Kinh tế

Xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất

08:03, 30/10/2024 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp thành phố cùng các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát huy lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; hướng tới thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Mô hình sản xuất nấm bào ngư tại gia đình ông Trần Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG
Mô hình sản xuất nấm bào ngư tại gia đình ông Trần Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tại thôn Nam Thành (xã Hòa Phong), hộ bà Nguyễn Thị Hà cũng được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi thương phẩm cá thát lát cườm. Đây là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nuôi trồng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Với diện tích ao 1.000m2, bà Hà thả khoảng 4.000 con cá thát lát giống nuôi trực tiếp trong ao xen ghép với 2.000 con cá mè, chép, trôi.

“Trong quá trình nuôi, tôi và  các hộ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật rất cụ thể để bảo đảm về chất lượng, số lượng và sản lượng thu hoạch. Mặc dù gặp khó khăn về thời tiết nhưng sau gần 1 năm, sản lượng cá thu hoạch tương đối cao với khoảng 1,1 tấn cá. Vụ tới, tôi muốn thử nghiệm nuôi cá thát lát theo phương pháp nuôi trong lồng để có đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả kinh tế”, bà Hà cho hay.

Cùng với hộ bà Nguyễn Thị Hà, trung tâm còn hỗ trợ cho 3 hộ nuôi cá khác tại xã Hòa Khương và Hòa Phong. Để bảo đảm chất lượng của nguồn giống, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trại Thực nghiệm Nông nghiệp Hòa Khương (Trung tâm Khuyến ngư nông lâm) đã nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá thát lát.

Năm 2023, số lượng cá giống được sinh sản khoảng 16.000 con. Cá giống được ươm nuôi trong các đợt sinh sản bảo đảm chất lượng, kích thước đồng đều từ 8-10cm, sinh trưởng khỏe mạnh. Sau thời gian nuôi khoảng gần 1 năm, các hộ đều thu hoạch khoảng 1,1 tấn - 1,5 tấn cá thương phẩm. Đây là loài cá du nhập nên quá trình nuôi cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật cao, đòi hỏi các hộ nuôi phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, sử dụng thức ăn phù hợp yêu cầu chất lượng đạm để nâng cao tỷ lệ sống, bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Năm 2024, mô hình sản xuất nấm bào ngư của hộ ông Trần Phước Sơn (xã Hòa Khương), là một trong những mô hình được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm hỗ trợ trợ. Để triển khai mô hình, từ nguồn kinh phí hỗ trợ và vốn đối ứng của hộ tham gia, trung tâm đã hỗ trợ 20 tấn nguyên liệu; gần 1 tấn meo giống; 1 hệ thống tưới nước tự động; 12 kệ sắt; lò cấp hơi đốt củi nằm…

Trung tâm còn hỗ trợ, cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ dân tham gia để bảo đảm hiệu quả của mô hình. Được biết, nguồn nguyên liệu sử dụng trồng nấm trong mô hình là các nguyên liệu tự nhiên như mùn cưa, cám gạo, cám bắp… được hấp kỹ, bảo đảm các điều kiện để đề xuất hỗ trợ chứng nhận VietGAP, làm cơ sở quan trọng để phát triển sản phẩm nấm trở thành sản phẩm OCOP.

Theo ông Trần Phước Sơn, hộ dân tham gia mô hình, trước đây, gia đình ông sản xuất nấm theo phương pháp truyền thống, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều trong thời điểm thu hoạch. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cùng địa phương, mô hình sản xuất nấm bào ngư của ông được đầu tư trang thiết bị hiện đại, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng cao.

“Chúng tôi đã thực hiện xử lý nguyên liệu, đóng bịch phôi nấm, chăm sóc và đã cho ra lứa nấm đầu tiên. Tỷ lệ hao hụt do bị nhiễm nấm tạp sau khi cấy giống rất thấp, chỉ khoảng 2%. Trong lứa đầu tiên, sản lượng thu hoạch lứa đầu ước khoảng 2 tạ nấm tươi. Hiện tại, mô hình còn giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương”, ông Sơn chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, ngoài tổ chức các mô hình sản xuất, đơn vị còn chú trọng đến công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… để nông dân có thêm kiến thức để áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất tại gia đình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đơn cử như Trung tâm đã phối hợp với Hội nông dân địa phương tổ chức 15 lớp tập huấn “ Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, xử lý phụ phẩm” với sự tham gia của hơn 700 học viên nông dân tại quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê và huyện Hòa Vang.

Bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm cho biết, qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới, nhiều nông dân tham gia nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thực tế. Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã bước đầu được cải thiện.

Khi có sự tiếp cận của các mô hình khuyến nông, người dân thay đổi dần tập quán canh tác, sản xuất theo hướng an toàn và phát triển bền vững. Qua sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, các địa phương cùng các sở, ngành khác, người dân đã và đang sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với các hộ khác để tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, ổn định, bảo đảm giá cả, mang lại hiệu quả kinh tế cao; từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, phát triển bền vững.

THIÊN NGUYỆN

.