp về lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính cho mục tiêu chung của quốc gia, tín chỉ carbon được hình thành các chương trình, dự án đầu tư bằng ngân sách thành phố sẽ được giao dịch với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với lượng tín chỉ carbon sẽ được hình thành trong tương lai và qua hoạt động kiểm soát về môi trường, đầu tư các giải pháp công trình và phi công trình, hy vọng thị trường carbon tại thành phố Đà Nẵng sẽ tương đối hiệu quả.
Thành phố được hưởng 100% nguồn thu từ bán tín chỉ carbon Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, tín chỉ carbon được hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố Đà Nẵng được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon. UBND thành phố ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố. |
HOÀNG HIỆP