Người Đà Nẵng

Đội dân phòng tóc dài Khuê Mỹ

15:26, 14/11/2017 (GMT+7)

ĐNO - Khi ánh nắng cuối cùng của ngày khuất dần sau những tòa nhà cao tầng, người người sum họp bên mâm cơm gia đình thì các chị lại len lỏi khắp con hẻm, ngõ phố trên địa bàn phường để tuần tra tình hình an ninh trật tự, giải quyết các vụ mâu thuẫn của người dân địa phương.

Là đội dân phòng nữ đầu tiên của thành phố, gần 6 năm đi vào hoạt động, đội dân phòng cơ động nữ Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) thực sự là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an trong việc đánh phá nhiều vụ án trọng điểm.

Đánh án… nhờ chị em 

Một buổi sinh hoạt của Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ.
Một buổi sinh hoạt của Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ.

Gặp các chị đội dân phòng cơ động nữ Khuê Mỹ vào một buổi tối cuối tuần, chúng tôi ấn tượng bởi “những bông hồng” trông có vẻ “nam tính” trong trang phục áo xanh, đầu đội mũ cối, tay cầm gậy điện. Thực ra họ chỉ là những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” làm đủ mọi ngành nghề khác nhau như giáo viên mầm non, lao động phổ thông, buôn bán, thợ nề, thợ tiện… sinh hoạt trong “ngôi nhà chung” này trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

“Đồng lương” 150.000 đồng/tháng/người chưa đủ tiền xăng xe, nước nôi nhưng các chị vẫn “bám” đội suốt gần 6 năm trời, đưa hoạt động đội dân phòng cơ động ở địa phương ngày càng đi lên.

Theo Công an phường Khuê Mỹ, sự ra đời của đội dân phòng cơ động nữ Khuê Mỹ khá tình cờ khi nguyên một lãnh đạo công an phường đi công tác ở miền Tây bắt gặp hình ảnh phụ nữ tham gia công tác an ninh ở thôn.

Sau đó, vị lãnh đạo này về đề xuất thành lập mô hình đội dân phòng nữ ở Khuê Mỹ, được giao nhiệm vụ phối hợp với công an tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn phường, phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật.

Nhớ lại những ngày thành lập đội dân phòng cơ động nữ, các chị trong đội gặp không ít khó khăn, nhất là những ánh mắt nghi ngờ của người dân địa phương về tính hiệu quả của đội. Còn với các ông chồng của các bà vợ thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, khi nghe vợ mình nói tham gia đội dân phòng, có ông thì tủm tỉm cười tưởng đâu các bà nói chơi, có ông thì thẳng thừng tuyên bố “Không phải việc của mấy bà”.

Thế nhưng với tinh thần “nữ nhi cũng đáng mặt anh hùng”, 20 chị em phụ nữ ở phường Khuê Mỹ đã quyết tâm thành lập đội dân phòng cơ động nữ đầu tiên ở Đà Nẵng và ra mắt chính quyền địa phương vào dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 19-8-2011.

Sau khi thành lập, hằng năm, các chị được Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an thành phố mở lớp huấn luyện võ thuật, nghiệp vụ cơ bản, kỹ năng xử lý tình huống, tìm hiểu pháp luật...

“Qua 6 năm đi vào hoạt động, các chị em ở đội dân phòng cơ động nữ Khuê Mỹ đã giúp lực lượng công an và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đây thực sự là một mô hình hoạt động có hiệu quả, phát huy được tinh thần xung kích, sáng tạo, hết mình của chị em phụ nữ địa phương”, ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho hay.

Chuyện trò trong buổi tối cuối tuần này, chúng tôi được các chị kể lại những lần theo chân công an phường, dân quân tự vệ đi đánh án cứ tưởng như đang xem những “thước phim hành động” với các màn truy đuổi tội phạm, thâm nhập vào ổ mại dâm gây cấn và hồi hộp.

