Tiệm bánh mỳ 0 đồng của chàng trai tử tế

.

ĐNO - Với mong muốn giúp người lao động nghèo có những bữa ăn ngon và tiết kiệm phí, chàng trai Đào Văn Vĩnh (SN 1992, quê tỉnh Quảng Nam) đã mở Tiệm bánh mỳ 0 đồng, bán mỗi ngày trên 150 ổ với giá… 0 đồng.

Mặc dù bán với giá 0 đồng, nhưng Vĩnh đều phục vụ khách hàng rất chu đáo, lịch sự.
Những ổ bánh mì 0 đồng được Vĩnh phục vụ khách hàng rất chu đáo.

Một buổi trưa cuối tháng 11-2019, chúng tôi ghé đến Tiệm bánh mỳ 0 đồng của Vĩnh nằm tại số 117/10 đường Ngô Gia Tự (quận Hải Châu). Dù trời mưa nhưng trong căn trọ nhỏ luôn đầy ắp tiếng nói, cười ấm áp. Tiếng các tình nguyện viên cười đùa. Tiếng của những người lao động nghèo đến mua bánh mỳ. Tiếng chào mời, cảm ơn ríu rít của Vĩnh và các thành viên của tiệm bánh mỳ.

Đôi tay Vĩnh thoăn thoắt cắt bánh mỳ, gắp chả, thịt; trên môi không ngớt nụ cười. Cứ mỗi khách đến mua bánh mỳ, Vĩnh đều ân cần hỏi thăm. Mỗi khi trao bánh mỳ cho khách, Vĩnh đều kèm câu cảm ơn và lời dặn lần sau ghé lại. Cách “bán hàng” tử tế của Vĩnh khiến mỗi thực khách đều có cảm giác như đang đi mua bánh mỳ thật sự, dù cho giá chỉ… 0 đồng.

Mỗi ngày, Vĩnh tự đi chợ, sơ chế nguyên liệu và làm bánh mỳ cho khách.
Mỗi ngày, Vĩnh tự đi chợ, sơ chế nguyên liệu và làm bánh mỳ cho khách.

Ghi rõ là bánh mỳ 0 đồng, nhưng vì sợ nhiều cô, chú ngại, Vĩnh khéo léo đặt một chiếc thùng để các cô, chú tùy tâm. Người góp 1.000 đồng, người góp 2.000 đồng vào thùng tùy tâm. Sau mỗi tuần, Vĩnh cùng các bạn tình nguyện viên mở thùng quyên góp, kiểm đếm số tiền và công khai đến mọi người. Số tiền ấy, Vĩnh tiếp tục dùng để mua nguyên liệu bán bánh mỳ cho ngày hôm sau. Đây cũng là một cách để những người nghèo cũng có thể góp kinh phí vào những bữa ăn cho những người khó khăn khác.

Từ ngày có Tiệm bánh mỳ 0 đồng, mỗi ngày mới của Vĩnh bắt đầu rất sớm. Từ mờ sáng, Vĩnh ra chợ Cồn mua rau thơm, dưa leo, thịt, chả tươi ngon rồi loay hoay sơ chế. Các tình nguyện viên phụ rửa rau, cắt chả. Đến khoảng 9 giờ sáng, Vĩnh kéo chiếc tủ đặt trước hiên nhà rồi bắt đầu bán đến khi hết bánh mỳ. Mỗi ngày, Vĩnh bán khoảng 150 ổ bánh mì.

Nhiều bạn trẻ đang là sinh viên tranh thủ thời gian rảnh đến phụ Vĩnh bán bánh mỳ.
Những ổ bánh mỳ giá 0 đồng đem lại nhiều vui cho những người lao động nghèo, giúp họ đỡ một phần chi phí mỗi ngày.

Để phục vụ chu đáo bữa ăn cho mọi người, Vĩnh vừa bán bánh mỳ thịt chả, vừa bán cả bánh mỳ bơ đường cho những người ăn chay. Hôm nào đến buổi chiều mà bánh mỳ còn nhiều, Vĩnh cùng các tình nguyện viên đem đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố phát cho bệnh nhân và người nhà.

“Tiệm luôn cố gắng bán ngày nào hết bánh mỳ ngày đó, không để tồn sang hôm sau, để mọi người luôn được ăn những chiếc bánh mỳ nóng giòn, thơm phức mỗi ngày. Hôm nào có mạnh thường quân hỗ trợ thêm thịt, chả, tôi sẽ bỏ thêm vào bánh mỳ để mọi người có những bữa ăn đầy đủ, dinh dưỡng hơn”, Vĩnh nói.

