Người khuyết tật chung tay giữ gìn môi trường sạch đẹp

.

ĐNO - Khoảng 2 tháng nay, người dân đi biển sớm đã quen nhìn thấy hình ảnh một nhóm người khuyết tật tập tễnh nhặt rác dọc các bãi biển Đà Nẵng vào mỗi sáng cuối tuần. Hỏi ra mới biết, đó là những thành viên của nhóm Hòa Nhập Xanh trong đó có những người khuyết tật tâm huyết vì môi trường.

Dù là người khuyết tật nhưng họ ý thức được việc bảo vệ môi trường là không của riêng ai.
Dù cơ thể không được lành lặn như những người bình thường nhưng những người khuyến tật nhận thức việc bảo vệ môi trường là không của riêng ai.

Được thành lập vào đầu tháng 5-2019, đến nay, nhóm Hòa Nhập Xanh có khoảng 15 thành viên, trong đó có người khuyết tật và những bạn trẻ yêu môi trường. Anh Mai Huỳnh Quốc Thống (SN 1988), Trưởng nhóm cho biết,  nhóm có đến 6 thành viên là người khuyết tật. Dù gặp một số khó khăn trong đi lại, nói chuyện nhưng hầu hết các bạn đều rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động vì môi trường.

Nói về ý tưởng khởi tạo nhóm, anh Thống cho biết, ý định thành lập một nhóm người khuyết tật tham gia bảo vệ môi trường bắt đầu trong anh cách đây 2 năm. Thế nhưng khi đó không có nhiều người ủng hộ nên ý tưởng tạm gác lại.

Trưởng nhóm Mai Huỳnh Quốc Thống dù khuyết tật nặng nhưng lại rất tâm huyết vì môi trường.
Trưởng nhóm Mai Huỳnh Quốc Thống dù khuyết tật nặng nhưng rất tâm huyết vì môi trường.

“Thời gian gần đây, vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến mức báo động. Khắp các bãi biển, các điểm du lịch tràn ngập rác. Nhiều nhóm thanh niên tình nguyện đi dọn rác. Ý tưởng về nhóm người khuyết tật hòa nhập cùng cộng đồng, chung tay dọn rác bảo vệ môi trường lại một lần nữa trỗi dậy trong tôi. Được mọi người hưởng ứng, động viên, tôi mạnh dạn thành lập nhóm”, anh Thống chia sẻ.

Từ khi thành lập đến nay, nhóm Hòa Nhập Xanh đã tổ chức được 6 buổi dọn rác tại các bãi biển Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà) và bãi biển Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê). Nhóm cũng tổ chức thành công chương trình giao lưu, tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại Công viên biển Đông, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Đúng với tên gọi Hòa Nhập Xanh, các thành viên mong muốn chung tay với cộng đồng trong bảo vệ môi trường.
Đúng với tên gọi Hòa Nhập Xanh, các thành viên mong muốn chung tay với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Các thành viên đến với nhóm ngoài những người khuyết tật còn có những bạn trẻ yêu môi trường. Mỗi người mỗi việc, ở mỗi quận, huyện khác nhau nhưng cứ đến chủ nhật, mọi người tập trung tại địa điểm đã báo trước để nhặt rác.

Anh Trần Quốc Trung (SN 1992) bị khuyết tật vận động mức nhẹ, một trong những thành viên tích cực của nhóm chia sẻ: “Tôi tham gia hoạt động của nhóm Hòa Nhập Xanh với mong muốn đóng góp một phần công sức trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc làm của mình truyền đi thông điệp rằng người khuyết tật vẫn góp sức bảo vệ môi trường, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường”, anh Trung nói.

Anh Nguyễn Anh Thìn (SN 1988, quê Quảng Nam) cũng là một người khuyết tật tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên. Mặc dù đi làm ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhưng cứ đến cuối tuần, anh Thìn sắp xếp công việc và di chuyển hơn 40km ra Đà Nẵng tham gia dọn rác.

Ngoài những thành viên là người khuyết tật, Hòa Nhập Xanh còn là nơi tập hợp những bạn trẻ có tâm huyết vì môi trường. Lê Thị Phương Liên (SN 1989, quê Quảng Trị) là một người như thế. Cuối tuần, Liên rủ thêm bạn bè cùng đi nhặt rác.

Rác sau khi nhặt được các bạn phân loại ngay tại chỗ. Chai, lon nào tái sử dụng được sẽ mang về tái sử dụng. Chai, lon cũ, móp méo sẽ bán gây quỹ, mua găng tay, mũ để mọi người sử dụng trong các buổi dọn rác. “Thời gian tới, bên cạnh dọn rác, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường”, anh Thống cho hay.

Nhớ ngày đầu đi dọn rác, một số người dân nhìn theo những bước chân tập tễnh của các thành viên với ánh mắt ái ngại. Một buổi, rồi hai buổi, người dân dần quen với hình ảnh một nhóm người khuyết tật mang bao bố, đeo găng tay tỉ mẩn nhặt từng chiếc ống hút, ly nhựa; bới từng chiếc bao ni-lông vùi lâu ngày trong cát.

Từ lạ lẫm chuyển thành thân quen, người đi tập thể dục buổi sáng tiện tay nhặt mấy bao ni-lông, ly nhựa vương vãi trên bãi biển cho vào bao rác... Bảo vệ môi trường, đôi khi, chỉ từ những hành động rất nhỏ như thế.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.