Cô Huỳnh Thị Ngọc Nữ (65 tuổi), là thành viên lớn tuổi nhất nhì đội cười tươi khi chúng tôi hỏi về những lần theo chân công an phường đi tuần tra mỗi đêm. Với cô Nữ, tuổi tác không phải là cản trở lớn nhất để cô gắn bó với “đội bông hồng thép” này, bởi nếu chị em phụ nữ trẻ dùng chiến thuật “dẻo dai của sức vóc” thì cô dùng chiến thuật “lấy nhu chế cương”.

Trong không ít các vụ việc, nhờ sự thuyết phục, khuyên giải của những người đáng tuổi bà, tuổi mẹ như cô Nữ, nhiều đối tượng đã nhận ra sai trái của mình, không tỏ ra ngoan cố hay chống đối với lực lượng chức năng.

“Còn khỏe thì cô vẫn còn gắn bó với đội nữ dân phòng của phường bởi cô tâm niệm, làm được gì cho địa phương thì làm, không đợi gì tuổi tác. Sau này nếu sức khỏe không cho phép, cô sẽ vận động chị em phụ nữ trẻ tham gia, duy trì hoạt động của đội lâu dài”, cô Nữ tâm sự.

Không chỉ riêng gì cô Nữ mà với hầu hết các chị ở Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ, không ít tình huống dở khóc dở cười, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong nhiều lần “tác nghiệp” được các chị kể cho chúng tôi nghe với chất giọng hóm hỉnh, xem như chẳng có việc gì. Như những lần các chị cải trang thành người dân địa phương hằng ngày bám ở các điểm hớt tóc, massage trên địa bàn phường để điều tra giúp lực lượng công an hoạt động của các ổ mại dâm, ma túy.

“Ban ngày chúng tôi lân la làm quen các chị em ở các quán hớt tóc, massage, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của họ, từ đó khai thác dần hoạt động của các quán mại dâm. Không ít lần phải một nam một nữ cải trang thành đôi tình nhân để trà trộn vào các nhà nghỉ nắm tình hình, phải trao đổi và tính toán kỹ phương án tác nghiệp để không ảnh hưởng đến tính mạng của mình và đồng đội”, chị Trần Thị Hoa (sinh năm 1966) chia sẻ.

Chị Hoa nhớ, có lần, một Việt kiều nữ đánh bài ở một khu nghỉ mát trên địa bàn phường suốt 2 ngày 2 đêm thua cả tiền tỷ gây náo loạn, không chịu về. Khi công an đến giải quyết, yêu cầu ra khỏi khu nghỉ mát nhưng người phụ nữ ấy vẫn nằm “ăn vạ”, la hét, chống đối lại lực lượng chức năng.

Nghe tin, chị Hoa cùng với một chị nữa ở Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ đến thuyết phục người phụ nữ kia, dẫn đi ăn mỳ Quảng và gọi taxi để đưa họ về tận nhà. Chính chiến thuật “lấy nhu chế cương” mà các chị tận dụng trong những lời nói ngọt, cách xử lý tình huống nhanh nhạy nhưng có tình có lý đã giúp các lực lượng công an đánh án nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo công an phường Khuê Mỹ, có những vụ án nếu không nhờ sự giúp đỡ của chị em dân phòng thì khó có thể vào tận ổ để bắt được tội phạm hoặc khó có thể thuyết phục được đối tượng quy hàng.

Tận tụy với công tác xã hội

Với không ít thanh thiếu niên hư trên địa bàn phường Khuê Mỹ, các chị trong Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ thực sự là những-người-mẹ-hiền mang lại cho họ một cuộc sống mới với nhiều hy vọng ở tương lai. Bởi có người “vào tù ra tội” nhiều lần, khi đang đứng ở bờ vực của cuộc đời không biết đi đâu về đâu thì chính các chị đã chìa bàn tay níu giữ họ lại với đời.