Dù giá bán là 0 đồng nhưng những ổ bánh mỳ đều bảo đảm tiêu chí nóng giòn, thơm ngon, hợp vệ sinh.
Những ổ bánh mỳ 0 đồng bảo đảm tiêu chí nóng giòn, thơm ngon, hợp vệ sinh.

Trước cửa tiệm bánh mỳ, Vĩnh luôn đặt thùng nước suối để mọi người có nhu cầu sẽ lấy dùng. Hầu hết mọi người sau khi mua bánh mỳ đều lấy kèm chai nước suối nhỏ để uống. Còn với những người khuyết tật, người già, Vĩnh gửi kèm gói sữa để bữa ăn của họ thêm đầy đủ.

Sớm mồ côi cha mẹ nên chuyện nội trợ, bếp núc Vĩnh đều rất thạo. Vì thế, việc chế biến nguyên liệu để bán bánh mỳ đều do một tay Vĩnh làm. “Tôi luôn muốn mang đến những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh cho mọi người. Dù bán giá 0 đồng nhưng tôi luôn đặt tiêu chí là: nấu cho mình ăn thế nào thì nấu cho mọi người y như thế, thậm chí phải ngon hơn thế”, Vĩnh tâm sự.

Tiệm bánh mỳ của Vĩnh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người chạy xe ôm, bán vé số, mua ve chai.
Tiệm bánh mỳ của Vĩnh đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người chạy xe ôm, bán vé số, mua ve chai.

Mỗi ngày, Vĩnh chi khoảng 1,2 triệu - 1,5 triệu đồng để mua nguyên liệu, bánh mỳ. Vĩnh đặt ra nguyên tắc là không nhận hỗ trợ tiền từ mạnh thường quân mà chỉ nhận hỗ trợ bằng hiện vật. Nếu mạnh thường quân nào ngỏ ý muỗn hỗ trợ, Vĩnh đều nhờ mọi người mua giúp Vĩnh ký thịt, ký chả hoặc vài chục ổ bánh mỳ. Từ khi hoạt động đến nay, mọi chi phí cho Tiệm bánh mỳ Vĩnh đều lấy từ nguồn thu nhập của cá nhân và ủng hộ của mạnh thường quân.

Là một thực khách quen thuộc của Tiệm bánh mỳ 0 đồng từ những ngày đầu, cứ đến buổi trưa, ông Trần Vinh (chạy xe ôm) lại tạt qua tiệm để mua bánh mỳ. Những ổ bánh mỳ nóng, giòn từ tiệm là những bữa ăn trưa thường xuyên của ông. Nhờ vậy, mỗi ngày, ông Vinh bớt được một phần chi phí ăn uống.

Mỗi ngày trôi qua, Vĩnh luôn cố gắng làm những điều có ích để bố mẹ yên lòng.
Mỗi ngày trôi qua, Vĩnh luôn cố gắng làm những điều có ích để bố mẹ yên lòng.

Tương tự, bà Lê Thị Dung (quê Quảng Ngãi, bán vé số) cũng thường xuyên mua bánh mỳ tại tiệm. “Bánh mỳ ở đây ăn rất ngon, lại nhiều thịt, chả. Một ổ bánh mỳ như thế này nếu mua ở chỗ khác là khoảng 10.000 đồng, nhưng mua ở đây chỉ có giá 0 đồng, lại có cả nước suối nữa. Tôi rất quý và biết ơn tấm lòng của cháu Vĩnh đã giúp những người lao động nghèo như chúng tôi tiết kiệm được một phần chi phí”, bà Dung bộc bạch.

Dù mới bán được một thời gian ngắn nhưng tiệm của Vĩnh đã có hàng chục “khách quen”. Nhìn những người chạy xe ôm, bán vé số, mua ve chai cứ đến bữa trưa, bữa xế lại ghé qua tiệm mua bánh mỳ, Vĩnh lấy đó làm động lực. Thấy mọi người vừa ăn bánh mỳ, vừa tấm tắc khen ngon, lòng Vĩnh ngập tràn hạnh phúc.

Ngoài Tiệm bánh mỳ 0 đồng, Vĩnh còn thường xuyên có những hoạt động thiện nguyện khác như: phát cháo ở các bệnh viện, kêu gọi kinh phí giúp những hoàn cảnh khó khăn, tổ chức những chuyến từ thiện về vùng cao,… Mỗi ngày trôi qua, Vĩnh luôn cố gắng làm những điều có ích, có ý nghĩa cho cộng đồng như một cách để báo hiếu với bố mẹ đã khuất. Vĩnh được nhiều người biết đến là một thanh niên tử tế, với những việc làm ý nghĩa, giúp ích cho đời.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.