Người Đà Nẵng

Kỷ niệm ngày Điều dưỡng 12-5

Tận tâm, hết mình vì người bệnh

16:48, 12/05/2024 (GMT+7)

ĐNO - Nhẹ nhàng, ân cần, nhiệt tình và luôn quan tâm giúp đỡ người bệnh cũng như đồng nghiệp - đó là nhận xét của mọi người dành cho chị Nguyễn Thị Thùy Vân, Điều dưỡng trưởng Khoa Tim bẩm sinh cấu trúc, Bệnh viện Đà Nẵng.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thùy Vân (bên trái) đang hỏi thăm sức khỏe bệnh  nhân
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thùy Vân (bên trái) đang hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân

Suốt gần 25 năm công tác, chị Thùy Vân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ y tế, không ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng phục vụ, chăm sóc bệnh nhân; tận tình chỉ bảo đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chị Thùy Vân cho biết, đặc thù của Khoa Tim bẩm sinh cấu trúc so với các khoa khác là không chỉ có bệnh nhân nhỏ tuổi mà có cả bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nặng nhiều, tình trạng bệnh thường diễn biến xấu, nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, vai trò của điều dưỡng trưởng rất quan trọng, phải nắm bắt được diễn biến bệnh để thông báo cho bác sĩ và phân công công việc cho điều dưỡng viên một cách hợp lý.

Theo đó, chị luôn chủ động xây dựng cơ số thuốc bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc trong tháng để mọi hoạt động của khoa được thông suốt; chủ động sắp xếp, phân công công việc cho các điều dưỡng trong khoa phù hợp với năng lực của mỗi người, thường xuyên động viên, khuyến khích đồng nghiệp phát huy hết khả năng của mình.

Đặc biệt là thái độ ứng xử trong công việc, luôn gần gũi, thật sự là chỗ dựa tinh thần, ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân trong công tác điều trị, chăm sóc.

Không ngừng học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và y đức, chị Thùy Vân tiếp tục học lên chuyên khoa I. Với sự phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2019, chị được lãnh đạo bệnh viện bổ nhiệm Điều dưỡng trưởng của Khoa Tim bẩm sinh cấu trúc khi vừa tròn 41 tuổi.

Từ khi được bổ nhiệm, dù không trực tiếp điều trị bệnh nhân nhưng hằng ngày chị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công việc của các điều dưỡng viên trong khoa. Đối với những điều dưỡng mới học việc, chị luôn chỉ bảo tận tình từ cách thức làm việc cho hiệu quả cũng như kỹ năng chuyên môn cần thiết để đáp ứng được công việc.

Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị và nâng cao nhận thức, cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, chị Thùy Vân còn trực tiếp lên thực đơn và tư vấn, hướng dẫn cách ăn uống khoa học, phù hợp với bệnh lý của từng người bệnh không chỉ trong thời gian điều trị mà cả về sau.

Bên cạnh phát triển công tác chuyên môn, suốt hơn 10 năm qua chị Thùy Vân còn rất tích cực tham gia công tác tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hằng năm các trẻ được khám từ 50 đến 100 nghìn trẻ và đưa các trẻ em bị bệnh đến khám và điều trị sớm đem lại thành công trong điều trị.

Được xem là bệnh viện có chất lượng điều trị tốt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên nên lượng người bệnh đến thăm khám, điều trị rất lớn. Trong đó có nhiều trường hợp có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, người nghèo…

Để phần nào có kinh phí giúp bà con an tâm điều trị, chị Thùy Vân đã phối hợp thực hiện tốt công tác thiện nguyện xã hội, vận động các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bà con đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu vùng xa mỗi năm khoản gần 200 trường hợp.

Nhắc lại quãng thời gian đã qua trong sự nghiệp của mình, chị Thùy Vân chia sẻ, bệnh nhân đến bệnh viện ai cũng cũng đau, nhưng có thể nói bệnh nhân bị bệnh tim được xem là “đặc biệt”, nhất là với những người bệnh trẻ tuổi, bởi họ dễ gặp những sang chấn về tâm lý khi phải đối diện với vấn đề sức khỏe và dễ ảnh hưởng đến tính mạng.

Để chữa lành căn bệnh ấy, để làm lành những trái tim “lỗi nhịp” cho người bệnh không chỉ có y học hiện đại, mà còn cả tấm lòng bao dung, ân cần, cảm thông, chia sẻ.

Nhiều câu chuyện, nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây, từng phút … khiến chị nhớ như in và trăn trở, ưu tư xen lẫn hạnh phúc cho đến tận bây giờ.

Đó là trường hợp bệnh nhân Ng.Th.L.L, sinh năm 1992, trú quận Sơn Trà. Bệnh nhân nhập viện và được chẩn đoán bị bệnh tim. Để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân đã phức tạp, nay còn phức hơn khi bệnh nhân mang thai 20 tuần tuổi.

Không chỉ đội ngũ y bác sĩ, cả đội ngũ điều dưỡng của Khoa Tim bẩm sinh cấu trúc, trong đó có chị Thùy Vân dường như phải “vật lộn” với chính mình và bệnh lý của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Chị Thùy Vân vừa phải thực hiện chuyên môn, vừa phải thường xuyên động viên, chia sẻ và chị đã trở thành niềm tin, điểm tựa tinh thần để bệnh nhân cố gắng vượt qua. Sau gần năm tháng điều trị, bệnh nhân đã hạ sinh đứa con đầu lòng trong vui khôn tả của không chỉ người thân gia đình mà còn của cả Khoa Tim bẩm sinh cấu trúc Bệnh viện Đà Nẵng.

Vất vả là vậy nhưng chị và đồng nghiệp của mình vẫn luôn giữ vững sự lạc quan. Bởi chính sự lạc quan ấy không chỉ giúp cho chị và đồng nghiệp có thêm niềm tin, nghị lực, sự đam mê tận hiến với nghề mà quan trọng hơn, đó còn là chỗ dựa tinh thần, là động lực giúp cho người bệnh cố gắng vượt qua những khó khăn, những nỗi đau bệnh tật để phục hồi; giúp cho gia đình người bệnh được yên tâm; giúp cho xã hội thêm tin tưởng.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, chị Thùy Vân còn tổ chức công tác giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn cho điều dưỡng trong khoa thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, bài bản, hiệu quả, đặc biệt là với những điều dưỡng mới cũng như sinh viên chuyên ngành điều dưỡng của các trường gửi đến.

Với những nổ lực, cống hiến của mình, nhiều năm qua, chị luôn được công nhận là chiến sĩ thi đua và được Giám đốc Sở Y tế tặng giấy khen. Chủ tịch UBND thành phố tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng năm 2023”.

Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của người điều dưỡng trưởng và quan trọng là dòng chảy của sự hy sinh thầm lặng có sẵn trong tim mình, chị Thùy Vân luôn trao yêu thương một cách ân cần, trân trọng nhất.

Chị luôn luôn tâm niệm hết mình vì người bệnh, vì đồng nghiệp, vì mọi người, cống hiến được bao nhiêu là chị tình nguyện, không mong cầu nhận lại gì ngoài sự hồi phục nhịp đập đúng nghĩa của trái tim người bệnh.

M.LINH - B.LÂM

.