Người Đà Nẵng

Bông hoa thiện nguyện trên đất Hòa Nhơn

10:37, 22/06/2018 (GMT+7)

ĐNO - Đến thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), hỏi “chị Nguyễn Thị Lan hay giúp người” thì ai cũng biết, ai cũng nở nụ cười đầy cảm kích về người phụ nữ có cái tâm thiện nguyện. Dường như, cái tâm ấy đã “nở hoa” trên khắp vùng quê này.

Chị Nguyễn Thị Lan (trái) và anh . Ảnh: XUÂN SƠN
Chị Nguyễn Thị Lan (trái) và cha con anh Huỳnh Tấn Trung - người hàng xóm có hoàn cảnh đặc biệt đang được chị giúp đỡ. Ảnh: XUÂN SƠN

Người phụ nữ thích làm chuyện "bao đồng"

Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1971, trú thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) làm nghề buôn lá chuối, phân phối lá chuối cho những người làm bánh tét, bánh chưng. Bà con trong vùng gọi chị là Lan “khùng” bởi “chị toàn làm những việc “khùng khùng” hay những việc mà không phải ai cũng chấp nhận làm".

Cái “khùng” mà mọi người hay nhắc đến khi nói về chị xuất phát từ những việc làm thiện nguyện của chị Lan. 

Bà Phan Thị T. (trú thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn) đau ốm nhiều năm sau một cơn tai biến, gia đình lại khó khăn, không có tiền chữa trị. Chồng bà làm “thợ đụng”, nay đây, mai đó, thỉnh thoảng mới có người thuê ông chẻ củi, khuân vác với tiền công ít ỏi, đủ mua mì gói, mua gạo. Những người con của ông bà cũng khó khăn và không đủ điều kiện chăm sóc cha mẹ.  

Năm 2016, chị Lan tình cờ biết đến bà T. trong một đợt từ thiện. Chị kể lại: “Lần đầu tiên tôi đến nhà, bà T. chỉ nằm trên một chiếc chõng cũ kỹ, áo quần cũng cũ. Lúc ấy, sức khỏe bà gần như cạn kiệt. Ngày nào cũng chỉ ăn mì gói và cháo gói thì sức đâu để sống?”.

Cảm thông với hoàn cảnh người phụ nữ cùng quê, đã có tuổi lại mang nhiều bệnh tật, chị Lan tìm cách giúp đỡ bà T. Đều đặn ngày hai bữa, không kể nắng mưa, chị Lan nấu cơm mang sang nhà bà T., rồi lại chính tay chị bón cho bà từng muỗng cơm, ngụm nước.

Rồi sau những bữa ăn, chị Lan lại giúp đỡ bà T. chuyện vệ sinh, tắm giặt như một người em, người con trong gia đình. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ bà T. hơn 500.000 đồng mỗi tháng để mua thuốc.

Thời gian đầu, chồng chị - anh Phan Văn Anh phản đối, anh bảo vợ thích làm chuyện "bao đồng", nhưng rồi anh cũng dần cảm thông với vợ và phụ giúp chị chăm sóc bà T. Hai vợ chồng chăm sóc bà T. tận tình cho đến ngày bà nhắm mắt xuôi tay.

Giữa tháng 6-2018, chúng tôi trở lại Phước Hưng và nghe tin bà T. đã mất chưa tròn một tuần. Chị Lan không còn dịp nấu cơm mang sang nhà bà nữa, nhưng tấm lòng của chị với một người dưng cùng quê vẫn như đóa hoa đẹp trong ánh mắt của người dân tại hai thôn Phước Thuận – Phước Hưng.

Làm việc thiện bằng tất cả tấm lòng

Không chỉ riêng gia đình bà T., vợ chồng chị Lan còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn xã.

Ở Phước Thuận, có anh Huỳnh Tấn Trung (SN 1975) bị cụt tay, lâm vào cảnh thất nghiệp. Cậu con trai nhỏ khát sữa từ lúc lọt lòng, vợ anh phải đi làm công nhân nuôi cả gia đình. Cách đó không xa, cụ bà Trần Thị Thí (SN 1926) đã già yếu nhưng vẫn phải chăm sóc cho cậu con trai bị bại liệt vì tai nạn lao động.

Thương cho hoàn cảnh của những con người cùng quê, chị Lan thường ghé thăm, trò chuyện. Món quà chị mang đến là chút tiền tiết kiệm sau những buổi bán lá chuối, là hộp sữa, gói bánh, gói cháo… Những món quà có giá trị không lớn nhưng cũng san sẻ được phần nào khó khăn.

chị Nguyễn Thị Lan là 1 trong 72 gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố được nhận bằng khen do UBND thành phố trao tặng. Ảnh: QUỐC KHẢI
Chị Nguyễn Thị Lan là một trong 72 gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố được nhận bằng khen do UBND thành phố trao tặng. Ảnh: QUỐC KHẢI

Cuối buổi trò chuyện, chị Lan cho chúng tôi xem một vài bức ảnh lưu niệm chụp chị và các Phật tử trên đường đi làm thiện nguyện. Ở đó có những chuyến hành trình về miền Bắc hoặc sang tận Campuchia.

Trong những bức ảnh ấy, không có bức nào ghi lại hoạt động trao quà từ thiện hay chân dung những hoàn cảnh đặc biệt. Chị tâm sự: "Mình làm bằng cái tâm, bằng tất cả tấm lòng với mong mỏi họ sẽ bớt khổ, vì vậy mình không muốn ghi lại quá nhiều hình ảnh".

Từ những chuyến đi đó, chị và các Phật tử đã đón nhận nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt từ các địa phương, tạo điều kiện cho các em được nuôi nấng tại một số chùa ở Đà Nẵng. 

Chị cũng đã từng vét hết đồng tiền cuối cùng trong ví để gửi cho một gia đình người Việt lênh đênh nơi Biển Hồ (Campuchia) chỉ vì “nhìn người ta vô định bên sông nước xứ người, mình chẳng cam lòng”. 

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018) do UBND thành phố tổ chức sáng 11-6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Lan là một trong 72 gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố được nhận bằng khen do UBND thành phố trao tặng.

XUÂN SƠN – LAM PHƯƠNG

.