Dạy trẻ học tiếng Anh qua những câu chuyện kể

.

ĐNO - “Trẻ em ở nước ngoài đến thư viện đọc sách từ khi còn… chưa biết đọc. Tại thư viện, trẻ sẽ được nghe các cô quản thư đọc sách, truyện, nhằm tăng vốn từ vựng và tình yêu sách.

Khi về Đà Nẵng làm việc, nhận thấy Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố quá tốt về nhiều mặt nhưng lại chưa có mô hình này, nên tôi thử nghiệm chương trình ở đây với mong muốn, trẻ em thành phố sẽ được học ngoại ngữ một cách tự nhiên thông qua những cuốn sách văn học", chị Lê Thị Thu Tâm, tình nguyện viên đọc sách tiếng Anh tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố (gọi tắt là thư viện), chia sẻ.

Các bạn nhỏ ngồi bệt xung quanh cô Tâm nghe kể chuyện bằng tiếng Anh. Ảnh: Q.Tr
Các bạn nhỏ ngồi bệt xung quanh chị Thu Tâm để nghe kể chuyện bằng tiếng Anh. 

Chị Thu Tâm sinh năm 1982, có 10 năm sống tại Anh và Mỹ. Theo chồng sang nước ngoài làm luận án tiến sĩ, những lúc rảnh rỗi, chị cùng con trai lang thang đến các thư viện địa phương, một mặt tìm mượn sách hay về đọc, mặt khác là trò chuyện với người bản xứ để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

“Hệ thống thư viện nước ngoài rất cởi mở. Người dân có thể đến thư viện từ sáng đến tối, “ăn đầm ở dề” để tìm tài liệu nghiên cứu. Có nơi trong thư viện rất yên tĩnh nhưng cũng có nơi náo nhiệt. Đó thường là khu vực dành cho trẻ em.

Các cô quản thư vừa kể chuyện, vừa tổ chức các trò chơi nhỏ, thường là chơi trò “Ai thuộc làu truyện nhanh hơn”. Em nào có thể kể lại câu chuyện đó cho các bạn nghe thì sẽ được nhận thưởng là những tập vở đầy màu sắc, những cây viết chì. Chính vì vậy, trẻ em nước ngoài rất thích đến thư viện”, chị Thu Tâm kể.  

Từ khi về nước, giữ thói quen đến thư viện mỗi cuối tuần, chị Thu Tâm cùng con trai chọn thư viện thành phố làm điểm đến. Ban đầu, chị chỉ định giúp con trai duy trì thói quen đến thư viện và tình yêu với sách.

Sau, chị nhận thấy thư viện thành phố thu hút rất đông trẻ em đến vui chơi mỗi cuối tuần. Nếu chỉ để trẻ chơi đùa không thì sẽ rất lãng phí. Vì vậy, chị đề xuất với thư viện cho thử nghiệm chương trình “Đọc sách tiếng Anh cho thiếu nhi” vào mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Nguyên nhân sâu xa hơn cho ý tưởng này được chị Thu Tâm chia sẻ là vì, chị nhận thấy trẻ em Việt Nam nói chung, trẻ em Đà Nẵng nói riêng rất ngại nói tiếng Anh. Không ít lần chị chứng kiến một em học sinh dù đã học tiếng Anh nhiều năm rồi, đứng trước một câu hỏi giao tiếp đơn giản cũng không trả lời được.

Thậm chí, khi cô hỏi bằng tiếng Anh, có em còn òa lên khóc. Những lúc đó, chị đều tự hỏi: Tại sao tiếng Anh-một môn ngoại ngữ lại gây ra ám ảnh với các em như vậy? Các em sợ phải nghe-nói tiếng Anh, sợ gặp người nước ngoài dù kiến thức ngữ pháp đã được học từ năm lớp 3.

Vậy, làm cách nào để các em có thể trò chuyện tự nhiên mà không phải cố nhớ ra thứ tự từ, cú pháp, liên từ, đảo ngữ…?

Thời gian đầu, Thu Tâm nhờ du học sinh, là những người bạn của mình ở khắp nơi trên thế giới quyên góp sách văn học thiếu nhi về cho thư viện. Khi khối lượng sách đạt 500 cuốn, chị mới bắt đầu triển khai mô hình.

Ban đầu, chị mời những tình nguyện viên người nước ngoài đến đọc sách. “Chủ yếu là để các em vơi bớt nỗi sợ với người nước ngoài và làm quen với giọng nói của họ”, Thu Tâm nói.

Vậy là từ đó, cứ mỗi 8 giờ 30 sáng thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, tại phòng đọc sách thiếu nhi của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, có một nhóm thiếu nhi ngồi vòng tròn chung quanh cô giáo ngoại quốc nghe kể chuyện bằng tiếng Anh.

Lúc đầu chỉ là một nhóm nhỏ 5-7 em, sau lan dần ra hơn 10, rồi 20 em. Các em say sưa nghe kể chuyện, có những đoạn không hiểu, có em mạnh dạn giơ tay lên hỏi lại. Không còn khoảng cách "Tây-Ta", không còn sợ sệt, chỉ có những nhân vật trong truyện kể lên tiếng.

Những hôm không có tình nguyện viên nước ngoài, chị Thu Tâm đóng luôn vai người kể chuyện cho các em. Với giọng nói ngọt ngào, chị Tâm giả giọng cô bé quàng khăn đỏ, công chúa tóc mây Rapunzel, nàng Bạch Tuyết. Đến đoạn mụ phù thủy xuất hiện, chị lại chuyển sang giọng nói ồm ồm, khàn đặc khiến các cô bé, cậu bé thích thú.

Cứ mỗi ngày, chị Tâm lại để các em tự chọn truyện mà mình thích. Theo cô, khi trẻ thích câu chuyện nào, hoặc đã quen, đã từng biết nội dung tiếng Việt của câu chuyện ấy thì khi nghe tiếng Anh, các em dễ dàng tiếp cận hơn.

“Trong tương lai, tôi sẽ xây dựng đội ngũ cộng tác viên nước ngoài làm việc thường xuyên hơn. Chỉ có giao tiếp với người nước ngoài, cùng chơi đùa với họ, dẫu chỉ 30-45 phút thôi, các em sẽ hấp thụ được ngôn ngữ của họ một cách tự nhiên. Từ đó, những mặc cảm, sợ sệt với tiếng Anh sẽ tan biến”, Thu Tâm nói.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.