Sống tử tế giữa cuộc đời

.

Trong những ngày cả nước chống đại dịch Covid-19, chúng tôi thấy rõ thêm bao tấm lòng tử tế, trong số đó có nhiều bạn trẻ đang độ tuổi mười tám đôi mươi. Nhìn cách các bạn tổ chức quyên góp, nấu hàng ngàn suất ăn, bỏ công sức chuyển cơm đến tận tay người dân, mới thấy hết ý nghĩa của sự tử tế và lòng trắc ẩn bừng sáng giữa bao khó khăn, bộn bề của cuộc sống.

Những buổi phát cơm từ thiện của các bạn trẻ đã mang lại niềm vui cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TIỂU YẾN
Những buổi phát cơm từ thiện của các bạn trẻ đã mang lại niềm vui cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TIỂU YẾN

Ông Hoàng Minh Hùng (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) chia sẻ với chúng tôi rằng, mỗi ngày, ông đều lướt qua facebook của cậu con trai để biết con mình đang làm gì trong thế giới đầy màu sắc của tuổi trẻ. Dạo gần đây, ông thấy facebook của con hào hứng chia sẻ chuyện cùng nhóm bạn quyên tiền hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông bảo mình khá vui khi thấy con trưởng thành hơn rất nhiều.

Muốn con sống tử tế, song ông Hùng không áp đặt trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái. Phần lớn ông chỉ đóng vai trò là người truyền cảm hứng và tôn trọng những quyết định của con. Ông kể, cách đây 10 năm, khi cậu con trai xin đi học múa tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, ông gật đầu cái rụp. Ông nói: “Con thích thì tôi chiều, vì dù gì việc học múa cũng giúp con có sức khỏe, dẻo dai và điềm tĩnh hơn. Tôi không bao giờ quan niệm rằng vì sao con trai lại đi học múa. Sau này, lúc đang học cấp 3, nó đã tham gia biểu diễn tại nhà hàng tiệc cưới, tiền mang về bỏ ống heo để mua xe máy khi vừa bước vào đại học. Tôi vui vì con biết suy nghĩ, sống trách nhiệm với bản thân và gia đình”.

Anh Hoàng Văn Phương, con trai ông Hùng hiện là sinh viên năm 3 Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế). Chừng 2 tháng qua, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, trường đóng cửa, Phương về Đà Nẵng tham gia một số chương trình thiện nguyện do CLB “Vì bạn thương nhau” tổ chức. Trong đó, ý nghĩa nhất là quãng thời gian tham gia nấu 9.549 suất cơm dành cho người nghèo, người lao động khó khăn trong 11 ngày (từ 1-4 đến 16-4). “Yêu thương cho đi mà không cần nhận lại, tôi luôn dặn mình như thế”, Phương khiêm tốn cho biết.

Nguyễn Chi Chi, thành viên nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh Đà Nẵng theo sát hoạt động nấu cơm từ thiện mang tên “Khay cơm yêu thương” chia sẻ: “Hành trình tham gia nhóm thiện nguyện dầm mưa dãi nắng nhưng sao ai cũng vui dù có đứa ngất xỉu vì làm việc quá sức. Để có gần 1.000 khay cơm mỗi ngày, tụi em phải thức dậy từ 5 giờ sáng để nấu 150-200kg gạo; sơ chế, nấu 170-200kg rau củ, 150kg sườn, thịt, tôm, cá; phân công các đội chia cơm, phân món, đội nấu canh, đội đi giao canh, đội phát cơm cho bà con, đội hậu cần, điều phối người đến nhận… Đó là năng lượng của cả một tập thể khi vượt qua sự lo lắng bệnh tật, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều em chỉ chừng mười tám đôi mươi nhưng ngày nào cũng có mặt từ sáng tới chiều muộn, thương lắm!”.

Sự tử tế của con người trong những ngày dịch bệnh khiến tình người thêm phần tỏa sáng. Những “ATM gạo”, những bếp ăn từ thiện tại Đà Nẵng ngày ngày vẫn nhận được sự tiếp sức lúc thì tiền, gạo, trái cây, khi gia vị, rau củ quả của các mạnh thường quân. Chị P.T.L.L (trú đường Đống Đa, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) kể, khi nhận điện thoại từ chương trình “Hạt gạo nghĩa tình” mời đến nhận một phần quà gồm 10kg gạo và nhu yếu phẩm khác như dầu, mắm…

Cuộc điện thoại đến giữa bao bộn bề của cuộc sống làm chị rưng rưng nước mắt. Chị bảo, giá trị món quà là một phần, phần còn lại là sự quan tâm của xã hội dành cho mình. “Mình đã làm được gì cho họ đâu mà họ biết hoàn cảnh của mình rồi gọi điện. Sự quan tâm đó khiến mình vui và gắng vượt qua giai đoạn khó khăn”, chị L. bày tỏ.

Qua chia sẻ, chúng tôi biết gia đình chị L. khá khó khăn khi chồng mất vì tai nạn, một mình chị chăm sóc nuôi dưỡng 3 con nhỏ. Là nhân viên một khách sạn trên địa bàn, thời gian này, khách sạn đóng cửa nên mọi chi tiêu trong nhà đều rất chật vật. Tương tự, chị H. là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Nhiều năm qua, mẹ con chị sống trọ tại con hẻm H04/15A Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê. Chị H. chia sẻ, chị vốn là lao động tự do, thời gian qua không tìm đâu ra công việc nên thu nhập không có.

Ngày ngày, chị thường đến chỗ phát cơm từ thiện để nhận hộp cơm về, phân chia thức ăn cho mấy mẹ con. Khi Đà Nẵng có “ATM gạo”, chị đến để chờ nhận gạo. “Ai chưa trải qua những ngày trong nhà sắp hết gạo mà tiền bạc eo hẹp thì không thể hiểu được cảm giác lo lắng ấy như thế nào. Có hôm tôi phải đi mua gạo ký vì tiền không đủ để mua một lúc 10 ký theo bao. Nhờ ATM gạo, tôi chủ yếu xoay xở tiền mua ít thức ăn cho tụi nhỏ. Tôi mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống trở lại bình thường”, chị H. nói.

TIỂU YẾN
 

;
;
.
.
.
.
.