Các chị tâm sự, nhiều người sau khi ra tù rất muốn hoàn lương để hòa nhập với cộng đồng, để làm điều gì đó có ích cho xã hội. Nhưng chính cộng đồng ở khu dân cư, thậm chí là người thân của họ đã ngoảnh mặt quay lưng khiến họ không có lối thoát, cảm thấy mặc cảm và tự ti với quá khứ của mình.

Chị Võ Thị Như Minh (sinh năm 1962) kể, có lần muốn giúp đỡ một thanh niên vừa mới ra tù làm lại cuộc đời, chị phải hẹn người đó ra quán cà phê để nói chuyện, khuyên giải khiến nhiều người dân ở địa phương xì xào, bàn tán.

Sau một thời gian cảm hóa, khi thấy thanh niên này tiến bộ hẳn lên, có công ăn việc làm ổn định, người dân địa phương mới nhận ra “những lần hẹn cà phê” đó chính là những lần chị gặp gỡ để cảm hóa và tìm cách giúp đỡ anh thanh niên kia.

“Không dễ gì để tiếp cận các đối tượng thanh niên hư để giúp họ làm lại cuộc đời bởi họ dường như không còn niềm tin vào bản thân sau nhiều lần mắc sai lầm. Thuyết phục họ quay trở lại con đường làm ăn lương thiện nhưng cái chính là tạo cho họ “cần câu cơm” để họ tự lao động nuôi sống mình”, chị Minh phân trần. Nhất là với những thanh niên cứng đầu, phải đi vận động đến 5-10 lần, có khi bị đối tượng chống trả, chửi bới nhưng các chị chưa bao giờ “đầu hàng”.

Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ còn đại diện chị em phụ nữ ở địa phương trong việc đấu tranh giành quyền lợi cho “phái yếu”. Trong các vụ bạo lực gia đình, chưa biết người chồng người vợ ai đúng ai sai nhưng bao giờ các chị cũng lao vào bảo vệ chị em phụ nữ trước đòn roi hay bàn tay vũ phu của người chồng. Có những ông chồng thách thức, chửi tục, không cho chị em vào nhà nhưng sau một hồi “nói ngọt”, cánh mày râu cũng phải xiêu lòng.

Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, với sự nhiệt tình, hăng hái của các đội viên, đội đã hòa giải thành công rất nhiều vụ va chạm, xích mích trong nội bộ nhân dân, không để dẫn đến nghiêm trọng; hàn gắn nhiều cặp vợ chồng trẻ bất hòa, trở lại chung sống hạnh phúc.

“Ban đầu thành lập chỉ có hội phụ nữ địa phương ủng hộ, nhưng qua gần 6 năm hoạt động có hiệu quả, đến này chính quyền địa phương và người dân ai cũng đồng tình ủng hộ việc làm của chị em chúng tôi. Đến nay toàn đội có 24 người, dù trong bất cứ khó khăn nào, chị em vẫn luôn đoàn kết, hăng hái tham gia hoạt động của đội để giữ vững nếp sống bình yên ở địa phương”, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Đội trưởng Đội dân phòng cơ động Khuê Mỹ cho hay.

Chia tay các chị khi đồng hồ đã điểm đến giờ đi tuần của đội, chúng tôi vẫn cứ ấn tượng mãi nụ cười của cô Nữ, giọng nói rắn rỏi của chị Tâm, ánh mắt đầy niềm tin của chị Minh... Những người phụ nữ ấy như những “bông hồng thép” lúc cần thì sẵn sàng đương đầu với khó khăn nhưng cũng có lúc nhẹ nhàng như những người thân ruột thịt trong gia đình. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” 6 năm trời, việc nhà phải chia sẻ bớt cho chồng con nhưng chính các chị đã giúp không biết bao mảnh đời lầm lỡ có cơ hội được làm lại cuộc đời.

HOÀNG HÂN

.