Người thợ có nhiều sáng kiến

.

ĐNO - Thời gian qua, Đại úy Lê Văn Trường, kỹ thuật viên hàn của Trạm miền Trung, Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải (Cục Kỹ thuật Bộ đội Biên phòng) đóng ở quận Sơn Trà đã có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tiết kiệm nguyên vật liệu, nhân công và rút ngắn thời gian hoàn thành công việc.

Đại úy Lê Văn Trường luôn miệt mài với công việc, đồng thời tìm cách để làm việc hiệu quả cao, đỡ tốn thời gian, chi phí. Ảnh: HỒNG QUANG
Đại úy Lê Văn Trường miệt mài với công việc, luôn tìm cách để làm việc hiệu quả cao. Ảnh: HỒNG QUANG

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở thành phố Hải Phòng, anh Lê Văn Trường không có điều kiện học nhiều nên sau khi tốt nghiệp Trung cấp Công nghiệp Hải Phòng, anh xin vào làm tại Xí nghiệp Nam Sơn - Công ty Sơn Hải (nay là Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải) để có tiền phụ giúp gia đình.

Anh Trường quan niệm làm việc gì dù là nhỏ cũng phải cố gắng hết sức, tìm cách để làm tốt nhất có thể. Bởi vậy, dù ở vị trí nào, anh cũng đều luôn hoàn thành xuất sắc công việc. Khi Trạm miền Trung, Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải (Cục Kỹ thuật Bộ đội Biên phòng) đóng tại Đà Nẵng cần nhân lực, anh Trường xung phong vào nhận công tác ngay.

22 năm công tác tại Trạm miền Trung, anh Trường đã nỗ lực, góp phần không nhỏ để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Đơn cử như sáng kiến cải tiến việc lắp đặt bạc chân vịt cho các loại tàu. Trước đây, việc lắp bạc chân vịt chủ yếu làm bằng tay. Muốn đưa bạc chân vịt ra khỏi vị trí để thay, người thợ phải sử dụng búa và tốn nhiều công sức. Sau nhiều ngày suy nghĩ cùng với kinh nghiệm sẵn có, anh Trường đã nghĩ ra cách dùng kích thủy lực nén để rút bạc chân vịt ra khỏi vị trí cần thay. Nhờ cách này, thời gian triển khai và nhân công được rút ngắn hơn 1 nửa, chất lượng vẫn bảo đảm.

Hay như sáng kiến của anh Trường về phương pháp cải tiến lắp đặt càng giá chữ nhân hệ trục chân vịt để đỡ trục chân vịt khi tàu hoạt động. Trước đây, người thợ phải dùng đế kê để cố định giá, đồng thời kỹ thuật hàn phải cao và mất nhiều thời gian thì mới thực hiện được việc lắp đặt. Sau đó, anh Trường đã chế tạo ra bộ giá treo giúp người thợ dễ dàng hơn trong việc tăng, chỉnh độ co ngót khi hàn. Nhờ cải tiến này, thời gian hàn giá đỡ trục chân vịt được rút ngắn, số lượng nhân công cũng giảm một nửa nhưng độ chính xác cao hơn. Ngoài ra, bộ giá treo dù hiệu quả nhưng được làm bằng chất liệu với giá thành rất rẻ.

Không chỉ chuyên về hàn, Đại úy Lê Văn Trường còn thạo nhiều việc như: cân chỉnh trục chân vịt, cân chỉnh chân máy... Nhờ tự học hỏi, trau dồi chuyên môn, đồng thời có giải pháp kỹ thuật tốt, anh luôn hoàn thành công việc nhanh, hiệu quả. Không chỉ tự học, anh còn học hỏi từ đồng nghiệp, từ sách báo.

Những lúc được giao khối lượng công việc khá lớn Đại úy Trường cùng đồng đội đã tăng ca làm liên tục với phương châm hết việc chứ không hết giờ, nhờ vậy, đơn hàng gồm hàng chục phương tiện cho Bộ đội Biên phòng các tỉnh khu vực miền Trung đã được anh cùng đồng đội sửa chữa kịp thời.

Ngoài làm tốt công việc được giao, anh còn luôn giúp đỡ đồng đội hoàn thành các nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, tàu thuyền của đối tác, tàu đánh cá của ngư dân.

Đại úy Lê Văn Trường luôn tâm niệm việc sửa chữa tàu phải đặt chất lượng lên hàng đầu bởi chỉ cần có sơ suất, sản phẩm không bảo đảm thì sẽ nguy hiểm. Khi được hỏi sao lại chọn cái nghề khó nhọc này, anh bảo nghề sửa chữa tàu khó và vất vả nhưng nếu thực sự yêu thích, đam mê sẽ làm tốt công việc. Anh cùng đồng đội luôn cố gắng thực hiện công việc một cách nhanh nhất nhưng vẫn bảo đảm an toàn, chất lượng trong công việc.

HỒNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.