Người Đà Nẵng
Dòng chảy nghĩa tình gò Bá Xứ
ĐNO - Đến thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), hỏi về khu “Nghĩa trang vô danh” ở gò Bá Xứ thì người dân nào cũng biết.
Nơi ấy có 350 ngôi mộ chưa xác định được thông tin, nằm im lìm giữa một cánh rừng, bên cạnh ngôi miếu âm linh do tiền nhân dựng nên từ thế kỷ trước.
Ông Lê Văn Định, xóm trưởng 4 tổ dân cư thôn Phú Sơn Nam thắp nén nhang cho những ngôi mộ chưa xác định được thông tin tại nghĩa trang gò Bá Xứ. |
Dòng chảy nghĩa tình qua nhiều thế hệ
Trước ngôi miếu âm linh đặt tại cụm 2, thôn Phú Sơn Nam có một tấm văn bia còn khá mới. Thông tin trên tấm văn bia này gợi cho chúng tôi hình ảnh đồng thuận, đồng lòng của người dân gò Bá Xứ trong suốt mấy chục năm qua.
Theo văn bia ấy, lịch sử hình thành của nghĩa trang gò Bá Xứ bắt đầu từ ông Hương Ba (tên thật là Phan Công Hạnh) – một người con của quê hương gò Bá Xứ mấy chục năm trước.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, gia đình ông Hạnh bỏ kinh phí, vận động bà con trong làng đi tìm kiếm hài cốt của những người không may nằm lại đâu đó trên những bờ sông, cánh đồng của quê hương mình. Kết quả của quá trình tìm kiếm khi ấy chính là khu quy tập, “thờ cúng các vị ân trên và vô chủ” được hoàn thành vào năm 1948, đặt tại lồi Ý Thượng (cách gò Bá Xứ bây giờ khoảng chừng 1 cây số).
Cuối năm 1964, đế quốc Mỹ san phẳng lồi Ý Thượng thành những cánh đồng trống trơ trọi, những bộ hài cốt một lần nữa bị vùi lấp dưới khói bụi chiến tranh. Ông Hạnh lại cùng bà con ra sức bới tìm hài cốt và đưa về gò Bá Xứ như hôm nay.
Trải qua năm tháng, chiến tranh đã lùi xa, ông Hạnh nay đã thành người thiên cổ. Người dân cụm 2 sinh ra, lớn lên, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước đi tìm kiếm, quy tập những hài cốt vô danh về gò Bá Xứ.
Thế nhưng, những khó khăn, thiếu thốn và áp lực mưu sinh khiến họ không thể xây đắp cho những bộ hài cốt chưa xác định tên tuổi một ngôi mộ đàng hoàng, mà thay vào đó chỉ là những nấm mồ bằng đất, nằm trơ trọi bên một cánh rừng Hòa Khương.
Nhìn cảnh ấy, ông Lê Văn Định, xóm trưởng của 4 tổ dân cư tại thôn Phú Sơn Nam không khỏi đau đáu. “Người ta (chỉ những hài cốt – PV) cũng đã nằm xuống từ thế kỷ trước, chưa biết tên họ, chưa rõ quê quán lai lịch; đến khi ra đi cũng không có một nấm mồ tươm tất. Mình là thế hệ con cháu, phải làm điều gì đó để không có lỗi với tiền nhân”, ông Định chia sẻ.
Từ những trăn trở đó, ông Định ra sức vận động bà con và các mạnh thường quân chung tay xây dựng nghĩa trang. Cho đến dịp Tết Mậu Tuất 2018, ước nguyện của ông xóm trưởng cùng bà con Phú Sơn Nam đã trở thành hiện thực. Ngay tại khu đất gần 1.200m2 nằm bên cánh rừng gò Bá Xứ, một nghĩa trang nhỏ với 350 ngôi mộ được xây bằng xi-măng chính thức hoàn thành.
Lưu giữ công đức cho thế hệ mai sau
“Các nghĩa sĩ đã anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc, để bà con ta có cuộc sống bình yên như hôm nay. Nay bà con ổn định cuộc sống nhưng họ vẫn nằm vất vơ với nấm mồ đất giữa nắng mưa. Xưa các bậc tiền bối đã có công đưa hài cốt các nghĩa sĩ về đây thì chúng ta, phận làm con cháu cũng nên hoàn thành tốt phần việc còn đang dang dở. Tôi mong bà con cùng chung tay, ai có tiền góp tiền, ai không có thì góp đôi ba ngày công để những nấm mộ vô danh được xây kiên cố”.
Đó là những lời chia sẻ chân thành trong bức thư ngỏ mà ông Định cùng ban cán sự xóm gửi đến bà con trong thôn và những mạnh thường quân, những doanh nghiệp gần xa.
"Kêu gọi thì dễ, nhưng làm sao kêu gọi để mọi người góp công, góp sức, góp tiền của vào một công trình nhân ái là rất khó. Chúng tôi chỉ có bàn tay trắng, bà con có lòng nhưng không có tiền của. Phải có cách nào đó để nghĩa trang được hoàn thành", ông Định cho biết.
Nghĩa trang gò Bá Xứ khang trang, sạch sẽ nhờ sự chăm sóc, trông coi của người dân địa phương. |
Những lá thư nặng trăn trở của ông xóm trưởng đã lay động được tấm lòng của mọi người. Những đóng góp đầu tiên đã được gửi về, ban cán sự xóm chủ trương xây dựng ngay khi số tiền ủng hộ chỉ nằm ở con số vài trăm nghìn đồng. Nguồn ủng hộ gửi đến đâu, ông Định thực hiện công trình đến đấy.
Cứ như vậy, ngày qua ngày, bà con Phú Sơn Nam thay nhau chở gạch, xi-măng, quét vôi, trát vữa cho những ngôi mộ. Từ trẻ con cho đến người già, mỗi người mỗi việc để công trình mau chóng được hoàn thành.
Trong câu chuyện ông Định kể, có những chén cơm trưa hay lon nước mát lạnh của bà con mang ra ủng hộ những người xây mộ, là hình ảnh bà cụ Nguyễn Thanh tuổi ngoài 80 hì hụi chống gậy đi ủng hộ cho nghĩa trang 50.000 đồng với lời nhắn: "Tui già rồi, góp cái sức nhỏ xíu vào cái nghĩa trang này cũng được".
Hay chuyện ông Nguyễn Thanh Tùng tài trợ toàn bộ xi-măng xây mộ, kinh phí dựng văn bia và nước sạch cho khu nghĩa trang; ông Đặng Thanh Hùng tài trợ toàn bộ tiền điện chiếu sáng; ông Cao Phú nhà nghèo vẫn tích cực tham gia xây mộ...
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, những nấm mồ đắp bằng đất ở gò Bá Xứ đã được xây lại khang trang, nằm thẳng hàng trên một khu đất bằng phẳng, dưới tán cây rợp mát. Bên cạnh là ngôi miếu âm linh có từ thời ông Phan Công Hạnh đã được tu sửa với những bức họa trên tường thể hiện sự tôn nghiêm.
Nói về những bức họa này, ông Định chia sẻ: "Khi chúng tôi tôn tạo ngôi miếu này, có một người thợ vẽ ở Quảng Nam đến đây thực hiện bức họa, khi biết được ý nghĩa của nghĩa trang gò Bá Xứ, ảnh nhất quyết không nhận tiền công và rất cảm kích trước công việc mà bà con đang làm ở đây".
Đêm đêm, tại đây vẫn có những người dân túc trực, trông coi. Bên cạnh đó, vào những ngày rằm và ngày 25 tháng Chạp hằng năm, bà con Phú Sơn Nam lại có mặt ở đây để dọn dẹp, hương khói cho những ngôi mộ chưa tìm ra tên, ra tuổi. Chung quanh khuôn viên nghĩa trang, đã có những hàng cây xanh được bà con mang đến để tạo cảnh quan môi trường.
Gặp chúng tôi ở gò Bá Xứ vào đầu tháng 10-2018, ông Định say sưa chia sẻ về câu chuyện "dựng mộ cho người dưng" ghi trên tấm văn bia ở nghĩa trang Gò Bá Xứ.
"Nếu phát hiện những hài cốt khác thuộc địa bàn 4 tổ của Phú Sơn Nam, chúng tôi sẽ lại đưa họ về đây để tiện việc nhang khói. Công đức của tiền nhân, của cha ông, của những người đang sống hôm nay sẽ được lưu giữ trên tấm văn bia này, để thế hệ mai sau tiếp bước, kế thừa...", ông Định chia sẻ.
Bài và ảnh: XUÂN SƠN